So với cách đây 1 năm, giá gas đã tăng gấp rưỡi, và so với thời điểm từ đầu năm tới nay, giá gas tăng tới 130.000 đồng/ bình 12 kg.

Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Thị Thúy Nga cho rằng, việc giá gas tăng thêm 52.000 đồng/bình 12 kg từ 1/3 là tất yếu, phù hợp với diễn biến giá trên thị trường thế giới.

Chóng mặt vì giá nhảy múa

Bắt đầu từ 1/3/2012, đồng loạt các hãng gas lớn nhỏ trong nước đều niêm yết bảng giá gas bán lẻ mới, tăng thêm trung bình 52.000 đồng/bình 12kg, cá biệt có hãng tăng tới 55.000 đồng/bình 12 kg. Đây là lần thứ 3 giá gas trong nước tăng giá, đẩy giá bán lẻ tăng tổng cộng gần 130.000 đồng/bình 12kg kể từ đầu năm.

Hiện, giá bán lẻ gas trong nước nhãn hiệu PetroVietnam Gas (Công ty CP Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Bắc) tại đại lý gas Thiên Phú (Yên Hòa – Cầu Giấy- Hà Nội) báo giá ở mức 485.000 đồng/12 kg. Sản phẩm tương tự của Ngọn lửa thần (Magic Gas) cũng tăng 50.000 đồng, ở mức 490.000 đồng/loại 12 kg (cuối tháng 2/2012 là 440.000 đồng/bình 12kg). Đại lý Shell gas Khánh Hương trên đường (Nguyễn Trãi – Thanh Xuân – Hà Nội) sáng sớm nay cũng đã thay bảng giá niêm yết mới, lên 490.000 đồng/ bình 12 kg. Loại gas được các gia đình "ưa chuộng" nhất là Petrolimex cũng tăng 50.000 đồng/bình 12kg, ở mức 480.000 đồng/bình.

Thực tế, giá mặt hàng nhiên liệu khí đốt hóa lỏng đã tăng giá chóng mặt kể từ đầu năm, và quá cao so với mặt hàng thu nhập của người dân hiện nay. So với cách đây 1 năm, giá gas đã tăng gấp rưỡi, và so với thời điểm từ đầu năm tới nay, giá gas tăng tới 130.000 đồng/ bình 12 kg.


Giá gas tăng vào thời điểm này, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của đa số người dân và ngay chính những đại lý kinh doanh gas. Nhiều chủ cửa hàng đại lý gas thừa nhận, giá gas đắt khiến tình hình kinh doanh cũng ảm đạm hơn trước. Nhiều gia đình bắt đầu tiết kiệm hơn bằng cách chuyển sang dùng các loại khí đốt khác, hoặc dùng dẻ xẻn hơn, nên doanh số bán ra cũng giảm rõ rệt.

"So với cách đây 1 ngày, giá gas đã tăng 55.000 đồng/loại 12kg, không chỉ người tiêu dùng choáng mà cả tới các đại lý như chúng tôi cũng giật mình nữa là. Nhưng nhà cung cấp họ lên giá thì đại lý cũng đành chịu. Nhưng nếu là khách quen, cửa hàng vẫn bớt 5.000 đồng/bình" – anh Phú chủ cửa hàng Gas Thiên Phú (Yên Hòa – Cầu Giấy) bày tỏ.

Tăng là tất yếu


"Nổ" phát súng đầu tiên cho việc tăng giá gas là Sài Gòn Petro Gas khi 29/2, DN này phát đi thông báo về việc sẽ tăng giá mặt hàng này từ 1/3. Tiếp ngay sau đó, đồng loạt các DN đầu mối khác cũng lên tiếng sẽ tăng giá bán lẻ gas.

Lý giải về việc tăng giá gas lần này, đại diện DN này cho rằng, việc giá gas bán lẻ trong nước là việc "không thể đừng" do giá mặt hàng nhiêu liệu này trên thị trường thế giới đã tăng quá cao. Hiện giá gas giao ngay tháng 3 ở mức 1.205 USD/tấn, tăng thêm 80 USD/tấn so với tháng trước. Riêng 2 tháng đầu năm, giá gas giao ngay trên thị trường thế giới đã tăng 225 USD/tấn.

Nhận định về đợt tăng giá gas lần này, bà Nguyễn Thị Thúy Nga – Phó cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho rằng, đây là điều tất yếu, phù hợp với mức biến động tăng mạnh của giá nhiên liệu này trên thị trường thế giới. "Hiện lượng gas cung ứng cho thị trường nội địa chủ yếu từ nguồn nhập khẩu, tới hơn 50%, nên khi giá thế giới tăng, chắc chắn giá trong nước cũng phải tăng theo. Ngoài ra, trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp có quyền tự định đoạt giá, dựa trên việc cân đối các yếu tố đầu vào" – bà Nga nói.

Trước đó, Hiệp hội Gas Việt Nam đã lên tiếng đề xuất với Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu gas từ 5% xuống 2%, nhưng bà Thúy Nga cho hay, Cục vẫn đang cân nhắc phương án này và chưa có kết luận cuối cùng. "Hiện, chúng tôi cũng đang chờ báo cáo đăng ký giá từ các DN đầu mối và sẽ tiến hành kiểm tra giá để đảm bảo đúng quy định và lợi ích người tiêu dùng"- bà Nga khẳng định.

(Theo Infonet)