Giữa lúc người dân Mỹ và châu Âu liên tục phàn nàn về giá xăng cao, thì ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, người tiêu dùng đang hưởng mức giá xăng “rẻ như bèo” nhờ chính sách trợ giá từ chính phủ và đây hầu hết đều là các quốc gia dầu lửa.

Chẳng hạn, giá xăng bán lẻ ở Venezuela chỉ vào khoảng 1.000 đồng/lít, trong khi ở Turkmenistan, người dùng ôtô được dùng miễn phí 120 lít xăng/tháng…

Tuy nhiên, hưởng lợi nhiều hơn từ chính sách trợ giá này thường lại là những người giàu, nhất là những người sở hữu ôtô, thay vì những người nghèo.

Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 65% tiền trợ giá xăng dầu của các nước châu Phi trong năm 2010 làm lợi cho số 40% hộ gia đình giàu nhất ở nước này. Còn theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trong số 410 tỷ USD mà thế giới chi ra để trợ giá xăng dầu trong năm 2010, chỉ có 8% là đến được với số 20% dân số nghèo nhất.

Dựa trên số liệu từ hãng bảo hiểm Anh quốc Staveley Head, tờ Christian Science Monitor đã điểm 10 quốc gia có giá xăng bán lẻ rẻ nhất thế giới hiện nay.

10. Algeria

Giá xăng bán lẻ: 0,32 USD/lít (khoảng 6.700 đồng/lít)



Là một thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), Algeria có trữ lượng dầu lửa đã tìm thấy lớn thứ ba ở châu Phi, sau Lybia và Nigeria. Năm 2010, nước này là quốc gia sản xuất dầu lửa lớn thứ 4 ở lục địa đen, sau Nigeria, Angola và Libya. Liên minh châu Âu (EU) rất chuộng dầu nhập khẩu từ quốc gia Bắc Phi này, vì dầu thô của Algeria có hàm lượng lưu huỳnh thấp, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường ngặt nghèo của EU. Các ngành công nghiệp của Nigeria hầu hết đã được quốc hữu hóa. Chính phủ nước này cũng áp đặt nhiều hạn chế đối với các hoạt động nhập khẩu, tư nhân hóa, và các hoạt động kinh tế liên quan tới nước ngoài khác. Khoảng 60% GDP của Nigeria đến từ sản xuất dầu lửa.

Để đối phó với lạm phát cao trong tầng lớp thanh niên, Chính phủ Nigeria hồi năm 2010 tuyên bố sẽ đầu tư nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí vào việc xây dựng mới các viện bảo tàng, nhà hát và thư viện.

Không giống như Saudi Arabia, Algeria chưa có kế hoạch tăng xuất khẩu dầu thô trong bối cảnh giá dầu tăng do căng thẳng leo thang xung quanh chương trình hạt nhân của Iran. “Chúng đã có chương trình từ trước và vẫn duy trì chương trình đó”, Bộ trưởng Năng lượng và Khai mỏ Algeria, ông Youcef Yousfi, cho biết.

9. Oman

Giá xăng bán lẻ: 0,32 USD/lít (khoảng 6.700 đồng/lít)



Tại khu vực Trung Đông, Oman có trữ lượng dầu lửa đã được phát hiện lớn hơn bất kỳ một quốc gia không phải là thành viên OPEC nào, với 5,5 triệu thùng. Sản lượng khai thác dầu của Oman đã tăng 20% từ năm 2007, lên mức 860.000 thùng/ngày vào năm 2010. Xuất khẩu dầu khí chiếm 47% GDP của Oman vào năm 2010. Châu Á là thị trường xuất khẩu dầu chính của Oman.

Hãng dầu lửa BP của Anh đang cân nhắc có nên đầu tư 15 tỷ USD vào một dự án khí đốt ở Oman. “Dự án này sẽ tạo ra những khoản tiền lớn cho Oman. Chúng tôi muốn đạt được một phần đủ lớn cho BP trong vụ này để có cơ sở hợp lý cho việc đầu tư”, Giám đốc BP tại Oman, ông Jonathan Evans, nói với phóng viên Reuters.


Chính phủ Oman hiện đang nỗ lực để đa dạng hóa nền kinh tế thông qua việc rót vốn đầu tư cho các lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ y tế. Nước này đặt giáo dục lên ưu tiên hàng đầu, thể hiện qua việc đầu tư tích cực cho giáo dục cơ bản như mở các trường đại học và dạy nghề, cấp học bổng cho sinh viên du học.

