- Hàng hóa ế ẩm, khách mua thưa thớt, giá thuê mặt bằng đắt đỏ nên nhiều cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ thua lỗ triền miên. Thi nhau sang nhượng cửa hàng với giá rẻ, họ chấp nhận bán giá rẻ để nhanh tháo chạy khỏi thành phố.
Hà Nội: Khách sạn cao cấp đói khách
Èo uột khách, tiểu thương đóng quầy, bỏ chợ
Bán giá hời, chấp nhận lỗ
Thời gian gần đây, tại một các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội cũng như các trang rao vặt xuất hiện ngập tràn các biển thông báo cần sang nhượng shop thời trang, cửa hàng mỹ phẩm, linh kiện điện tử... với giá rẻ để thu hồi vốn.
Tuy nhiên, khi tiến hành sang nhượng chủ cửa hàng thường chịu thiệt. Có người còn chấp nhập sang nhượng với số tiền chỉ bằng nửa số vốn mình bỏ ra bởi thị trường đang rơi vào chu kỳ ế ẩm, đói khách.
Chị Kim Nhung, chủ một shop thời trang trên phố Đội Cấn (Ba Đình) vừa sang nhượng toàn bộ shop quần áo thời trang với giá 160 triệu đồng cho biết: "Lúc mở shop quần áo thời trang này, tiền thuê cửa hàng, tiền mua sắm, trang trí nội thất, tiền hàng hóa... tính ra cũng hết khoảng trên 250 triệu đồng. Giờ chấp nhận nhượng lại cho người khác với giá 160 triệu đồng bao gồm toàn bộ quần áo, nội thất rồi tiền thuê mặt bằng còn gần 4 tháng trên hợp đồng, tính ra mình lỗ gần 100 triệu".
"Chuyển nhượng vào thời điểm này, dân kinh doanh hầu như phải chịu thua lỗ chứ đừng nói tới chuyện hòa vốn. Song, nếu cố giữ lại với tình trạng buôn bán ế ẩm kiểu này, doanh thu thì âm liên tiếp, để lâu có khi còn lỗ nặng hơn bởi mình vẫn phải mất tiền thuê nhà hàng tháng, tiền thuê nhân viên bán hàng... ", chị Nhung tâm sự.
Cùng cảnh, anh Vinh, chủ một shop thời trang nam - nữ trên phố Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa, Hà Nội) cũng đang tìm người để sang nhượng toàn bộ shop với giá 180 triệu đồng.
Anh cho biết, đầu tư sửa chữa cửa hàng, mua mới toàn bộ nội thất, quần áo thời trang nam, nữ mẫu mã đẹp, hợp đồng nhà còn tới 8 tháng đã đóng đầy đủ (tiền thuê 11 triệu đồng/tháng) mà nhượng lại toàn bộ cho người khác với giá này thì quá bèo.
Tuy nhiên, do phải chuyển công tác đi xa, không có người quản lý cộng với tình trạng đói khách trầm trọng gần đây, doanh số bán hàng ì ạch giữa mùa hè nên anh mới phải bỏ ngang, chịu lỗ - anh Vinh chia sẻ.
Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh khi được hỏi đều khẳng định buôn bán ế ẩm, không có lãi thì chịu lỗ để sang nhượng lại cửa hàng là điều hoàn toàn dễ hiểu, bởi nếu cố giữ lại mà thị trường không có dấu hiệu thay đổi còn lỗ nhiều hơn.
Chị Nhung chia sẻ: "Mở cửa hàng có sẵn vốn trong tay như chị còn bị ảnh hưởng nặng nề và phải tháo chạy, nữa là với những người eo hẹp vốn, phải vay mượn với lãi suất cao thì nguy. Thị trường giờ ế ẩm, tiền lời không đủ chi trả tiền cho lương nhân viên, trong khi tiền thuê nhà, tiền lãi suất vay hàng tháng vẫn phải gánh. Vì thế khi sang nhượng, họ có thể chấp nhận lỗ một nửa, thậm chí còn cao hơn để nhanh chóng thu hồi số vốn còn lại về, đề phòng mất trắng".
