Tuấn Dũng, một tay chơi tép thủy sinh có tiếng ở Hà Nội cứ cười mãi không dứt khi chúng tôi ngơ ngác, “mắt tròn mắt dẹt” nhìn vào mấy cái bể thủy sinh có những con tép bé xíu, chỉ nhỉnh hơn đầu que tăm một chút mà trị giá tới cả ngàn USD.

Chỉ tay vào những chú tép nhiều màu sắc đang tung tăng bơi lội trong bể thủy sinh, Tuấn Dũng cười nói: “Để chăm sóc được những thiên thần nhỏ này cũng kỳ công lắm. Nhưng đó là cả một thế giới chứa đầy những ẩn số thú vị đấy.”

Bỏ chục triệu "rước" tép về nhà


Chỉ tay về phía bể thủy sinh, vẻ mặt say mê, anh Dũng cho biết: “Trên thực tế, những loại tép này không phải là cái gì mới lạ hoàn toàn nhưng không phải ai cũng biết. Trước đây, thú chơi này chỉ chủ yếu phổ biến ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng hiện nay, nó đã lan rộng ra tới cộng đồng chơi thủy sinh ở Hà Nội. Thậm chí, tép cảnh ngày càng chiếm vị thế độc tôn trong các bể thủy sinh của nhiều người sành sinh vật cảnh.”

Tép thủy sinh có khá nhiều loại với các tên gọi khác nhau như cherry đỏ, tép ong, tép cọp, kinh kong, mũi đỏ, chấm trắng, xanh lá, bí vàng…

Trong đó, loại được nuôi phổ biến và giá cả vừa túi tiền nhất là loại Cherry đỏ khoảng 80.000-100.000 đồng/con. Đắt hơn là tép ong, trên thân của chúng được chia thành từng khoang trắng, đỏ/đen rõ rệt, trông rất bắt mắt, khi mới xuất hiện vài năm trước, loài này được định giá gần 100 USD/con, đặc biệt là tép ong Nhật thường có giá khoảng trên dưới 10 triệu đồng/con.

Còn những loại tép thủy sinh thuộc hàng “vip” như kinh kong, tép cọp, sulawesi thì có mê tép cảnh đến mấy, nhiều người cũng phải “lắc đầu lè lưỡi” bởi giá của nó được tính bằng hàng nghìn USD/con và vòng đời cũng chỉ được hơn 1 năm, phải dân “đại gia” mới dám chơi.

Hơn nữa, chơi tép cảnh phải theo đàn từ vài chục đến vài trăm con trong bể chứ chẳng ai chơi lèo tèo vài con bao giờ bởi loại sinh vật này rất nhỏ.

Ngắm tép thủy sinh tạo cảm giác bình yên cho người chơi

Theo anh Dũng, những con tép cảnh “vip” xuất hiện ở trong Nam với số lượng đếm trên đầu ngón tay. Còn tại Hà Nội, vài người mới chỉ chơi tép ong. “Nuôi tép cảnh không phải đơn giản, nếu không cẩn thận chết hết như chơi, nhất là với thời tiết ngoài Bắc, nóng lạnh thất thường nên ít người ở Hà Nội dám bỏ ra số tiền lớn như thế để chơi những con như kinh kong hay cọp”, anh Dũng cho hay.

Chiếc bể thủy sinh chứa khoảng 150 con tép quý của anh Dũng, chủ yếu là tép ong, được đặt ngay gần lối vào, cạnh phòng khách. Nếu đứng cách bể khoảng 5-6 mét, chỉ quan sát được vài cây rong rêu, phiến đá, sỏi…trong bể.

Chỉ khi chủ nhân của nó bật đèn trong bể và đứng gần lại mới thấy hàng trăm con tép chỉ nhỉnh hơn đầu que tăm với những khoang trắng, đỏ, trắng đen đang bơi lội tung tăng, một vài con nằm lẫn trong đám rong rêu phải dồn hết nhãn lực mới thấy được.