8. Ai Cập

Giá xăng bán lẻ: 0,3 USD/lít (xấp xỉ 6.300 đồng/lít)



Ai Cập là một nước sản xuất dầu lớn tại châu Phi và đi đầu trong lĩnh vực lọc hóa ở khu vực này. Tuy nhiên, do nhu cầu của thị trường trong nước tăng cao, Ai Cập thậm chí phải nhập khẩu một số sản phẩm săng dầu. Sản lượng dầu lửa của nước này gần đây đã giảm nhẹ, còn 736.000 thùng/ngày vào năm 2010. Xuất khẩu khí đốt vì thế được kỳ vọng sẽ trở thành một nguồn thu lớn hơn của Ai Cập khi mà hoạt động thăm dò tìm kiếm các mỏ khí ở nước này đang gia tăng.

Nhận xét về những tác động kinh tế của phong trào nổi dậy Mùa xuân Arab hồi năm 2011, hãng nghiên cứu IHS Global Insight của Anh cho rằng, trong lúc các ngành kinh tế khác xuống dốc, thì vốn đầu tư vào ngành dầu khí và kênh đào Suez tiếp tục là hai trụ cột của nền kinh tế Ai Cập. Hãng thăm dò dầu khí Apache Corporation của Mỹ cho biết, sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào Ai Cập trong vòng 2 năm tới.

7. Qatar

Giá xăng bán lẻ: 0,24 USD/lít (khoảng 5.000 đồng/lít)



Qatar là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới. Quốc gia thành viên OPEC này còn là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 16 vào năm 2009. Từ năm 2000 tới nay, tiêu thụ dầu của Qatar đã tăng gấp hơn 3 lần do tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ, cũng như nhờ mức giá xăng dầu thấp. Quốc gia vùng Vịnh này có GDP/đầu người cao thứ nhì thế giới, ước tính vào khoảng 102.700 USD trong năm 2011. Trữ lượng dầu lửa đã được phát hiện của Qatar là 25,4 tỷ thùng, nguồn thu từ dầu khí đóng góp 50% GDP nước này.

Đến nay, tăng trưởng kinh tế của Qatar vẫn chủ yếu dựa trên ngành dầu lửa. Tuy nhiên, nước này đang nỗ lực nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và phát triển thương hiệu như một cường quốc về tri thức. Năm 2009, Trung tâm Khoa học và Công nghệ Qatar (QSTP) được thành lập, trở thành địa chỉ để phát triển các chương trình học thuật.

6. Kuwait

Giá xăng bán lẻ: 0,22 USD/lít (khoảng 4.600 đồng/lít)



Kuwait sở hữu trữ lượng dầu lửa lớn thứ 6 thế giới, đồng thời là một trong nước sản xuất và xuất khẩu dầu lớn nhất OPEC. Xuất khẩu dầu đóng góp một nửa GDP của Kuwait và 95% nguồn thu của Chính phủ nước này. Tập đoàn dầu lửa Kuwait Petroleum Corporation của nước này có kế hoạch tăng công suất khai thác lên 4 triệu thùng/ngày trong thời gian từ này đến năm 2020. Phần lớn dầu của Kuwait phục vụ cho xuất khẩu. Năm ngoái, 87% sản lượng dầu của nước này được xuất ra thị trường quốc tế.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Trái đất, giá trị trợ giá các sản phẩm nhiên liệu hóa thạch (gồm dầu, khí đốt, than) tính trên đầu người của Kuwait là cao nhất thế giới, vào khoảng 2.800 USD/người/năm. Tiếp theo là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Qatar, mỗi nước chi trợ giá khoảng 2.500 USD/người.

5. Bahrain

Giá xăng bán lẻ: 0,21 USD/lít (khoảng 4.400 đồng/lít)



So với các quốc gia láng giềng ở Trung Đông, Bahrain có khá ít dầu. Bởi thế, nước này đang nỗ lực nhiều để đa dạng hóa nền kinh tế và đã nổi lên như một trung tâm tài chính-ngân hàng trong khu vực. Các ngành bán lẻ và du lịch cũng đang phát triển mạnh ở nước này. Baahrain đã ký Hiệp định thương mại tự do với Mỹ vào năm 2005 và được Liên hiệp quốc đánh giá là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong thế giới Arab.

