- TP. Hà Nội có 6 cơ sở giết mổ tập trung với dây chuyền hiện đại, song, đến nay gần như không còn hoạt động mà chuyển sang mổ thủ công hay dừng hẳn. Trong khi đó, các điểm giết mổ nhỏ lẻ lại tràn lan và hoạt động rất mạnh.

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), hiện nay, tại 12 tỉnh phía Bắc có tới 11.544 cơ sở và điểm giết mổ gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, chỉ có 59 cơ sở giết mổ lớn. Đặc biệt, số cơ sở và điểm giết mổ được cơ quan thú y kiểm soát rất thấp, chỉ chiếm 8% trong tổng số cơ sở và điểm giết mổ. Điều này chứng tỏ hoạt động quản lý giết mổ còn yếu kém, thiếu sự chỉ đạo đồng bộ.

Ngược lại, ở các tính phía Nam, đặc biệt là các tỉnh Đông Nam Bộ, việc thực hiện chính sách chỉ đạo về giết mổ gia cầm, gia súc tốt hơn nhiều. Cụ thể, các tỉnh Đông Nam Bộ có 1.259 cơ sở và điểm giết mổ, nhưng lực lượng thú y kiểm soát được gần 89% trong tổng số này.

Ông Phạm Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Thú y, nhận xét, tại hầu hết các tỉnh thành phía Bắc, các điểm giết mổ gia súc, gia cầm hoạt động chủ yếu dưới hình thức nhỏ lẻ, chưa quy hoạch, xây dựng được điểm giết mổ tập trung... Một số địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc... tuy có xây dựng được các điểm giết mổ tập trung nhưng hoạt động không hiệu quả hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.

Một số cơ sở giết mổ hiện đại như thế này tại Hà Nội đang 'chào thua' điểm giết mổ nhỏ lẻ (ảnh minh họa)

Lý do chủ yếu là chi phí giết mổ tại điểm giết mổ tập trung thường cao hơn rất nhiều so với các điểm giết mổ nhỏ lẻ, tự do.

Tại Hội nghị về công tác quản lý, kinh doanh thịt gia súc gia cầm tại các tỉnh trọng điểm phía Bắc (25/7), ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, thừa nhận thực trạng trên.

Ông cho hay, Hà Nội có 6 cơ sở giết mổ tập trung với dây truyền hiện đại (3 sơ sở giết mổ gia súc, 3 cơ sở giết mổ gia cầm), đặt tại các huyện ngoại thành với công suất giết mổ từ 300-500 con/giờ. Mặc dù 6 cơ sở trên đều đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại, đảm bảo điều kiện vệ sinh, song, do thiếu nguồn nguyên liệu, tiêu thụ khó do chi phí giết mổ cao; cộng với thói quen của người tiêu dùng thích dùng các sản phẩm tươi không qua bảo quản. Hậu quả: một số cơ sở phải ngừng hoạt động, như ở Minh Khai, Phúc Thịnh, Thụy Phương. Các cơ sở giết mổ còn lại cũng đang hoạt động cầm chừng, chuyển một phần công năng sử dụng.

Trong khi đó, các cơ sở nhỏ lẻ lại tràn lan và hoạt động rất mạnh, với 432 điểm, hộ tham gia giết mổ thủ công giá thành thấp.

Theo ông Đăng, nguyên nhân là do quy hoạch, quản lý giết mổ tập trung chưa được thực hiện nghiêm. Ở nhiều địa phương còn buông lỏng việc giết mổ tự do, thịt gia súc gia cầm. Do đó, các cơ sở giết mổ tập trung không thể hoạt động được.

Để các điểm giết mổ nhỏ lẻ dần quy về các cơ sở giết mổ tập trung, ông Đăng cho biết, Sở NN-PTNT Hà Nội đang thực hiện chính sách hỗ trợ 50% chi phí cho các hộ giết mổ nhỏ lẻ thuê mặt bằng giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung. Để được hỗ trợ, các hộ phải thông qua cơ quan thú ý lấy giấy xác nhận kiểm dịch...  Như vậy, chi phí giá thành cho việc giết mổ tập trung sẽ giảm đi nhiều.

Bảo Hân