Nhắc đến Trần Thành, phần lớn những người đã sinh sống tại Sài Gòn trước đây, đều nghĩ ngay đến ông Bang trưởng Triều Châu, một người rất được kính nể, nắm trong tay quyền lực kinh tế mạnh mẽ nên có thể ví von ông ta là "vua không ngai của vương quốc người Hoa Chợ Lớn".
Để đạt được địa vị như vậy, Trần Thành đã phải trải qua không biết bao nhiêu vất vả, nhọc nhằn để vươn lên từ hai bàn tay trắng. Thế nhưng, sản nghiệp khổng lồ mà ông ta dày công xây đắp cuối cùng cũng tan theo lạc thú.
Từ anh lao công cọ rửa thùng dầu...
Trong hoàn cảnh khốn khó, loạn lạc của đất nước Trung Hoa những năm trước Đệ nhị thế chiến, giống như nhiều người Hoa khác, cậu thiếu niên Trần Thành đã cùng với gia đình, lưu lạc sang Việt Nam, tha phương cầu thực. Trước Cách mạng Tháng Tám, Trần Thành vẫn còn bữa đói, bữa no. Lang thang, gõ cửa các hãng xưởng của những đồng hương trong vùng Chợ Lớn, chỉ mong kiếm được một công việc làm, đủ cơm ngày hai bữa.
Dịp may đến, Trần Thành được một ông chủ họ Trịnh thu nhận vào làm công tại một cơ sở sản xuất dầu thực vật. Cơ sở này chuyên thu mua đậu nành, đậu phộng, đem về ép, rồi chế biến thành dầu ăn, bán ra thị trường. Lúc bấy giờ, chưa có máy móc, ngoại trừ khâu ép dầu phải dùng máy nổ, kéo các trục ép sát vào nhau. Mọi công đoạn khác đều làm thủ công, sức người là chính. Công việc đầu tiên của Trần Thành trong cơ sở này là cọ rửa các thùng chứa, một loại lao động phổ thông, không cần trình độ, do đó đồng lương cũng chẳng là bao. Nhưng đối với hoàn cảnh của Trần Thành lúc bấy giờ, như thế đã là hạnh phúc.
Cần mẫn với công việc hàng ngày, cậu thanh niên Trần Thành không bao giờ kêu ca, phàn nàn dù nặng nhọc đến mấy. Đã thế, tuy hết giờ làm, nhưng Trần Thành luôn vui vẻ phụ giúp người khác làm thêm những phần việc không thuộc trách nhiệm của mình, như quét dọn cơ xưởng, góp nhặt các nguyên vật liệu rơi vãi, sắp xếp ngăn nắp dụng cụ… Chính vì thế mà chẳng bao lâu ông ta đã chinh phục được cảm tình của nhà chủ, được giao hết khâu vệ sinh nhà xưởng. Được tin dùng, Trần Thành càng tỏ ra năng nổ hơn nữa. Ông phân chia công việc thật công bằng và hợp lý, bản thân ông lãnh phần công việc còn nặng nề hơn những người khác. Chính cách hành xử này đã khiến chủ nhân họ Trịnh càng hài lòng hơn nữa.
Uy tín của Trần Thành đối với chủ và cả anh em công nhân ngày càng lên cao, từ đó ông được ông chủ Trịnh cho đi thu mua nguyên liệu ở nông thôn các tỉnh miền Tây. Trần Thành sau này từng tâm sự, đây là giai đoạn vô cùng quan trọng, đã làm thay đổi cuộc đời ông ta. Từ một người lao động chân tay, suốt ngày ru rú ở một góc tối tăm trong xưởng, ông bước ra xã hội rộng lớn bên ngoài và ngỡ ngàng làm quen với việc kinh doanh. Điều này đã mở rộng tầm mắt cho ông, để ông quyết tâm học hỏi ở trường đời và tích lũy vốn sống vô cùng quý báu cho sự nghiệp làm ăn.
