- Tiến tới cơ chế thị trường, Bộ Tài chính giao quyền định giá cho doanh nghiệp mới chỉ làm được phần ngọn trong khi cái gốc của cạnh tranh lại chưa đề cập tới.

Lựa theo ý tứ Petrolimex

Chia sẻ với PV. VietnamNet, một đại diện của SaigonPetro kể: "Petrolimex xin tăng giá 400 đồng/lít, một công ty khác xin tăng 500 đồng nhưng đến lúc quyết, họ cũng có dám tăng hơn Petrolimex đâu? Nếu tăng cao hơn thì bán cho ai? Ngược lại, nếu tăng thấp hơn, người dân đổ xô đến mua xăng của mình, lượng hàng không đủ cung ứng thì cũng dở".

Nói tiếp về đợt tăng giá đồng loạt tối 20/7, vị đại diện doanh nghiệp trên thẳng thắn: "Lúc đăng ký giá thì mỗi doanh nghiệp đều có mức tăng khác nhau. Tuy nhiên, sau khi nhận được hồi âm của Cục Quản lý giá, chúng tôi phải 'alo' cho Petrolimex hỏi tin. Rốt cục, tất cả đồng loạt tăng 400 đồng cho xăng và dầu diezen, áp dụng từ 22h tối. Riêng dầu hỏa, Petrolimex tăng 300 đồng/lít, SaigonPetro tăng 400 đồng/lít".

"Văn bản chỉ đạo chung đều nhận như nhau, doanh nghiệp nào cũng phải gọi điện hỏi lẫn nhau và nghe theo ý tứ của Petrolimex. Chúng tôi không thể sử dụng quyền tăng giá khác nhau được", vị này nói.

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex, phân tích: "Chúng tôi tính toán giá trên căn cứ giá bình quân 30 ngày nên mức tăng thấp, song có doanh nghiệp lại căn cứ bình quân 10 ngày cuối, 20 ngày cuối nên giá mới 'dựng' lên".

Ví dụ, ngày 2/7, lần giảm giá thứ 5 của xăng dầu, xăng thành phẩm tại Singapore mới chỉ có 101USD/thùng. Ngày 19/7, xăng thành  phẩm tăng lên 116 USD/thùng, tăng tới 16%. Nếu tính chu kỳ 20 ngày thì rõ ràng, mức tăng giá sẽ rất cao. Nhưng vì tính bình quân 30 ngày nêu mức tăng chỉ 2-3%.

Khi "ônglớn" Petrolimex vẫn nắm giữ hơn 60% thị phần, thị trường xăng dầu chưa thể cạnh tranh (ảnh Tuổi Trẻ)

Ông Năm cũng bày tỏ: "Chúng tôi không thể bình luận gì về chuyện các doanh nghiệp thăm dò ý tứ của Petrolimex. Thông báo về tăng giá hôm 20/7 đã được chúng tôi đăng ngay trên trang web của tập đoàn lúc 21h14, trước khi áp dụng giá mới nên ai cũng có thể nắm bắt được".

Về chuyện tăng giá giống nhau, ông Nam cho rằng, Bộ Tài chính giao quyền định giá cho doanh nghiệp nhưng thực chất, việc điều chỉnh giá xăng dầu cũng không khác gì nhiều so với lúc bộ quyết định giá. Chênh lệch giá cơ sở và giá bán lẻ do Bộ gửi doanh nghiệp cũng là một hình thức khống chế. Nếu doanh nghiệp nào tăng quá mức khung chênh lệch đó, Bộ cũng sẽ tuýt còi. Còn khi đã lỗ rồi, nếu DN tăng thấp hơn hoặc tăng chậm hơn vì càng phát sinh lỗ. Do đó, chuyện xăng dầu vẫn cùng một giá là dễ hiểu.

Trước đó, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính bày tỏ, lần này Bộ muốn để các DN tự quyết giá. Cơ hội mở ra là mỗi DN có thể có mức giá bán khác nhau.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là kỳ vọng của Bộ Tài chính.

Còn độc quyền, thả giá là sai lầm

Kể từ khi Nghị định 84 ra đời, theo Bộ Công Thương, thị phần các doanh nghiệp đã có sự thay đổi. Ví dụ, Tổng công ty Dầu - Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã tăng thị phần từ 13% lên 16,4%. Công ty Xuất nhập khẩu xăng dầu Thanh Lễ tăng thị phần từ 1,8% lên 5,7%. Ngược lại, công ty xăng dầu Quân đội lại giảm thị phần từ 5,8% xuống còn 2,2%. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng bị giảm thị phần từ 2,2% xuống 0,3%. Bên cạnh đó, thị trường đã có thêm 3 doanh nghiệp tư nhân tham gia là công ty Hải Hà, công ty cổ phần hóa dầu Quân đội...

