Một đường dây làm giả sổ đỏ liên tỉnh vừa được Công an Hà Nội phá vỡ, một đường dây làm sổ đỏ giả khác đang trong quá trình điều tra.

Đáng chú ý, giám định sơ bộ ban đầu của cơ quan chức năng, những sổ đỏ giả trên được làm từ phôi sổ đỏ thật. Với “nguồn gốc thật” ấy, sổ đỏ giả đã “qua mặt” người dân, cán bộ ngành tài nguyên môi trường và phòng công chứng...

Bóc gỡ đường dây liên tỉnh

Từ đơn thư tố cáo của nạn nhân, sau thời gian dài lập chuyên án trinh sát, đội chống hàng giả (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ CATP Hà Nội- PC46) đã phá vỡ một đường dây làm sổ đỏ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn TP Hà Nội. Bước đầu, cơ quan công an đã tiến hành bắt giữ 6 đối tượng trong đường dây này. Cơ quan công an cũng tiến hành thu giữ 8 sổ đỏ giả, 2 phôi trắng, 1 bằng tốt nghiệp Cao đẳng, 2 phiếu điểm và 52 tem chống giả của Bộ GD&ĐT.

Trung tá Thế Hùng, Đội trưởng đội Chống hàng giả (Công an Hà Nội) đang kiểm đếm số sổ đỏ giả

Cơ quan công an đã xác định trong vụ án này, đối tượng “đặt hàng” làm giả sổ đỏ là Nguyễn Thị Bằng An và đối tượng trực tiếp thực hiện “đơn đặt hàng” là Trần Đức Phúc (đối tượng có 2 tiền án về tội làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức nhà nước). Theo cơ quan công an, do làm ăn thua lỗ, đối tượng An đã nghĩ ra cách kiếm tiền bằng việc đặt làm nhiều sổ đỏ giả cho chính mảnh đất của bố mẹ An (mảnh đất hơn 450 m2 ở phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy của bố mẹ An trước đó đã được cấp sổ đỏ).

Qua các đối tượng trung gian, môi giới là Thủy, Quỳnh, Bình, Xương, “đơn đặt hàng” của An đã tới “đúng địa chỉ sản xuất” là đối tượng Trần Đức Phúc. Cũng vì qua nhiều khâu trung gian nên giá một sổ đỏ do Phúc làm giả từ 5 triệu đồng/1 sổ đỏ, khi tới tay An đã được đẩy cao gấp nhiều lần (từ 25 - 50 triệu đồng/sổ đỏ). An đã dùng sổ đỏ giả để lừa đảo được 3 người chiếm đoạt trên 17,2 tỷ đồng. Lừa được tiền, An bỏ trốn vào Đà Nẵng. Sau một thời gian nghe ngóng, thấy tình hình có vẻ yên ắng, An quay ra Hà Nội và bị bắt giữ ngày 4/3.

Sổ đỏ giả, phôi thật

Cơ quan công an cho rằng, sở dĩ đối tượng An có thể dùng sổ đỏ giả để lừa đảo chiếm đoạn tài sản của người bị hại bởi việc lừa đảo được tiến hành bằng nhiều biện pháp rất tinh vi, trong đó có việc làm sổ đỏ giả bằng phôi thật. Các đối tượng đã giả mạo nội dung, con dấu và chữ ký trên phôi sổ đỏ thật để lừa người có nhu cầu mua bất động sản. Thậm chí chúng có địa chỉ nhà thật, người mua khi tới tìm hiểu người dân xung quanh thì xác định được đó là địa chỉ thật của mảnh đất đang được giao dịch.

Hơn thế, khi người có nhu cầu mua tới xác định nguồn gốc sổ đỏ ở Phòng Tài nguyên Môi trường của quận thì cán bộ ngành tài nguyên môi trường cũng xác định đó là sổ đỏ thật. Việc giao dịch mua bán sau đó còn qua phòng công chứng, tuy nhiên phòng công chứng cũng không phát hiện các sổ đỏ giả trên.

Theo Trung tá Hà Thế Hùng, Đội trưởng đội chống hàng giả, đây là một đường dây lớn về làm sổ đỏ giả mà Công an TP Hà Nội đã triệt phá. Trung tá Hà Thế Hùng cho hay, số sổ đỏ giả chưa dừng lại ở con số 10, bởi qua đấu tranh thì nhận thấy Nguyễn Đức Phúc là đối tượng rất chuyên nghiệp, khai nhỏ giọt, chỉ khai nhận khi không còn đường chối cãi.

Cũng theo Trung tá Hùng, hiện nay cơ quan công an đang làm rõ một đường dây nữa chuyên sản xuất sổ đỏ giả để lừa đảo. “Trên địa bàn Hà Nội việc mua bán chuyển nhượng bất động sản đang diễn ra hết sức phức tạp, hiện có nhiều đường dây làm sổ đỏ giả các tỉnh chuyển về Hà Nội bởi chúng coi đây là địa bàn rất màu mỡ để chúng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Trung tá Hùng nói.

Qua vụ việc trên, Trung tá Hùng cũng khuyến cáo người dân khi có các giao dịch bất động sản cần phải tiến hành qua các phòng giao dịch nhà đất của nhà nước. Các tổ chức tín dụng cần kiểm tra lại các sổ đỏ được thế chấp, cầm cố tại đơn vị mình để tránh việc đang lưu giữ sổ đỏ giả mà không biết. Trung tá Hùng cũng kiến nghị có chế tài để tăng trách nhiệm của cán bộ ngành tài nguyên môi trường. Về việc quản lý phôi sổ đỏ, trung tá Hùng kiến nghị cơ quan chức năng cần chặt chẽ hơn, bởi trên thực tế đã có nhiều đơn vị làm mất phôi, việc các phôi thật này trôi nổi trên thị trường đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng làm sổ đỏ giả và người bị hại không ai khác chính là những người dân.

4 cán bộ bị kỷ luật vì để mất 483 phôi sổ đỏ

Liên quan đến vụ thất lạc 483 phôi sổ đỏ tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Sơn cho biết, sau khi có kết quả thanh tra và phát hiện việc thất lạc 483 phôi sổ đỏ, chính quyền thị xã đã ra quyết định xử lý kỷ luật đối với 4 cán bộ đã và đang công tác tại Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT). Cụ thể, xử lý kỷ luật với mức độ cảnh cáo đối với 2 cán bộ, gồm: ông Phùng Tuấn Dũng - nguyên Trưởng phòng TN-MT; bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt- văn thư kiêm thủ quỹ Phòng TN-MT Thị xã Sơn Tây. 2 cán bộ bị xử lý kỷ luật với mức độ khiển trách, gồm: bà Nguyễn Thị Huyền Nga - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng TN-MT Thị xã; bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Thị xã Sơn Tây.


(Theo Giadinh.net)