Từ ngày 1/7 tới, giá bán điện bình quân sẽ tăng thêm 65 đ/kWh, tương ứng là 1.369 đ/kWh, tỷ lệ tăng 5% so với mức giá hiện hành. Trong đó, điện sinh hoạt có mức giá cao nhất lên tới 2.192 đồng/kWh.

Doanh thu bán điện của EVN tăng thêm 3.710 tỷ đồng

Sau nhiều lời đồn đoán về việc sắp tăng giá điện, tối 29/6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã bất ngờ thông báo việc tăng giá điện như trên.
Việc điều chỉnh giá điện này đã được quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BCT của Bộ Công Thương cũng vừa ban hành ngày 29/6.

Mức giá điện trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Theo EVN, các thông số đầu vào cơ bản được sử dụng cho tính giá điện mới với mức tăng lên đã được cập nhật.

Đối với giá nhiên liệu, giá than bán cho điện tăng từ 10 đến 11,5% tùy từng loại so với trước. Trong đó, giá than cám 4b là 750.000 đ/tấn, than cám 5a là 620.000 đ/tấn, than cám 5b là 581.000 đ/tấn, than cám 6a là 521.000 đ/tấn, than cám 6b là 457.000 đ/tấn.

Giá khí trung bình cho nhà máy điện Cà Mau là 9,338 USD/triệu BTU được tính trên cơ sở giá dầu HFO là 720,96 USD/tấn.

Đối với nhiên liệu dầu, giá dầu diezen là 20.897 đ/lít, giá dầu madut là là 18.116 đ/lít.

Tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và USD là 20.927 đ/USD.

Với mức tăng trên, doanh thu bán điện của EVN dự kiến tăng thêm 3.710 tỷ đồng, tương ứng với sản lượng điện thương phẩm của EVN dự kiến từ 01/7/2012 đến 31/12/2012 là 56,8 tỷ kWh. Con số tính toán này bao gồm cả sản lượng điện xuất khẩu sang Campuchia. Số doanh thu tăng thêm sẽ được sử dụng để bù đắp cho tăng giá than và một phần các chi phí còn treo của các năm trước.

Giá điện sinh hoạt cao nhất lên tới 2.192 đồng/kWh

Đáng chú ý, trong lần điều chỉnh giá điện này, cơ cấu biểu giá không thay đổi. Giá điện cho sinh hoạt vẫn có 7 bậc thang chia như hiện hành. Tuy nhiên, riêng mức giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp sẽ không bị điều chỉnh, vẫn giữ nguyên ở mức 993 đ/kWh.

Các hộ dân bình thường áp dụng giá điện từ bậc thang thứ 2 trở đi sẽ phải chịu mức tăng giá điện. Trong đó, mức tăng giá điện cho sinh hoạt cao hơn mức tăng bình quân, khoảng trên 6%. Giá điện ở 100 kWh đầu tiên sẽ có mức giá 1.284 đồng/kWh và giá điện sinh hoạt ở bậc cao nhất, từ số 400 kWh sẽ phải chịu mức giá lên tới 2.192 đồng/kWh.

Cụ thể như sau:
 STT Mức sử dụng điện
Giá điện hiện hành Giá điện từ 1/7/2012   Mứctăng 
 1  Cho 50 kwh
(dành cho
hộ nghèo,
 thu nhập thấp,
 phải đăng ký)
 993 đồng  993 đồng  0
 2  Từ kWh 0-100
 1.242 đồng  1.284 đồng
 3%
 3  Từ kWh 101-150  1.369 đồng   1.457 đồng   6,4%
 5  Từ kWh 201-300  1.877 đồng  1.997 đồng  6,3%
 6  Từ kWh 301-400  2.008 đồng  2.137 đồng
 6,4%
 7  Từ kWh 400 trở lên  2.060 đồng  2.192 đồng  6,4%

EVN cho biết, việc tăng giá bán điện lần này sẽ không tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Ví dụ, các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50 kWh/tháng không bị tác động do giữ nguyên giá bán điện (993 đ/kWh).

Các hộ sử dụng điện sinh hoạt bình thường 100 kWh/tháng tăng chi 4.200 đ/tháng, sử dụng 150 kWh/tháng tăng chi 8.600 đ/tháng, sử dụng 200 kWh/tháng tăng chi 14.050 đ/tháng, sử dụng 300 kWh/tháng tăng chi 26.050 đ/tháng, sử dụng 400 kWh/tháng tăng chi 38.950 đ/tháng.

Trước một ngày, hôm 28/6, tại tọa đàm trực tuyến về quy hoạch điện do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng và ông Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc EVN vẫn giữ kín việc tăng giá điện và chỉ cho hay, sẽ phải tăng theo giá đầu vào.

Từ đầu năm đến nay, thông tin tăng giá điện đã có ít nhất 2 lần được đồn đoán, song đại diện EVN luôn lên tiếng bác thông tin này.

Việc tăng giá điện như trên nằm trong phạm vi được phép của EVN theo Quyết định 24 của Thủ tướng. Đây là lần thứ hai kể từ tháng 12 năm ngoái, việc tăng giá điện được công bố bất ngờ và do EVN định giá.

Phạm Huyền