"Tôi ấn tượng với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam mỗi sáng thức dậy gánh hàng ra chợ vừa bán vừa chăm sóc con. Hay những người phụ nữ làm tốt vai trò của người vợ, người mẹ và người điều hành kinh doanh".

Bà Victoria Kwakwa, quốc tịch Ghana, là Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thuộc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, có trụ sở tại Hà Nội. Bà là một chuyên gia về chính sách kinh tế. Nhân dịp ngày quốc tế phụ nữ (8/3), chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bà xoay quanh vấn đề kinh doanh của các doanh nhân nữ Việt Nam.

Bà đánh giá như thế nào về đội ngũ doanh nhân nữ ở Việt Nam hiện nay?

Tôi đánh giá cao khả năng giải quyết vấn đề của đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung và doanh nhân nữ nói riêng. Tôi ấn tượng với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam mỗi sáng thức dậy cùng với gánh hàng trên vai đem ra chợ bán họ còn phải dắt theo con nhỏ để tranh thủ chăm sóc.

Hay những người phụ nữ làm những công việc lớn hơn, họ vẫn làm tốt vai trò của người vợ, người mẹ và người điều hành kinh doanh, điển hình như trường hợp của bà Mai Kiều Liên – Chủ tịch của Vinamilk vừa được bình chọn là 1 trong số 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á.

Trước khi nhận nhiệm vụ hiện nay, năm 2007, bà Kwakwa làm Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Ru-an-đa. Ở vị trí này, bà đã quản lý một loạt các vấn đề, bao gồm cả phương pháp tiếp cận sáng tạo để hỗ trợ phát triển trong các lĩnh vực như y tế (đặc biệt là dựa trên kết quả tài chính), bảo vệ xã hội và phân cấp.


Những cách tiếp cận sáng tạo đã cung cấp bài học quan trọng cho các chương trình khác của Ngân hàng Thế giới ở châu Phi và các nơi khác.

Bà Kwakwa đã làm việc tích cực với các đối tác chính phủ và phát triển để tăng cường hài hoà hoá viện trợ, liên kết và sử dụng các hệ thống quốc gia cung cấp các hỗ trợ phát triển.

Về quy mô điều hành của đội ngũ doanh nhân nữ thì sao, thưa bà?

Trên toàn cầu, doanh nhân nữ chỉ sở hữu hơn một nửa số lượng các doanh nghiệp siêu nhỏ, chiếm 25% số lượng các doanh nghiệp nhỏ và chỉ 8% số lượng các doanh nghiệp vừa (theo IDB).

Thực tế, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chưa vượt qua được quy mô siêu nhỏ. Các hoạt động của doanh nghiệp do nữ làm chủ thường ở quy mô nhỏ, không chính thức, tập trung vào lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp và thường ít sử dụng tiền măt.

Ở Việt Nam, phụ nữ điều hành rất đa dạng về quy mô, từ các công ty lớn đến nhỏ hoặc quy mô gia đình. Các doanh nghiệp này có đóng góp vào GDP và tạo nhiều việc làm cho các phụ nữ khác.

Lợi nhuận thu được của các doanh nghiệp này giúp nâng cao thu nhập của gia đình. Khoảng 21% số các doanh nghiệp tại Việt Nam được điều hành bởi phụ nữ, 97% các doanh nghiệp do nữ điều hành là các công ty tư nhân và có quy mô nhỏ.

Vậy theo bà cần phải có những giải pháp gì để những người phụ nữ nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng gặp thuận lợi hơn khi kinh doanh?

Thứ nhất, Chính phủ nên tận dụng việc sửa đổi luật sắp tới để có thể cải thiện những vấn đề mà các doanh nhân nữ đang gặp phải.

Thứ hai, Ngân hàng cần đưa ra các sáng kiến giúp phụ nữ nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng. Như sáng kiến nâng cao tiết kiệm tín dụng; các sáng kiến giúp phụ nữ hiểu về rủi ro tài chính. Đây là yếu tố cơ bản đưa lại cơ hội công bằng cho phụ nữ trong tiếp cận nguồn vốn. Cần các công cụ hỗ trợ các doanh nhân nữ tiềm năng.

Thứ ba, Doanh nhân nữ cần tìm cách tăng thêm giá trị nguồn hàng hóa và dịch vụ của mình, tìm các nguồn hàng hóa mới hiệu quả và năng suất cao, tìm các lĩnh vực mới, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tận dụng từ việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Xác định được khả năng mới đối với thị trường Việt Nam…

Ở vị trí là giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nếu như có một nữ lãnh đạo nào đó gặp bà để tìm lời khuyên cho vấn đề khó khăn về vốn, bà sẽ nói gì với họ?

Đừng bao giờ nghĩ rằng mình không thể kinh doanh được vì không có vốn. Điều bạn cần là kiến thức và kinh nghiệm. Đừng khởi đầu bằng những thứ lớn lao. Hãy bắt đầu bằng những điều nhỏ nhặt. Giải pháp đối với vấn đề thiếu vốn là hãy chỉ sử dụng những đồng vốn mà bạn đang có.

Đã từng làm việc tại nhiều quốc gia khác nhau, vậy bà có thể đưa ra đánh giá về đóng góp của doanh nhân nữ Việt Nam so với các nữ doanh nhân khác trên thế giới vào sự nghiệp phát triển của mỗi quốc gia mà họ đang sinh sống?

Việt Nam là một nước đang phát triển, cũng như nhiều quốc gia khác doanh nhân nói chung và doanh nhân nữ nói riêng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như: Khả năng tiếp cận vốn, tiếp cận thông tin - khoa học công nghệ… Cũng chính bởi những khó khăn đó nên rất khó có thể so sánh chính xác sự đóng góp của các nữ doanh nhân Việt Nam với những nước phát triển khác chẳng hạn như Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, vì xuất phát điểm thấp như thế nên tôi thấy trân trọng và ngưỡng mộ các nữ doanh nhân Việt Nam bởi họ đã rất lỗ lực cho những thành công của mình.

Xin cảm ơn bà!


(Theo TTVN)