Mặt bằng cho thuê cũng ế ẩm
Dân kinh doanh ồ ạt tháo chạy khỏi thị trường khiến giá mặt bằng cho thuê thời gian này mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn rơi vào tình trạng ế ẩm.
Dạo qua các con phố ở Hà Nội như: Cầu Giấy, Nguyễn Hoàng Tôn, Bưởi, Đê La Thành... thời gian gần đây, xuất hiện nhiều cửa hàng treo biển thanh lý toàn bộ hàng hóa để trả mặt bằng. Kéo theo đó là biển cho thuê mặt bằng làm cửa hàng kinh doanh, rồi sang nhượng cửa hàng cũng xuất hiện nhiều hơn trên khắp các tuyến phố lớn, nhỏ.
Trên tuyến đường Nguyễn Hoàng Tôn (Tây Hồ, Hà Nội) vài tháng lại đây xuất hiện nhan nhản biển hiệu thông báo cho thuê mặt bằng làm cửa hàng kinh doanh, cho thuê cửa hàng...
Bác Nguyễn Việt Khương đang treo biển cho thuê mặt bằng làm cửa hàng trên tuyến đường này chia sẻ chia sẻ: "Kinh tế khó khăn, thị trường hàng hóa cái gì cũng ế ẩm, dân kinh doanh nhỏ lẻ không trụ được nên thi nhau trả cửa hàng rồi bỏ về quê".
Bác Việt Khương kể: Nhớ lại những năm trước, thời kỳ dễ buôn dễ bán, nhiều người ở ngoại tỉnh muốn đầu tư kinh doanh phải tìm đủ mọi cách để thuê được mặt bằng bán hàng, có khi còn phải nhờ đến mấy anh "cò" xe ôm, quán nước dắt mối. Nay thì ê hề, đi hết con đường này cũng phải có đến mất chục biển hiệu cho thuê cửa hàng chứ chẳng ít.
Tương tự, anh Lê Văn Thực ở ngõ 123 Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) có cửa hàng cho thuê trên đường Nguyễn Hoàng Tôn cũng ngán ngẩm chia sẻ: "Trước tôi cho một khách quê ở Phúc Thọ (Hà Nội) thuê làm cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng, giá 12 triệu đồng/tháng, 6 tháng đóng tiền một lần. Tuy nhiên, giờ kinh doanh ế ẩm, họ trả cửa hàng, mình phải treo biển cho thuê. Đã giảm giá xuống chỉ còn 9 triệu đồng/tháng, đóng tiền thuê 3 tháng một ấy vậy mà đã gần hơn 3 tháng nay mà vẫn chưa tìm được khách thuê".
Thời gian đầu, khi mới treo biển, thỉnh thoảng còn có người gọi điện hỏi anh giá cả rồi hợp đồng thuê như thế nào, nhưng cuối cùng anh đều nhận được câu trả lời "cần suy nghĩ thêm và sẽ liên lạc lại sau" của khách. Giờ hiếm lắm mới có người gọi điện hỏi thuê nhưng cũng đều bặt tăm - anh Thực cho biết thêm.
"Dạo này, nhiều nơi dân kinh doanh thi nhau trưng biển khuyến mãi, giảm giá, thanh lý toàn bộ hàng hóa để trả mặt bằng để câu khách, cố cầm cự cho hết hợp đồng thuê. Người nào không thể cầm cự nữa phải sang nhượng với giá rẻ rồi chịu lỗ mong thoát khỏi thị trường càng nhanh càng tốt", anh Hồng Quân - chủ shop đầm bầu trên phố Thợ Nhuộm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay.
Bài, ảnh: Bảo Hân