Điều đó cho thấy thị trường xăng dầu đã có sự cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, vị thế của Petrolimex vẫn không thay đổi, chiếm tới gần 60% thị phần. Việc doanh nghiệp phải dựa theo Petrolimex, nhìn nhau tăng giá như vừa qua chính là hệ quả của việc còn độc quyền, thị trường sẽ bị chi phối.

Lo ngại độc quyền sẽ làm méo mó thị trường, chèn ép doanh nghiệp nhỏ, bắt tay làm giá, cùng tăng nhanh giảm chậm... đã được dư luận đặt ra những ngày qua. Song từ phía DN chịu búa rìu dư luận nhiều nhất, ông Trần Ngọc Năm khẳng định, Petrolimex không thể thao túng thị trường và cũng chẳng được lợi gì nếu như thực sự là doanh nghiệp độc quyền.

Theo phân tích của ông, nếu ở lĩnh vực hàng hóa bình thường khác, DN độc quyền có thể lợi dụng vị thế của mình để chèn ép DN nhỏ, làm lợi cho mình. Đơn cử như nếu lỗ tới cả 1.000 đồng/lít như trước đây, DN có quyền ngừng nhập xăng dầu, ngừng bán hàng, tăng giá mạnh. Song rõ ràng, DN xăng dầu không có quyền kinh doanh như thế.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ Công Thương sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, các doanh nghiệp và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá lại Nghị định 84, trong đó làm rõ yếu tố trạnh tranh như số lượng doanh nghiệp, các mức định giá... Tháng 12/2012, Bộ Công Thương phải báo cáo Thủ tướng kết quả đánh giá này.

"Tuy thị phần lớn nhưng chúng tôi không có quyền định giá tự do thực sự. Điều chỉnh giá thì vẫn phải báo cáo Bộ, vẫn nằm trong khung định hướng của Bộ. Khi lỗ thì vẫn phải bán liên tục, nhập liên tục để đảm bảo lưu thông", ông Năm nói.

Theo theo cơ chế thị trường, xăng dầu sẽ mỗi nơi một giá, người dân có thể tùy chọn sản phẩm theo giá tốt nhất mới chỉ là lý thuyết, là tương lai xa. Hiện nay, các doanh nghiệp chưa thể bắt nhịp như vậy vì phải lo gánh nặng xử lý tồn đọng cũ. Đến lúc nào thị trường xăng dầu vận hành đầy đủ, các DN chắc chắn sẽ phải tính toán để cạnh tranh, nâng cao thị phần.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bình luận: "Nghị định 84 cho ra một cơ chế thị trường kiểu nửa vời và nguy hại hơn, Nghị định này còn xuất phát từ quan điểm, tư duy kinh tế thị trường sai lầm".

Theo ông Long, không phải cứ Nhà nước định giá là quay trở về cơ chế cũ và không phải cứ theo cơ chế thị trường là phải thả nổi giá cho doanh nghiệp tự do hoàn toàn.

Trong kinh tế thị trường, giá do Nhà nước hay doanh nghiệp quyết định còn phải phụ thuộc vào hình thái thị trường của từng lĩnh vực. Rõ ràng, nếu xăng dầu đã có cạnh tranh thực sự thì mới nên giao quyền định giá cho DN. Còn khi có độc quyền, Nhà nước định giá là tất yếu và đó là xu thế điều hành giá cả chung ở các nước.

Hơn nữa, Luật Cạnh tranh và Luật Giá vừa được Quốc hội thông qua cũng nêu rõ nguyên tắc đối với những hàng hóa còn có độc quyền, có doanh nghiệp thống lĩnh thị trường thì Nhà nước cần phải tham gia định giá, chưa thể giao quyền cho doanh nghiệp.

Xăng dầu cần áp dụng đúng quy luật này và không nên "kỳ thị" quan điểm Nhà nước định giá là bước thụt lùi của kinh tế thị trường.

Các nhà quản lý chỉ loanh quanh bàn chuyện lúc nào thì ôm giá, lúc nào thì giao cho doanh nghiệp định giá, luẩn quẩn với tính toán giá cơ sở. Trong khi điều kiện quan trọng của thị trường là tạo sự cạnh tranh lại không bàn tới, việc phân chia xăng dầu theo hình thái kinh tế nào cũng không được xác định. Vì thế, cơ chế kinh doanh xăng dầu phải sửa từ gốc tư duy này, ông Long nhấn mạnh.

Phạm Huyền