Dù một tuần đã trôi qua kể từ khi các doanh nghiệp nợ cơm văn phòng được “điểm danh” trên mặt báo nhưng một chủ tiệm cơm trên phố Huế (Hà Nội) vẫn truy nợ trong tuyệt vọng.

Cuối tháng 7, chủ tiệm cơm này chia sẻ với báo chí tổng số tiền khách hàng nợ tiền cơm khó đòi đã lên tới cả trăm triệu đồng. Trong đó, 3 khoản "nợ xấu" nhất thuộc về Công ty Cổ phần Cavico Điện lực và Tài nguyên, Công ty cổ phần phần mềm AFC và Công ty Cổ phần Công nghệ & Ứng dụng phần mềm Tas. Với sức ép báo chí, quản lý nhà hàng, ông Nguyễn Mạnh Hùng hy vọng sẽ khiến các con nợ lộ diện để thanh toán nợ nần.

Tuy nhiên, các con nợ càng bặt vô âm tín trong sự truy tìm tuyệt vọng của ông Hùng và nhân viên.

Chia sẻ về quá trình đòi nợ đầy gian nan, ông Hùng cho biết, Cavico Điện lực và Tài nguyên ăn cơm hộp của nhà hàng hơn 3 tháng và chậm thanh toán với đủ các lý do như giám đốc đi Lào công tác, đang chờ dự án giải ngân, thay đổi kế toán... "Với hơn 3 tháng bỏ bao nhiêu công sức, hơn 100 ngày đi lại phục vụ, rồi hứa hẹn thanh toán với 30-40 lần đi lại, chờ đợi nhưng chúng tôi vẫn không nhận được đồng nào, ông Hùng than vãn.

Giám đốc công ty chỉ tắt máy hoặc gọi được thì bảo đang ở nước ngoài, nghe điện thoại của mình phải trả cước rất đắt nên cúp máy nhưng thực tế vẫn đang ở Việt Nam".

Bảng công nợ của Cavico

Công ty Cổ phần Cavico Điện lực và Tài nguyên có trụ sở ở Cổ Nhuế, Từ Liêm khá xa so với Cơm123 nhưng ông Hùng vẫn thường xuyên cử nhân viên tới truy nợ. Tuy nhiên, theo ông Hùng, sau nhiều lần đi lại, nhân viên phản ánh công ty Cavico từ chỗ vài chục người, dần dần chỉ còn lưa thưa vài nhân viên. Kế toán trưởng thay tận tới 3 người.

Tuy vậy, trong 3 "con nợ khủng", Cavico là công ty duy nhất đã trả một phần nợ. Ông Hùng cho biết sau rất nhiều lần "phục kích" với thái độ cứng rắn, Cavico cũng đã chịu trả 15 triệu đồng. Hiện tại số nợ của công ty này "chỉ" còn 28 triệu đồng. Nhưng cũng từ đó, tiệm cơm hoàn toàn mất liên lạc với Cavico.

Công ty cổ phần phần mềm AFC cũng khiến tiệm cơm này lao đao. Ông Hùng chia sẻ những ngày đầu ăn cơm AFC cũng trả tiền dù rất chậm. Hơn 2 tháng gần đây, AFC lần lựa với đủ các lý do khất nợ và rồi biến mất.

Ông Hùng đã phải nhờ tới một nhân viên trong AFC chỉ đường mới tìm được đến địa chỉ mới ở Đại Từ (Đại Kim, quận Hoàng Mai). Giám đốc công ty hứa hẹn mới chuyển công ty nên đang bận nên khất nợ thêm vài hôm. Vài ngày sau, ông Hùng cử nhân viên tới thì AFC lại biến mất. Các số điện thoại không thể liên lạc được.

Phóng viên đã tìm tới địa chỉ mới được công bố trên website của công ty ở Đại Từ. Nhưng khi tới nơi, AFC trong tình trạng cửa đóng, then cài, không có biển hiệu. Phóng viên vô tình gặp anh T, nhân viên nhận đơn đặt hàng của tiệm cơm. Chia sẻ với phóng viên, anh T cho biết: "Tôi đã phải tìm mọi cách mới tìm ra được chỗ mới này. Lần đầu tôi tới đây, họ đang chuyển văn phòng nên khá bừa bộn. Họ khất nên tôi đành chờ họ ổn định chỗ làm mới tính tới chuyện đòi nợ. Nhưng chỉ mấy ngày sau, khi tôi tới, họ đã biến mất.