Chẳng nề hà gian khổ, Trần Thành lặn lội đến tận những vùng sâu, vùng xa để thu mua đậu phộng, đậu nành. Ông tỏ ra giản dị, chân thật và rất hòa đồng với người nông dân. Không bao giờ lợi dụng tình trạng trồi sụt của thị trường để ép giá. Ông cũng chẳng bao giờ sai hẹn và hứa hẹn những gì mà không làm. Mua rẻ, thì Trần Thành ghi vào sổ sách là rẻ. Mua cao, thì ông ghi cao. Trần Thành tuyệt nhiên không bao giờ kê giá lên để hưởng lợi. Phương cách mua bán lấy chữ Tín làm đầu trên đây đã tạo được niềm tin với nhà nông, và họ rỉ tai nhau giành ưu tiên bán sản phẩm cho Trần Thành. Để tưởng thưởng, ông chủ Trịnh thường xuyên cho trích hoa hồng và ban tiền thưởng hậu hĩ.
Nhưng phần thưởng lớn nhất mà Trần Thành được hưởng, là ông đã trở thành người đứng đầu toàn bộ khâu thu mua của xưởng. Thế là ông có dịp đi khắp nước, từ miền Đông ra tới miền Trung và chính ông đã mở rộng việc thu mua sang tận Campuchia, biến địa bàn này thành nơi cung cấp lớn nhất. Từ khi Trần Thành góp sức, xưởng của ông chủ Trịnh không còn tình trạng thiếu nguyên liệu để sản xuất.
Lúc này Trần Thành đã lập gia đình và đã tích lũy được một số vốn. Nhận thấy Trần Thành có nhiều đức tính tốt, và khả năng đặc biệt trong kinh doanh, nhất là rất có chí tiến thân. Hơn nữa, Trần Thành đã đóng góp phần công sức to lớn cho hãng, nên bằng tất cả lòng yêu thương, họ Trịnh quyết định cho Trần Thành được độc lập gây dựng cơ nghiệp. Tin tưởng vào sự thành công của Trần Thành, ông chủ Trịnh không những khuyến khích mà còn cho Trần Thành vay một số vốn lớn để đầu tư. Trước mắt, ông cho Trần Thành độc quyền cung cấp nguyên liệu sản xuất cho hãng của ông ta. Chẳng bao lâu, Trần Thành trở thành nhà cung cấp các loại hạt có dầu cho hầu hết các hãng xưởng ở khắp miền Nam.
... trở thành ông chủ hãng bột ngọt Vị Hương Tố
Sự nghiệp và tài sản của Trần Thành tăng nhanh theo tốc độ phi mã, khiến người ta kinh ngạc. Không những đã hoàn lại vốn cho ông chủ Trịnh, Trần Thành còn đủ khả năng thâu tóm mọi nguồn hàng của ngành nghề này. Khi đã gây dựng được một cơ nghiệp khá vững chắc, Trần Thành xoay ra đầu tư vào các hướng kinh doanh và sản xuất khác. Với nhãn quan kinh doanh xa rộng, ông còn cất công đến Nhật Bản, Đài Loan, Singapore… tham quan các xí nghiệp lớn để học hỏi cách tổ chức và điều hành của họ, đồng thời tìm hiểu thị trường.
Trên thế giới, có nhiều ngành sản xuất nổi tiếng, lợi nhuận cao. Nhưng Trần Thành lại rất say mê ngành công nghiệp thực phẩm. Ông suy nghĩ, ăn uống là nhu cầu hàng đầu của con người. Cứ nhìn vào sự thành công của "vua bánh kẹo Mỹ", sức hấp dẫn toàn cầu của đại Công ty CocaCola, hẳn biết. Đầu óc nhạy bén của Trần Thành đã nghĩ ngay đến bột ngọt. Đây là một loại gia vị cần thiết cho bữa ăn của mọi gia đình, vì thế, nhu cầu của sản phẩm này trên thị trường to lớn biết chừng nào. Vào thời điểm đó, ở miền Nam còn phải dùng bột ngọt của Nhật Bản và Đài Loan, với số lượng nhập có hạn.
Trần Thành tính toán: Nếu như có một nhà máy sản xuất bột ngọt trong nội địa, bước đầu, chất lượng sản phẩm do mình làm ra có thể chưa bằng người ta, do khâu kỹ thuật còn yếu kém. Nhưng, nếu có một nhà máy với trang thiết bị hiện đại, công nghệ chế biến tiên tiến, thì việc đạt được 80% chất lượng của họ là điều nắm chắc trong tay. Từ đó, ưu điểm giá rẻ sẽ chiếm dần thị phần và đánh bạt được hàng ngoại nhập.
