Sau khi vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty CP chứng khoán SME (SMES) bị phanh phui, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về sự quản lý lỏng lẻo hoạt động của các công ty chứng khoán (CTCK) và nguy cơ mất tiền oan của nhà đầu tư.
Ngày 3/8, Công ty SMES công bố thông tin cho biết vẫn hoạt động bình thường trong thời gian chờ cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan đến vụ "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" diễn ra tại công ty này.
Nhiều kẽ hở
Như đã thông tin, ngày 2-8, cơ quan an ninh điều tra đã bắt tạm giam ông Phan Huy Chí - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc và ông Phạm Minh Tuấn - phó chủ tịch HĐQT SMES - để điều tra hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong quá trình ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết với Công ty CP Bảo hiểm dầu khí (PVI).
Giám đốc một công ty chứng khoán cho biết hoạt động cầm cố chứng khoán (để vay vốn hoặc biến tướng dưới hình thức hợp tác đầu tư) thường dễ xuất hiện những đối tác "ma" trong hợp đồng ba bên (giữa chủ nợ, con nợ và CTCK), mà trường hợp xảy ra tại SMES là một ví dụ. Theo vị giám đốc này, nguyên nhân là chứng khoán cầm cố được thể hiện trong mục "các chỉ tiêu ngoại bảng cân đối kế toán", trong đó CTCK chỉ phong tỏa, giữ hộ và thu hộ cho chủ nợ mà không thể rõ những rủi ro phát sinh cũng như trách nhiệm cụ thể của CTCK.
"Trong trường hợp cố ý lừa đảo, CTCK có thể "sáng tác" ra một bên thứ ba tham gia hợp đồng vay vốn, với đầy đủ chứng từ thể hiện số dư chứng khoán trên tài khoản của bên vay nợ... Ngay cả kiểm toán cũng có thể bị qua mặt nếu CTCK cố tình" - vị giám đốc này nói. Theo báo cáo tài chính quý 3-2011, báo cáo tài chính gần nhất mà SMES thực hiện, chứng khoán cầm cố (thể hiện ở mục chỉ tiêu ngoại bảng) của công ty này chỉ có giá trị hơn 7,3 tỉ đồng, nếu so với con số nợ mà SMES vẫn chưa trả cho PVI, chưa kể các khoản "hợp tác đầu tư" hay cầm cố vay vốn cho những khách hàng khác.
Chiều 3-8, trao đổi với PV, một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) đã từ chối trả lời những câu hỏi liên quan đến vụ lừa đảo tại SMES với lý do chờ kết luận từ cơ quan an ninh điều tra. Tuy nhiên, vị này cho rằng SSC không thể kiểm soát mọi động thái của CTCK, nhất là trong trường hợp CTCK có ý đồ gian lận. Hơn nữa, theo vị này, trong hoạt động cho vay hoặc hợp tác đầu tư, các chủ nợ cũng có nghĩa vụ kiểm tra tính xác thực của tài sản cầm cố. "Nếu thận trọng hơn, các chủ nợ có thể kiểm tra bên Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), thậm chí yêu cầu VSD phong tỏa tài khoản chứng khoán cầm cố thay vì giao phó toàn bộ cho CTCK..." - vị này nói.
Không biết đòi tiền nơi đâu
Chiều 3-8, chị H. - chủ tài khoản 055C 100 xxx tại SMES - cho biết đến nay, sau nhiều lần chạy tới chạy lui chị vẫn chưa biết tìm đâu để lấy lại số tiền hàng chục triệu đồng và chứng khoán tại tài khoản này. "Tôi có nghe nói toàn bộ tài khoản khách hàng còn số dư chứng khoán tại SMES đã được chuyển sang một CTCK khác ở TP.HCM nhưng chưa có thời gian kiểm tra, còn số dư tiền trên tài khoản thì chẳng biết đòi đâu..." - chị H. nói.
Theo lời chị H., sau một thời gian dài không quan tâm đến chứng khoán do thị trường diễn biến xấu, cách nay mấy tháng, khi nghe "lùm xùm" vụ SMES mất thanh khoản, chị H. chạy đến chi nhánh công ty này tại đường Trần Quốc Thảo (quận 3, TP.HCM) thì phát hiện chi nhánh này đã đóng cửa. Sau khi liên lạc nhiều nơi, chị H. được hướng dẫn đến một địa chỉ khác trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), nhưng tìm đến địa chỉ này chị lại thất vọng ra về vì chẳng thấy tăm hơi công ty đâu.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo VSD cho biết đối với số dư chứng khoán của khách hàng trên tài khoản mở tại SMES trước đây, nay được chuyển sang một số CTCK khác, nhà đầu tư không lo mất do đang được VSD phong tỏa. "Nếu nhà đầu tư có đầy đủ chứng từ chứng minh sở hữu chứng khoán, không bị tranh chấp, chứng khoán sẽ chuyển đến tài khoản mà nhà đầu tư yêu cầu. Riêng với số dư tiền của nhà đầu tư trên tài khoản tại SMES, VSD không quản lý nên không biết..." - vị này nói.
Nhiều nhà đầu tư mở tài khoản tại SMES, vì nhiều lý do chưa rút số dư tiền trên tài khoản, lo lắng cho rằng chẳng biết gõ cửa nào để đòi lại tiền. Anh Quang - một nhà đầu tư tại SMES - bức xúc rằng đã không được bảo vệ quyền lợi hợp pháp, bởi ngay cả muốn kiện đòi lại số tiền còn lại trên tài khoản của SMES cũng không biết căn cứ vào điều khoản nào để kiện. Một chuyên gia cũng có cùng quan điểm khi cho rằng đến nay vẫn chưa có điều luật nào bảo vệ nhà đầu tư trong trường hợp CTCK phá sản hoặc rơi vào trường hợp như SMES.
Theo chuyên gia này, nguy cơ nhiều nhà đầu tư mở tài khoản tại SMES bị mất tiền là khá lớn, do công ty này có "tiền sử" nhiều lần mất thanh khoản, số nợ đang tồn đọng khá lớn, chưa kể những khoản nợ "chìm" không được kiểm soát. Tính đến ngày 30-9-2011, theo báo cáo tài chính quý 3-2011, trong khi chỉ còn hơn 7,7 tỉ đồng tiền mặt, SMES lại có khoản nợ phải trả lên tới gần 600 tỉ đồng, chưa kể khoản phải thu ngắn hạn với khả năng mất vốn rất cao lên tới gần 667 tỉ đồng.
- 3/8/2012: SMES rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán. - 16/5/2012: SMES thông báo về việc chuyển tài khoản khách hàng có số dư chứng khoán sang CTCK Phú Gia (TP.HCM) và CTCK Đại Nam (Hà Nội). - 9/3/2012: SMES đóng cửa chi nhánh tại TP.HCM. - 10/2/2012: SMES bắt đầu ngừng giao dịch tại HSX và HNX, ngừng mở tài khoản và ký kết hợp đồng giao dịch chứng khoán mới. - 8/2/2012: SMES bị rút giấy chứng nhận hoạt động lưu ký chứng khoán. - 7/12/2011: đến 7/1/2012, SMES bị tạm đình chỉ hoạt động thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán. - 6/12/2011: cổ phiếu SME bị đưa vào diện kiểm soát. - 4/11/2011: cổ phiếu SME của SMES bị HNX đưa vào diện cảnh báo. - 1/11/2011: một số lệnh mua chứng khoán của khách hàng có tài khoản tại SMES bị VSD hủy do thiếu tiền thanh toán bù trừ. |
(Theo Tuổi Trẻ)