- Tham vọng đưa hàng Việt Nam chất lượng cao vào bán tại Đồng Xuân - chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội, xem ra sớm thất bại bởi khó có thể đánh bật hàng Trung Quốc đang tràn ngập ở đây.

Tại Diễn đàn "Tiếp sức hàng Việt, đồng hành cùng các hộ kinh doanh trong chợ truyền thống" tổ chức sáng nay (29/5), các tiểu thương chợ Đồng Xuân (Hà Nội) đều cho rằng, họ ủng hộ hàng Việt, nhưng nếu hàng Việt không rẻ, không tiện ích đối với tiểu thương thì họ cũng chào thua.

Vấn đề được các tiểu thương chợ Đồng Xuân đưa ra trong cuộc giao lưu là giá hàng Việt phải rẻ, mẫu mã phong phú. Bên cạnh đó, sản phẩm cần phải tiện ích đối với người buôn bán. Theo các hộ kinh doanh tại chợ, thương nhân Trung Quốc sang tận đây, đi từng quầy hàng giới thiệu sản phẩm, đưa ra giá cả, và các điều kiện tốt như: kí gửi hàng, khi bán được thì trả tiền, hoặc giao hàng xong trả tiền theo kiểu gối đầu... Tuy nhiên trong vài chục năm buôn bán ở chợ Đồng Xuân, họ chưa bao giờ thấy DN hàng Việt nào vào chợ giới thiệu và mời mua sản phẩm.

Ông Nguyễn Ngọc Phan, tiểu thương bán hàng tạp phẩm ở chợ Đồng Xuân, nói rằng, cá nhân ông vẫn rất băn khoăn về chất lượng hàng Việt, trong bối cảnh cả chợ hầu như toàn buôn bán hàng Trung Quốc với giá rẻ, mẫu mã đẹp thì các DN sản xuất hàng Việt sẽ làm thế nào để cạnh tranh với các mặt này?

Hàng Trung Quốc tràn ngập ở chợ Đồng Xuân - Hà Nội (ảnh tapchithuonghieu)

Dù các DN Việt cho biết không ngừng cải tiến mẫu mã, mở rộng hệ thống phân phối... nhưng một số tiểu thương lại nhận xét nếu chỉ cải tiến mẫu mã, nâng cao năng lực cạnh tranh, lấy đó là việc quan trọng hàng đầu thì như thế đồng nghĩa với giá sản phẩm sẽ không thể rẻ. Trong khi nhu cầu của thị trường là giá cả hàng hóa phải phù hợp với thu nhập.

Tại cuộc giao lưu, câu hỏi đặt ra là, tại sao hàng Trung Quốc lởm nhưng vẫn bán được hàng? Các tiểu thương cho hay bởi họ nắm bắt được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam. Ví như, Công ty Vina Giày có những đôi giày giá hơn 1 triệu đồng, nhưng tại sao không sản xuất được những đôi giày giá chỉ 40.000 đồng? Điều lạ là, các doanh nghiệp Việt Nam không làm được, nhưng Trung Quốc lại làm được.

"Công ty may Việt Tiến có nhiều sản phẩm giá lên tới cả triệu bạc, thử hỏi, với giá cao như vậy, người nông dân bao giờ mới có thể tiếp cận được với hàng Việt?" - các tiểu thương đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, các tiểu thương cũng cho biết, hầu như các đầu mối giao hàng cho chợ Đồng Xuân đều hỗ trợ vốn, hoặc hàng kí gửi, hoặc giao hàng xong gối đầu đợt sau mới thanh toán tiền hàng đợt trước. Điều này khó có doanh nghiệp hàng Việt Nam nào có thể làm được.

Một số các tiểu thương khác thì cho rằng, họ đến để nghe và lưu ý đến hàng Việt Nam hơn, nhưng họ không thể bỏ những mối bỏ hàng thân quen để nhập hàng Việt khi chưa biết sức bán ra sao.

Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Kim Hạnh, chủ tịch Hội hàng Việt Nam chất lượng cao, đối với những mặt hàng gia dụng tại các chợ truyền thống đa số là các mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hàng Việt Nam có cơ hội dành lại thị trường từ những mặt hàng này nếu được tổ chức thâm nhập tốt, quan trọng là làm sao để tiểu thương thấy lợi ích, thấy có tương lai lâu dài đối với hàng Việt. Đó là cách hiện nay các thành viên của hội muốn kết nối nhà sản xuất và hộ kinh doanh.

Mai Khôi