Với lập luận hợp lý đó, năm 1960, Trần Thành đã cho ra đời Nhà máy sản xuất bột ngọt Vị Hương Tố, có công suất lớn, với trang thiết bị nhập từ Nhật Bản, được đánh giá là hiện đại nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Công việc sản xuất và kinh doanh của nhà máy sớm đi vào ổn định. Ngay bước đầu, nhờ chất lượng sản phẩm chẳng thua kém gì của Nhật Bản và Đài Loan, mà giá cả lại rẻ hơn. Vì thế, bột ngọt Vị Hương Tố sớm được các bà nội trợ ủng hộ nhiệt tình.
Số lượng xuất xưởng ngày càng tăng cao. Nhà máy đã chạy hết công suất vẫn không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đến nỗi, chỉ khi nào không mua được bột ngọt Vị Hương Tố, người tiêu dùng mới hỏi đến bột ngọt ngoại nhập. Thừa thắng xông lên, Nhà máy bột ngọt Vị Hương Tố còn sản xuất thêm các mặt hàng mì gói, mì chay, nước tương, tàu vị yểu và đều rất thành công.
Suốt thập niên 60 của thế kỷ trước là thời gian cực thịnh của Trần Thành. Từ lợi nhuận kếch xù của Nhà máy bột ngọt Vị Hương Tố, ông tiếp tục đầu tư vào nhiều ngành nghề khác như: Ngũ cốc, khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, và trường học, mà lĩnh vực nào cũng đạt thắng lợi một cách mỹ mãn. Không dừng lại ở đó, Trần Thành còn mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như bất động sản, khách sạn, nhà hàng. Tuy không biết số vốn mà Trần Thành đầu tư ở Singapore, Đài Loan, Hồng Công là bao nhiêu, nhưng các nhà tài phiệt Chợ Lớn nói rằng, nó còn lớn hơn tài sản của Trần Thành ở Việt Nam.
Một trong những ưu điểm của Trần Thành là do xuất thân từ công nhân nghèo khó, nên khi trở thành ông chủ, ông đặc biệt quan tâm đến đời sống của công nhân một cách thiết thực. Nếu ai có tang cha, mẹ, vợ, chồng, con cái, Trần Thành sẽ tặng một quan tài và biếu thêm một tháng lương để lo việc ma chay. Ông sống gần gũi và hòa đồng với mọi người. Bất cứ công nhân nào cũng có thể gõ cửa phòng ông chủ để trình bày nguyện vọng, hoặc xin giúp đỡ những lúc gặp khó khăn. Trần Thành luôn chịu khó lắng nghe, tùy theo hoàn cảnh và trường hợp của mỗi người mà giúp đỡ.
Cách đối nhân xử thế như thế đã giúp cho Trần Thành có được một đội ngũ công nhân luôn làm việc nhiệt tình và hết sức trung thành với ông. Uy tín ngày càng lớn, mới 40 tuổi, Trần Thành đã được bầu làm Bang trưởng Triều Châu và là một trong những nhân vật không chỉ được cộng đồng người Hoa tại miền Nam Việt Nam, mà cả chính quyền Sài Gòn kiêng nể.
Không ai có thể biết được chính xác tài sản của Trần Thành là bao nhiêu, nhưng người Sài Gòn - Chợ Lớn gọi ông là "tỉ phú của tỉ phú". Thời đó, có nhà báo hỏi ông bí quyết để thành công trong kinh doanh? Trần Thành nói, đó là điều mà người Á Đông đã biết từ ngàn xưa. Chữ Tín, lòng trung thực và sự kiên trì. Làm ăn mà không giữ được chữ tín và sự trung thực thì suốt đời chỉ là "tả cống chảy" (người làm công), chẳng bao giờ có thể trở thành "tài xì thẩu" (ông chủ lớn). Của cải mất đi còn có thể gây dựng lại được, nhưng uy tín không còn thì coi như trắng tay.
