Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã đề ra lộ trình khá rõ cho các doanh nghiệp thuộc nhóm 1, nhóm 2. Riêng các doanh nghiệp nhóm 3 (thua lỗ, nợ nần kéo dài) lại chưa thấy lối ra.

Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã đề ra lộ trình khá rõ cho các doanh nghiệp thuộc nhóm 1 (Nhà nước nắm giữ 100% vốn) và nhóm 2 (sau cổ phần hóa nhà nước nắm giữ một phần vốn hoặc không nắm giữ). Riêng các doanh nghiệp nhóm 3 (thua lỗ kéo dài, phải tái cơ cấu lại nợ để chuyển đổi mô hình hoạt động hoặc phá sản, giải thể) lại chưa thấy lối ra.

Chưa định hết bệnh, làm sao bốc thuốc

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa so sánh tái cơ cấu DNNN như đoàn xe đang nối đuôi nhau trên đường. Xe nhóm 3 bị hỏng, cả đoàn bị ách tắc bởi không có doanh nghiệp nào hoạt động đơn độc, nằm ngoài mối liên kết lâu năm với thị trường, ngân hàng, đối tác... Tái cơ cấu được nhóm 3 không chỉ cứu chính họ mà còn bơm thêm sức sống lan tỏa cho các đối tác, ngân hàng có liên quan.

Nhưng hiện nay có bao nhiêu doanh nghiệp nhóm 3? Đang ở đâu? Thực trạng thế nào? Hướng giải quyết ra sao? Trong đề án tổng thể mới được Thủ tướng phê duyệt chưa thể hiện điều đó, ngoại trừ yêu cầu chung: "Tổng kết việc xử lý nợ của DNNN, khắc phục nợ dây dưa, chiếm dụng vốn không lành mạnh".

Người ta trông chờ vào các đề án thành phần. Ông Lê Hoàng Hải, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trả lời trên VTV đầu tuần trước, cho biết dự kiến sẽ có sáu đề án thành phần nhằm cụ thể hóa việc tái cơ cấu DNNN. Nhưng rà soát các dự thảo do Bộ Tài chính soạn thảo nhằm phục vụ đề án tái cơ cấu DNNN lại không thấy có văn bản nào tổng kết số lượng, thực trạng các doanh nghiệp nợ nần lớn, thua lỗ, đứng trên bờ vực phá sản hoặc thực tế đã phá sản nhưng chưa được giải quyết.

Những DNNN đã thua lỗ nặng nề, như một số công ty con của Vinashin đáng lẽ phải thực hiện tái cơ cấu từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa làm hoặc chưa giải quyết triệt để.

Một đại diện của Ban Chỉ đạo đổi mới DNNN trung ương cho biết số lượng các doanh nghiệp nhóm 3 sẽ ít nhưng vị này cũng thừa nhận phải đợi các tập đoàn, tổng công ty, DNNN nộp đầy đủ đề án tái cơ cấu mới nắm được số liệu thực tế. Ông Phạm Mạnh Thường, Phó tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC), một đầu mối xử lý nợ, hỗ trợ tái cơ cấu DNNN thua lỗ của Bộ Tài chính, nói là  DATC cũng chỉ nắm được một phần thực trạng chứ không có bức tranh đầy đủ về công nợ tồn đọng hay tình trạng thua lỗ của DNNN.

Ở đây chưa đề cập đến việc nếu để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chủ động báo cáo Bộ Tài chính số liệu thì liệu rằng con số ấy có đáng tin cậy không. Kinh nghiệm mới đây trong lĩnh vực ngân hàng là bài học nhãn tiền. Các ngân hàng báo cáo tỷ lệ nợ xấu tính đến hết ngày 31-5-2012 khoảng 4,47% tổng dư nợ, nhưng qua kiểm tra của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, số nợ này đã gấp đôi.

Mục tiêu: Chi phí tối thiểu hay lợi nhuận tối đa?

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành nhận định: "Tái cơ cấu phải trở thành nhận thức, nhu cầu thật sự của các DNNN thì hiệu quả mới đạt được".

Liệu các DNNN có chủ động tái cơ cấu không? Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu tại một cuộc hội thảo hồi tháng 5 vừa qua, chất lượng nhiều đề án tái cơ cấu mà DNNN đã trình nặng về báo cáo thành tích, chung chung. Các ý tưởng, phương án tái cơ cấu không thuyết phục, chưa thực sự là tâm huyết của doanh nghiệp. Không đâu xa, nếu đọc kỹ đề án mà tập đoàn Điện lực (EVN) đã trình thì những gì ông Hiếu nói là đúng. Ngoài chuyện liệt kê thành tích, đóng góp, EVN chủ yếu đề xuất các phương án, cơ chế nhà nước hỗ trợ, xin tăng giá điện thay vì đi vào những vấn đề tồn tại, yếu kém trong quản lý doanh nghiệp và nguy cơ thua lỗ, phá sản. Hoặc muốn biết số doanh nghiệp nhóm 3 của tập đoàn Sông Đà, phải nhìn vào kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố hồi tháng 5, chứ trong đề án tái cơ cấu của tập đoàn này không thể hiện.

Thực ra, với các DNNN thua lỗ song tiềm năng còn nhiều thì việc xử lý nợ, hay sáp nhập, mua bán sẽ không khó và thị trường chắc chắn không bỏ qua. Cái khó nằm ở chỗ các DNNN đã thua lỗ nặng nề, đáng lẽ phải xử lý, phá sản hoặc thực hiện tái cơ cấu từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa làm hoặc chưa giải quyết triệt để (như một số công ty con của Vinashin, Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam...). Ông Thường nói rằng: "Chính sách của Nhà nước phải tạo áp lực cho cả ngân hàng cho vay và doanh nghiệp đang mắc nợ".

Kinh nghiệm cho thấy, ngoài việc thiếu hàng loạt hành lang pháp lý để xử lý nợ, xử lý doanh nghiệp thua lỗ, Nhà nước cũng thiếu những biện pháp mạnh tay để giải quyết triệt để số doanh nghiệp này, khiến cho nó tồn tại kiểu sống "thực vật" quá lâu. Đặc biệt, yêu cầu "bảo toàn vốn nhà nước" hay mệnh lệnh "không làm thất thoát tài sản nhà nước" khiến cho các doanh nghiệp nhóm 3 nhiều khi "chết" mà không đem "chôn" được, cũng không thể làm sống lại.

"Như ở nhiều tập đoàn hay tổng công ty đầu tư ra ngoài hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Trước đây họ góp vốn ít nhất bằng mệnh giá cổ phần, hoặc cao hơn, thì nay giá thị trường cổ phần đã xuống rất thấp, thậm chí rẻ hơn cả cốc trà đá vỉa hè, nếu cứ tuân thủ yêu cầu bảo toàn vốn nhà nước khi thoái vốn thì không thể tái cơ cấu được", ông Thường đưa ra ví dụ.

Theo ông Thường, chỉ khi nào chúng ta đặt ra mục tiêu tối thiểu hóa chi phí khi xử lý nợ doanh nghiệp để tái cơ cấu, thay vì tối đa hóa lợi nhuận, thì mới giải quyết được vấn đề. Ông nói thêm, trong một số trường hợp doanh nghiệp hay ngân hàng vì lợi ích khác nhau khó có thể đồng thuận với việc xử lý tài chính để tái cơ cấu thì Nhà nước cần có cơ chế riêng và biện pháp can thiệp mạnh tay để đạt được mục tiêu chung.

(Theo TBKTSG)