Công suất của Vinamilk lớn gấp ba lần công suất của Dutch Mill (một tập đoàn sữa lớn của Thái). Sữa Trung Quốc cũng đang thâm nhập thị trường Thái Lan.

Bài viết đăng tải trên tờ Nation của Thái Lan.

Các công ty sữa Thái Lan đang đối mặt với nguy cơ mất khả năng cạnh tranh với Trung Quốc và Việt Nam sau khi thực thi đầy đủ quy định của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vì hiệu quả thấp hơn trong chi phí sản xuất lại cao hơn.

Tại “Diễn đàn Sữa” ngày 22/6/2012, các thành viên tham dự đã bày tỏ lo lắng rằng, thương mại không biên giới theo khuôn khổ AEC sẽ đặt ra những thách thức lớn với công nghiệp sữa Thái Lan.

Vorathep Rangchaikul, Giám đốc Dairy Plus, cho hay, công nghiệp sữa Thái Lan từng tồn tại nhờ vào các hàng rào thuế quan cao để bảo hộ nông dân địa phương. Thỏa thuận tự do thương mại và AEC sẽ làm tổn thương tới các nhà sản xuất sữa Thái Lan, cũng như khiến họ sẽ không đủ sức cạnh tranh. Những nhà sản xuất sữa lớn khác như Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ dễ dàng thâm nhập thị trường Thái Lan theo các hiệp định tự do thương mại và gây tác động tới các nhà sản xuất địa phương, ông nói.

Chi phí sản xuất sữa của Thái Lan hiện tại cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh, trong khi hiệu quả lại thấp hơn. Ví dụ, khả năng sản xuất của mỗi con bò ở Thái Lan chỉ là 10kg/ngày trong khi chuẩn năng suất trung bình là 15-16kg/ngày. Một số quốc gia đã nỗ lực tăng năng suất lên mức 25-30kg/ngày/con.

Giá sữa tươi của Thái cũng cao hơn sữa bột khoảng 40%. Vì giá sữa khá cao nên mức tiêu thụ trung bình của người Thái chỉ vào khoảng ba muỗng canh/ngày, 13 lít/năm - thấp hơn mức tiêu thụ trung bình của người châu Á là 60 lít.

Ông Vorathep đã kêu gọi một cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm để phát triển hơn nữa công nghiệp sữa. Ông cũng chỉ ra rằng, các nhà sản xuất sữa Thái Lan đã và đang phải đối mặt với những thách thức từ Việt Nam và Trung Quốc. Công suất của Vinamilk, một nhà sản xuất sữa quốc doanh ở Việt Nam gấp ba lần công suất của Dutch Mill, và ngoài ra còn hàng loạt sản phẩm đa dạng.

Vinamilk cũng đã tiến hành hoạt động kinh doanh tại New Zealand và Israel để hoàn thành kế hoạch trở thành một nhà sản xuất sữa hàng đầu ở Asean.  Giờ đây, các sản phẩm của Thái Lan cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm sữa Việt Nam tại thị trường Campuchia.

Năng lực sản xuất của Vinamilk, công ty quốc doanh sản xuất các sản phẩm sữa tại Việt Nam, cao gấp ba lần Dutch Mill, ngoài ra Vinamilk có nhiều loại sản phẩm hơn.

Trong khi đó, tập đoàn sữa Mông Ngưu (Trung Quốc) lại đang thâm nhập vào thị trường Thái Lan.

Visit Limprana, Chủ tịch Câu lạc bộ công nghiệp chế biến thực phẩm thuộc Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan cho biết, tự do thương mại trong các nước Asean và những đối tác khác, chủ yếu là Trung Quốc sẽ mở ra vô vàn cơ hội cho dòng chảy sữa tươi cũng như hàng hóa khác vào đất nước này.

"Ngành công nghiệp sữa địa phương, với giá trị 60 tỉ bạt mỗi năm, có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì thách thức cạnh tranh tăng cao trong khi sữa Thái Lan lại có giá thành cao”, ông Visit nói.

Ông thúc giục các hộ chăn nuôi bò sữa của Thái Lan phát triển khả năng cạnh tranh và sản lượng của họ. Nếu không, hơn 20.000 hộ chăn nuôi bò sữa có thể buộc phải ra khỏi ngành công nghiệp này.

Nutthawut Prateepawanich, tổng thư ký Hợp tác xã sản xuất sữa của Thái Lan kêu gọi các cơ quan chính phủ liên quan và doanh nghiệp tư nhân góp phần phát triển chăn nuôi bò sữa và giảm chi phí sản xuất.

Thái Thanh (theo The Nation)