Trần Thành kể, thời kỳ mới khởi nghiệp, có một lần ông đã gom hết vốn liếng có được đánh một chuyến hàng thật lớn từ Nam Vang (Campuchia) về. Chẳng may, toàn bộ chuyến hàng đó bị thất lạc, mất trắng. Coi như ông hoàn toàn bị phá sản, nợ nần ngày càng chồng chất. Trần Thành tưởng chừng như không còn có thể gượng dậy nổi.
Một thời gian ngắn sau, khi cơn sốc đã tạm lắng, Trần Thành nghe ngóng dư luận trong số những người quen thân, thử coi uy tín của mình còn hay không? Biết chắc niềm tin của họ đối với ông không những chẳng chút suy chuyển, mà còn tỏ ra rất cảm thông. Trần Thành yên tâm đứng dậy, làm lại từ đầu. Ông ta vay mượn vốn liếng, và chí cốt làm ăn với sự thận trọng hơn trước. Chỉ một thời gian ngắn, Trần Thành lại vươn lên, trả hết nợ nần, ơn nghĩa, và bước vào hàng những ông chủ lớn.
Tỉ phú làm sao qua được ải mỹ nhân!
Triết lý sống của Trần Thành là lúc khởi nghiệp phải biết cần kiệm và tránh xa những chốn ăn chơi. Ông nói, làm ăn cũng giống như đi tu. Không nên dính líu đến rượu chè, cờ bạc và phụ nữ. Nhưng đó cũng chỉ là mớ lý thuyết, mang tính dạy đời của một con người đã nắm trong tay hàng đống của cải. Kỳ tình, khi đã trở thành "tỉ phú của tỉ phú", Trần Thành cũng sa đà vào con đường ăn chơi và mê gái chẳng ai sánh kịp. Người dân Sài Gòn - Chợ Lớn, ắt hẳn vẫn chưa quên chuyện tình nổi đình nổi đám một thời giữa Trần Thành với diễn viên điện ảnh Thang Lan Hoa nổi tiếng của Đài Loan dạo đó.
Trong một lần sang Việt Nam biểu diễn, theo lời mời của cộng đồng người Hoa, thông qua một số bang trưởng nhan sắc của Thang Lan Hoa đã làm cho trái tim quen đập theo nhịp tính toán của "ông vua không ngai trong vương quốc Chợ Lớn" không còn tự chủ được nữa. Trần Thành đã tìm mọi cách làm quen và gần gũi người đẹp. Để đạt được mục đích, ông Bang trưởng Triều Châu đã không ngại bỏ ra hàng núi tiền dưới chân Thang Lan Hoa. Cuối cùng, những món quà tặng của nhà tỉ phú đa tình này là những viên đá quý đắt giá, hiếm hoi trong thế giới kim hoàn, cũng đã làm lóa mắt mỹ nhân xứ Đài.
Từ đó, Trần Thành thường xuyên đi về Đài Loan như đi chợ. Ông sẵn sàng quăng tiền qua cửa sổ một cách hào phóng, để mua lấy lạc thú hàng đêm. Dường như Trần Thành đã quên rồi cái thuở cơ hàn, cọ rửa thùng chứa dầu cho ông chủ Trịnh với đồng lương ít ỏi.
Sau khi chia tay với cô đào Thang Lan Hoa, Trần Thành thường qua lại Singarpore để làm ăn. Vốn là người rất mê tín, tại Singapore, ông ta là khách hàng ruột rà của một vị bốc sư, được dân địa phương phong tặng là "ông tiên". Chính từ "ông tiên" này, đã ráp nối cho Trần Thành dính líu với một phụ nữ bản xứ, sinh được một người con gái. Cuối cùng, vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Khi đến ăn chơi tại vũ trường Maxim, Trần Thành lại bị một vũ nữ trẻ đẹp hốt xác. Về sau, cô vũ nữ này trở thành vợ bé không biết thứ mấy của Trần Thành. Có điều, sau năm 1975, họ vẫn còn ăn ở với nhau.
Trong số các con trai đời vợ đầu của Trần Thành, có người về Việt Nam làm ăn từ năm 1990 đến 2000. Người này kinh doanh ngành nhà hàng và vũ trường. Có thời gian khai thác vũ trường Queen Bee nổi tiếng trên đường Nguyễn Huệ.