Nhìn những con tép ong nhỏ xíu, ít ai nghĩ rằng chiếc bể cá ấy có giá cả ngàn đôla Mỹ. Số tép này được anh đặt mua trong Sài Gòn.

Trong 150 con tép ong của anh Dũng có đủ hạng, tùy vào màu sắc mà phân ra 1s, 2s và 3s. Trong đó, tép ong hạng 3s thân màu trắng chỉ có một vòng đỏ/đen phía gần đầu và có chấm đỏ/đen phía trên là đắt nhất bể, có giá khoảng 300.000 đồng/con. Tính ra, riêng tiền tép trong bể của anh Dũng cũng vào khoảng trên 20 triệu đồng.

“Đó là chưa kể, số tiền đầu tư ban đầu cho chiếc bể này cũng lên tới khoảng 15 triệu đồng. Đó là chưa kể, thức ăn cho chúng cũng khá tốn kém. Mỗi lọ thức ăn có khối lượng 25g thôi mà giá thành cũng vào khoảng 300 ngàn đồng,” anh Dũng nói.

Công phu một nghề chơi


Không chỉ đầu tư mua tép mà người chơi còn phải chi ra một khoản tiền không nhỏ phục vụ cho sự tồn tại của chúng như lắp điều hòa, trang trí bể, tiền thức ăn…

Để theo đuổi được đam mê này, người chơi buộc phải có những hiểu biết nhất định về môi trường nước, cách khống chế nhiệt độ, điều tiết ánh sáng, chế độ ăn uống và cách bổ sung canxi giúp tép hình thành lớp vỏ bởi những chú tép có lớp vỏ càng cứng thì giá trị càng cao.

“Tiếc rằng, những kiến thức đó được hệ thống hóa trong bất kỳ thứ sách vở nào mà bản thân người chơi phải tự mày mò, đúc rút kinh nghiệm qua những trải nghiệm thực tế. Bản thân mình từ khi bắt đầu tham gia vào nghề chơi này cũng đã không ít lần xót xa khi chứng kiến những chú tép bỗng dưng nằm ngửa bụng lên trời” anh Dũng chia sẻ.

Theo anh Dũng, với tép cảnh, bể nuôi phải lắp hệ thống điều hòa để đảm bảo nhiệt độ nước ổn định ở mức 20-24 độ. Nền đáy bể phải dùng phân đất của Nhật hoặc lá bàng để giữ ổn định độ PH ở mức 6,6-7.

Một điều rất quan trọng là nên trồng cây thủy sinh nhằm ổn định chất lượng nước và tạo môi trường tự nhiên cho tép đồng thời phải thay nước đều đặn, nhất là với những ai nuôi ong đỏ bởi chúng rất dễ bị ngộ độc nitrate, yêu cầu nước chất lượng cao để sống khỏe và thay vỏ. Thay 30% nước mỗi tuần. Ngoài ra, hệ thống lọc, chiếu sáng…cũng phải có những tiêu chuẩn riêng.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Nếu như người nuôi cá rồng, loài cá cảnh trị giá cả nghìn đô vì lý do về mặt phong thủy thì tép thủy sinh lại không có ý nghĩa về mặt này. Người ta chơi đơn giản chỉ vì… thích.

“Mình có sở thích nuôi cá cảnh từ bé, ở nhà đã có sẵn một bể cá nhưng đến khi nhìn thấy loài tép này thì như bị thôi miên, nhìn cái thích ngay và muốn nuôi bằng được. Chỉ người nào yêu thích mới có được cảm giác thú vị khi chăm sóc và ngắm chúng bơi lội, chui ra chui vào quanh những hốc đá, len lỏi giữa đám rong rêu. Còn khi chúng mang bầu thì thực sự chủ nhân là người bận rộn, lo lắng đến mất ăn mất ngủ”, anh Dũng cười nói.

(Theo VietNam+)