Tôi xuống gặp ban quản lý tòa nhà thì được biết vị giám đốc của công ty nói trả phòng vì mượn được căn biệt thự của một người chị".

Một nhân viên của công ty kế bên cho biết: "Họ chuyển đi được hơn một tháng rồi và bỏ lại một ít bàn ghế. Chị chủ nhà chẳng còn cách nào khác mang số bàn ghế đó đi cho. Thỉnh thoảng tôi thấy có mấy người đến đòi nợ. Thật không ngờ! Cậu giám đốc đó khá trẻ, lúc nào cũng nói về các dự án lớn mà lại nợ nần như thế sao?".

Với con nợ thứ 3, Công ty CP Công nghệ & ứng dụng phần mềm Tas, ông Hùng cho biết đã tốn rất nhiều thời gian đòi nợ mà vẫn công cốc.

Theo ông Hùng, giám đốc của Tas là một thanh niên từng được vinh danh trên truyền hình như một tấm gương vượt khó. Nhưng cuối cùng, "tấm gương vượt khó" lại lộ mặt là tay... nợ cơm. Số tiền Tas nợ cơm không nhiều, chỉ 8 triệu đồng nhưng giám đốc nhất định không chịu trả.

Ông Hùng than vãn: "Họ hứa hẹn rất hay nhưng đến gần ngày hẹn thì lại báo đi công tác chỗ này chỗ khác, mấy hôm nữa về. Về sau tôi mới biết họ hứa hẹn như vậy chủ yếu là để câu giờ nhằm dọn dẹp công ty và... trốn". "Tôi tìm được ra nhiều contact của nhân viên bên này hỏi ra thì biết công ty nợ lương, giám đốc còn lấy xe của cả nhân viên đi cắm vào tiệm cầm đồ ở đường Láng".

Anh T, nhân viên nhận đơn đặt hàng, kiêm... đòi nợ của tiệm kể cụ thể hơn về quá trình đòi nợ gian nan.

Anh T cho biết trước kia anh hay giao dịch với một chị tên H. Chị H là người góp vốn cùng vị giám đốc kể trên. Tuy nhiên, chị H bán lại cổ phần và rời công ty. Trước khi ra đi, chị H đã đưa 50% số tiền nợ cho vị giám đốc. Và vị giám đốc "nuốt" luôn số tiền kia.

Ông Hùng cho biết đã rất mệt mỏi, nhiều lúc muốn dừng lại: "Chúng tôi cũng phải làm việc, không phải lúc nào cũng đi tìm họ được. Nhưng cũng phải tiếp tục tìm thôi. Mỗi chỗ nợ một ít, không nhiều nhưng tổng tiền lại cũng lên tới cả trăm triệu, bằng với tiền vốn đầu tư ban đầu. Nếu không có tiền vốn đối ứng để duy trì thì phải dẹp tiệm rồi".

Dùng mọi cách mà không tìm ra được con nợ, ông Hùng đang tính đến chuyện nhờ các cơ quan nhà nước.

Ông Hùng chia sẻ: "Tôi đang định qua chi cục thuế Cầu Giấy nhờ họ cho xem đăng ký kinh doanh, quê quán của giám đốc. Nhưng cũng đang băn khoăn không biết họ có cho mình hay không. "Tương tự như vậy, tôi cũng định qua chi cục thuế Hai Bà Trưng tìm địa chỉ của Giám đốc công ty AFC. Hy vọng, biết mình đi đòi nợ, họ sẽ cho thông tin".

Ông Hùng cũng thành thật, hiện tại, ngoài 3 công ty kể trên, tiệm cơm còn có 3 công ty trong tình trạng nợ khó đòi với tổng tiền khoảng 20 triệu đồng. Ngoài ra, có khá nhiều công ty nợ đọng nhưng vẫn liên lạc được.

(Theo VTC)