(Theo CAND)
Để đạt được địa vị như vậy, Trần Thành đã phải trải qua không biết bao nhiêu vất vả, nhọc nhằn để vươn lên từ hai bàn tay trắng. Thế nhưng, sản nghiệp khổng lồ mà ông ta dày công xây đắp cuối cùng cũng tan theo lạc thú.
Từ anh lao công cọ rửa thùng dầu...
Trong hoàn cảnh khốn khó, loạn lạc của đất nước Trung Hoa những năm trước Đệ nhị thế chiến, giống như nhiều người Hoa khác, cậu thiếu niên Trần Thành đã cùng với gia đình, lưu lạc sang Việt Nam, tha phương cầu thực. Trước Cách mạng Tháng Tám, Trần Thành vẫn còn bữa đói, bữa no. Lang thang, gõ cửa các hãng xưởng của những đồng hương trong vùng Chợ Lớn, chỉ mong kiếm được một công việc làm, đủ cơm ngày hai bữa.
Dịp may đến, Trần Thành được một ông chủ họ Trịnh thu nhận vào làm công tại một cơ sở sản xuất dầu thực vật. Cơ sở này chuyên thu mua đậu nành, đậu phộng, đem về ép, rồi chế biến thành dầu ăn, bán ra thị trường. Lúc bấy giờ, chưa có máy móc, ngoại trừ khâu ép dầu phải dùng máy nổ, kéo các trục ép sát vào nhau. Mọi công đoạn khác đều làm thủ công, sức người là chính. Công việc đầu tiên của Trần Thành trong cơ sở này là cọ rửa các thùng chứa, một loại lao động phổ thông, không cần trình độ, do đó đồng lương cũng chẳng là bao. Nhưng đối với hoàn cảnh của Trần Thành lúc bấy giờ, như thế đã là hạnh phúc.
Tại số nhà 118 trên con đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5, TP HCM) ngày nay, vào năm 1963, là nơi hình thành Công ty Thiên Hương của tỉ phú Trần Thành. |
Cần mẫn với công việc hàng ngày, cậu thanh niên Trần Thành không bao giờ kêu ca, phàn nàn dù nặng nhọc đến mấy. Đã thế, tuy hết giờ làm, nhưng Trần Thành luôn vui vẻ phụ giúp người khác làm thêm những phần việc không thuộc trách nhiệm của mình, như quét dọn cơ xưởng, góp nhặt các nguyên vật liệu rơi vãi, sắp xếp ngăn nắp dụng cụ… Chính vì thế mà chẳng bao lâu ông ta đã chinh phục được cảm tình của nhà chủ, được giao hết khâu vệ sinh nhà xưởng. Được tin dùng, Trần Thành càng tỏ ra năng nổ hơn nữa. Ông phân chia công việc thật công bằng và hợp lý, bản thân ông lãnh phần công việc còn nặng nề hơn những người khác. Chính cách hành xử này đã khiến chủ nhân họ Trịnh càng hài lòng hơn nữa.
Uy tín của Trần Thành đối với chủ và cả anh em công nhân ngày càng lên cao, từ đó ông được ông chủ Trịnh cho đi thu mua nguyên liệu ở nông thôn các tỉnh miền Tây. Trần Thành sau này từng tâm sự, đây là giai đoạn vô cùng quan trọng, đã làm thay đổi cuộc đời ông ta. Từ một người lao động chân tay, suốt ngày ru rú ở một góc tối tăm trong xưởng, ông bước ra xã hội rộng lớn bên ngoài và ngỡ ngàng làm quen với việc kinh doanh. Điều này đã mở rộng tầm mắt cho ông, để ông quyết tâm học hỏi ở trường đời và tích lũy vốn sống vô cùng quý báu cho sự nghiệp làm ăn.