4. Turkmenistan

Giá xăng bán lẻ: 0,19 USD/lít (gần 4.000 đồng/lít)



Việc Tổng thống Gurbanguly Berdymukhammedov tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ 5 năm đồng nghĩa với việc những người sở hữu xe ôtô ở quốc gia Trung Á này tiếp tục được hưởng 120 lít xăng miễn phí mỗi tháng. Với mức hỗ trợ như vậy, thì mức giá xăng bán lẻ 0.19 USD/lít ở Turkmenistan gần như trở nên vô nghĩa với những người có ôtô. Chính phủ nước này đã cam kết trợ giá cho một loạt sản phẩm xăng dầu ít nhất đến năm 2030. Tuy nhiên, trữ lượng dầu lửa của Turkmesnistan là khá thấp, nên không rõ Chính phủ có thể thực hiện được lời hứa này đến cùng hay không.

3. Libya

Giá xăng bán lẻ: 0,14 USD/lít (2.900 đồng/lít)



Trong cuộc nổi dậy chống lại chế độ Qaddafi hồi năm ngoái, cơ sở hạ tầng của ngành dầu lửa Lybia bị phá hủy nghiêm trọng. Nhiều mỏ dầu bị phá bởi bom mìn, các cảng dầu trở thành chiến trường giữa phe nổi dậy và quân đội Qaddafi. Khi đó, nhà máy lọc dầu lớn nhất Lybia là Ras Lanuf cũng bị đóng cửa. Hiện nay, dưới sự lãnh đạo lâm thời của Hội đồng chuyển tiếp quốc gia, Libya đang trong quá trình phục hồi công suất khai thác dầu.

Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Libya, ông Omar Shakmak cho biết, chính quyền Lybia dự kiến đến mùa hè năm nay, nước này sẽ trở lại mức sản lượng 1,6 triệu thùng dầu/ngày như thời điểm trước khi nổ ra xung đột, từ mức 1,265 triệu thùng/ngày hiện nay. Sự cải thiện sản lượng cùng với tình hình chính trị đi vào bình ổn ở Lybia có thể sẽ góp phần hạn chế sự leo thang của giá dầu quốc tế.

2. Saudi Arabia

Giá xăng bán lẻ: 0,13 USD/lít (2.700 đồng/lít)



Mới đây, OPEC công bố, trữ lượng dầu lửa đã được phát hiện của Saudi Arabia chỉ thua có Venezuela. Tuy nhiên, quốc gia Nam Mỹ kém hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành dầu lửa, nên Saudi Arabia hiện là nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới. Ngôi vị này của Saudi Arabia được dự báo sẽ còn duy trì trong nhiều năm tới.

Tuy nhiên, theo tài liệu mật do trang Wikileaks công bố, hồi năm 2008, các quan chức dầu lửa cao cấp của Saudi Arabia bày tỏ sự lo ngại về việc trữ lượng dầu lửa của nước này có thể bị “tính nhầm” cao hơn thực tế tới 40%. Trong OPEC, Saudi Arabia là một quốc gia thân Mỹ và có chủ trương giữ giá dầu ở mức hợp lý. Bởi vậy, khi căng thẳng gia tăng xung quanh chương trình hạt nhân của Iran, nước này gặp thêm thách thức: Liệu Saudi Arabia sẵn sàng xuấtt khẩu 9 triệu thùng dầu/ngày, từ mức 7,5 triệu thùng/ngày vào tháng 1, cho tới khi nào để kìm sự leo thang của giá dầu quốc tế?

Mỗi năm, Saudi Arabia chi khoảng 13,3 tỷ USD để trợ giá xăng và dầu diesel.

1. Venezuela

Giá xăng bán lẻ: 0,05 USD/lít (hơn 1.000 đồng/lít)



Với cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 10 năm nay, Tổng thống Hugo Chavez biết rằng, tăng giá xăng dầu vào lúc này là một động thái rủi ro về mặt chính trị. Ghế tổng thống của ông Chavez đang bị đe dọa bởi tình hình sức khỏe đi xuống của ông. Lần gần đây nhất, Chính phủ Venezuela muốn tăng giá xăng là vào năm 1989, nhưng các cuộc bạo loạn đã nổ ra khiến hàng trăm người thiệt mạng. Dự báo, trong nhiều năm tới, giá xăng ở Venezuela sẽ còn tiếp tục rẻ hơn nước uống đóng chai.

* Giá xăng trong bài quy đổi ra VND dựa trên tỷ giá USD/VND là 20.860 đồng/USD theo công bố của Ngân hàng Vietcombank ngày 1/3/2012.

(Theo Dân trí/ Christian Science Monitor)