Chẳng nề hà gian khổ, Trần Thành lặn lội đến tận những vùng sâu, vùng xa để thu mua đậu phộng, đậu nành. Ông tỏ ra giản dị, chân thật và rất hòa đồng với người nông dân. Không bao giờ lợi dụng tình trạng trồi sụt của thị trường để ép giá. Ông cũng chẳng bao giờ sai hẹn và hứa hẹn những gì mà không làm. Mua rẻ, thì Trần Thành ghi vào sổ sách là rẻ. Mua cao, thì ông ghi cao. Trần Thành tuyệt nhiên không bao giờ kê giá lên để hưởng lợi. Phương cách mua bán lấy chữ Tín làm đầu trên đây đã tạo được niềm tin với nhà nông, và họ rỉ tai nhau giành ưu tiên bán sản phẩm cho Trần Thành. Để tưởng thưởng, ông chủ Trịnh thường xuyên cho trích hoa hồng và ban tiền thưởng hậu hĩ.
Nhưng phần thưởng lớn nhất mà Trần Thành được hưởng, là ông đã trở thành người đứng đầu toàn bộ khâu thu mua của xưởng. Thế là ông có dịp đi khắp nước, từ miền Đông ra tới miền Trung và chính ông đã mở rộng việc thu mua sang tận Campuchia, biến địa bàn này thành nơi cung cấp lớn nhất. Từ khi Trần Thành góp sức, xưởng của ông chủ Trịnh không còn tình trạng thiếu nguyên liệu để sản xuất.
Lúc này Trần Thành đã lập gia đình và đã tích lũy được một số vốn. Nhận thấy Trần Thành có nhiều đức tính tốt, và khả năng đặc biệt trong kinh doanh, nhất là rất có chí tiến thân. Hơn nữa, Trần Thành đã đóng góp phần công sức to lớn cho hãng, nên bằng tất cả lòng yêu thương, họ Trịnh quyết định cho Trần Thành được độc lập gây dựng cơ nghiệp. Tin tưởng vào sự thành công của Trần Thành, ông chủ Trịnh không những khuyến khích mà còn cho Trần Thành vay một số vốn lớn để đầu tư. Trước mắt, ông cho Trần Thành độc quyền cung cấp nguyên liệu sản xuất cho hãng của ông ta. Chẳng bao lâu, Trần Thành trở thành nhà cung cấp các loại hạt có dầu cho hầu hết các hãng xưởng ở khắp miền Nam.
... trở thành ông chủ hãng bột ngọt Vị Hương Tố
Sự nghiệp và tài sản của Trần Thành tăng nhanh theo tốc độ phi mã, khiến người ta kinh ngạc. Không những đã hoàn lại vốn cho ông chủ Trịnh, Trần Thành còn đủ khả năng thâu tóm mọi nguồn hàng của ngành nghề này. Khi đã gây dựng được một cơ nghiệp khá vững chắc, Trần Thành xoay ra đầu tư vào các hướng kinh doanh và sản xuất khác. Với nhãn quan kinh doanh xa rộng, ông còn cất công đến Nhật Bản, Đài Loan, Singapore… tham quan các xí nghiệp lớn để học hỏi cách tổ chức và điều hành của họ, đồng thời tìm hiểu thị trường.
Trên thế giới, có nhiều ngành sản xuất nổi tiếng, lợi nhuận cao. Nhưng Trần Thành lại rất say mê ngành công nghiệp thực phẩm. Ông suy nghĩ, ăn uống là nhu cầu hàng đầu của con người. Cứ nhìn vào sự thành công của "vua bánh kẹo Mỹ", sức hấp dẫn toàn cầu của đại Công ty CocaCola, hẳn biết. Đầu óc nhạy bén của Trần Thành đã nghĩ ngay đến bột ngọt. Đây là một loại gia vị cần thiết cho bữa ăn của mọi gia đình, vì thế, nhu cầu của sản phẩm này trên thị trường to lớn biết chừng nào. Vào thời điểm đó, ở miền Nam còn phải dùng bột ngọt của Nhật Bản và Đài Loan, với số lượng nhập có hạn.
Trần Thành tính toán: Nếu như có một nhà máy sản xuất bột ngọt trong nội địa, bước đầu, chất lượng sản phẩm do mình làm ra có thể chưa bằng người ta, do khâu kỹ thuật còn yếu kém. Nhưng, nếu có một nhà máy với trang thiết bị hiện đại, công nghệ chế biến tiên tiến, thì việc đạt được 80% chất lượng của họ là điều nắm chắc trong tay. Từ đó, ưu điểm giá rẻ sẽ chiếm dần thị phần và đánh bạt được hàng ngoại nhập.
Với lập luận hợp lý đó, năm 1960, Trần Thành đã cho ra đời Nhà máy sản xuất bột ngọt Vị Hương Tố, có công suất lớn, với trang thiết bị nhập từ Nhật Bản, được đánh giá là hiện đại nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Công việc sản xuất và kinh doanh của nhà máy sớm đi vào ổn định. Ngay bước đầu, nhờ chất lượng sản phẩm chẳng thua kém gì của Nhật Bản và Đài Loan, mà giá cả lại rẻ hơn. Vì thế, bột ngọt Vị Hương Tố sớm được các bà nội trợ ủng hộ nhiệt tình.
Số lượng xuất xưởng ngày càng tăng cao. Nhà máy đã chạy hết công suất vẫn không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đến nỗi, chỉ khi nào không mua được bột ngọt Vị Hương Tố, người tiêu dùng mới hỏi đến bột ngọt ngoại nhập. Thừa thắng xông lên, Nhà máy bột ngọt Vị Hương Tố còn sản xuất thêm các mặt hàng mì gói, mì chay, nước tương, tàu vị yểu và đều rất thành công.
Suốt thập niên 60 của thế kỷ trước là thời gian cực thịnh của Trần Thành. Từ lợi nhuận kếch xù của Nhà máy bột ngọt Vị Hương Tố, ông tiếp tục đầu tư vào nhiều ngành nghề khác như: Ngũ cốc, khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, và trường học, mà lĩnh vực nào cũng đạt thắng lợi một cách mỹ mãn. Không dừng lại ở đó, Trần Thành còn mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như bất động sản, khách sạn, nhà hàng. Tuy không biết số vốn mà Trần Thành đầu tư ở Singapore, Đài Loan, Hồng Công là bao nhiêu, nhưng các nhà tài phiệt Chợ Lớn nói rằng, nó còn lớn hơn tài sản của Trần Thành ở Việt Nam.
Một trong những ưu điểm của Trần Thành là do xuất thân từ công nhân nghèo khó, nên khi trở thành ông chủ, ông đặc biệt quan tâm đến đời sống của công nhân một cách thiết thực. Nếu ai có tang cha, mẹ, vợ, chồng, con cái, Trần Thành sẽ tặng một quan tài và biếu thêm một tháng lương để lo việc ma chay. Ông sống gần gũi và hòa đồng với mọi người. Bất cứ công nhân nào cũng có thể gõ cửa phòng ông chủ để trình bày nguyện vọng, hoặc xin giúp đỡ những lúc gặp khó khăn. Trần Thành luôn chịu khó lắng nghe, tùy theo hoàn cảnh và trường hợp của mỗi người mà giúp đỡ.
Cách đối nhân xử thế như thế đã giúp cho Trần Thành có được một đội ngũ công nhân luôn làm việc nhiệt tình và hết sức trung thành với ông. Uy tín ngày càng lớn, mới 40 tuổi, Trần Thành đã được bầu làm Bang trưởng Triều Châu và là một trong những nhân vật không chỉ được cộng đồng người Hoa tại miền Nam Việt Nam, mà cả chính quyền Sài Gòn kiêng nể.
Không ai có thể biết được chính xác tài sản của Trần Thành là bao nhiêu, nhưng người Sài Gòn - Chợ Lớn gọi ông là "tỉ phú của tỉ phú". Thời đó, có nhà báo hỏi ông bí quyết để thành công trong kinh doanh? Trần Thành nói, đó là điều mà người Á Đông đã biết từ ngàn xưa. Chữ Tín, lòng trung thực và sự kiên trì. Làm ăn mà không giữ được chữ tín và sự trung thực thì suốt đời chỉ là "tả cống chảy" (người làm công), chẳng bao giờ có thể trở thành "tài xì thẩu" (ông chủ lớn). Của cải mất đi còn có thể gây dựng lại được, nhưng uy tín không còn thì coi như trắng tay.
Trần Thành kể, thời kỳ mới khởi nghiệp, có một lần ông đã gom hết vốn liếng có được đánh một chuyến hàng thật lớn từ Nam Vang (Campuchia) về. Chẳng may, toàn bộ chuyến hàng đó bị thất lạc, mất trắng. Coi như ông hoàn toàn bị phá sản, nợ nần ngày càng chồng chất. Trần Thành tưởng chừng như không còn có thể gượng dậy nổi.
Một thời gian ngắn sau, khi cơn sốc đã tạm lắng, Trần Thành nghe ngóng dư luận trong số những người quen thân, thử coi uy tín của mình còn hay không? Biết chắc niềm tin của họ đối với ông không những chẳng chút suy chuyển, mà còn tỏ ra rất cảm thông. Trần Thành yên tâm đứng dậy, làm lại từ đầu. Ông ta vay mượn vốn liếng, và chí cốt làm ăn với sự thận trọng hơn trước. Chỉ một thời gian ngắn, Trần Thành lại vươn lên, trả hết nợ nần, ơn nghĩa, và bước vào hàng những ông chủ lớn.
Tỉ phú làm sao qua được ải mỹ nhân!
Triết lý sống của Trần Thành là lúc khởi nghiệp phải biết cần kiệm và tránh xa những chốn ăn chơi. Ông nói, làm ăn cũng giống như đi tu. Không nên dính líu đến rượu chè, cờ bạc và phụ nữ. Nhưng đó cũng chỉ là mớ lý thuyết, mang tính dạy đời của một con người đã nắm trong tay hàng đống của cải. Kỳ tình, khi đã trở thành "tỉ phú của tỉ phú", Trần Thành cũng sa đà vào con đường ăn chơi và mê gái chẳng ai sánh kịp. Người dân Sài Gòn - Chợ Lớn, ắt hẳn vẫn chưa quên chuyện tình nổi đình nổi đám một thời giữa Trần Thành với diễn viên điện ảnh Thang Lan Hoa nổi tiếng của Đài Loan dạo đó.
Trong một lần sang Việt Nam biểu diễn, theo lời mời của cộng đồng người Hoa, thông qua một số bang trưởng nhan sắc của Thang Lan Hoa đã làm cho trái tim quen đập theo nhịp tính toán của "ông vua không ngai trong vương quốc Chợ Lớn" không còn tự chủ được nữa. Trần Thành đã tìm mọi cách làm quen và gần gũi người đẹp. Để đạt được mục đích, ông Bang trưởng Triều Châu đã không ngại bỏ ra hàng núi tiền dưới chân Thang Lan Hoa. Cuối cùng, những món quà tặng của nhà tỉ phú đa tình này là những viên đá quý đắt giá, hiếm hoi trong thế giới kim hoàn, cũng đã làm lóa mắt mỹ nhân xứ Đài.
Từ đó, Trần Thành thường xuyên đi về Đài Loan như đi chợ. Ông sẵn sàng quăng tiền qua cửa sổ một cách hào phóng, để mua lấy lạc thú hàng đêm. Dường như Trần Thành đã quên rồi cái thuở cơ hàn, cọ rửa thùng chứa dầu cho ông chủ Trịnh với đồng lương ít ỏi.
Sau khi chia tay với cô đào Thang Lan Hoa, Trần Thành thường qua lại Singarpore để làm ăn. Vốn là người rất mê tín, tại Singapore, ông ta là khách hàng ruột rà của một vị bốc sư, được dân địa phương phong tặng là "ông tiên". Chính từ "ông tiên" này, đã ráp nối cho Trần Thành dính líu với một phụ nữ bản xứ, sinh được một người con gái. Cuối cùng, vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Khi đến ăn chơi tại vũ trường Maxim, Trần Thành lại bị một vũ nữ trẻ đẹp hốt xác. Về sau, cô vũ nữ này trở thành vợ bé không biết thứ mấy của Trần Thành. Có điều, sau năm 1975, họ vẫn còn ăn ở với nhau.
Trong số các con trai đời vợ đầu của Trần Thành, có người về Việt Nam làm ăn từ năm 1990 đến 2000. Người này kinh doanh ngành nhà hàng và vũ trường. Có thời gian khai thác vũ trường Queen Bee nổi tiếng trên đường Nguyễn Huệ.
(Theo CAND)