Bóng đen kinh tế đẩy hàng ngàn doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, thất nghiệp, chất lượng đời sống giảm sút nghiêm trọng. Tuy nhiên, với các nhà sản xuất và kinh doanh xe đạp Hi Lạp, đó không hẳn là những thông tin xấu.
Cửa hàng xe đạp mọc như nấm sau mưa
Cuộc khủng hoảng đã khiến nhiều người Hi Lạp chuyển sang sử dụng xe đạp, phương tiện từng bị cho là biểu tượng của sự khó khăn, nghèo đói và kém phát triển. Cũng nhờ khủng hoảng, ngành công nghiệp xe đạp đang được mùa lớn.
Chi phí cho thuế, nhiên liệu, sửa chữa cao đã buộc rất nhiều người Hi Lạp vứt xe hơi ở nhà. Theo văn phòng thống kê của Chính phủ nước này, lượng xe hơi tham gia giao thông của Hi Lạp đã giảm hơn 40% so với 2 năm trước đây. Trong khi đó, hơn 200.000 chiếc xe đạp đã được tiêu thụ trong năm 2011, tăng ¼ so với năm trước đó.
Những cửa hiệu bán xe đạp và phụ kiện đi kèm, từ mũ bảo hiểm đến đệm bảo vệ đầu gối... đã nhanh chóng lan rộng khắp thành phố thủ đô.
"Các cửa hàng đang mọc lên như nấm sau mưa", Vogiatzis - nhà thiết kế và chế tạo xe đạp theo mẫu yêu cầu, cho biết.
Là cựu vận động đua xe đạp của đội tuyển quốc gia Hi Lạp, Vogiatzis đã mở kinh doanh từ giữa những năm 1980. Mới đây, ông nhận thấy nhu cầu của thị trường xe đạp bùng nổ. Trước đây, mỗi năm, số lượng xe đặt hàng tại xưởng của ông chỉ khoảng 40 chiếc thì giờ đây đã tăng lên đến hơn 350.
Ông Vogiatzis nói: "Khi mà người ta không còn nhiều tiền để chi dùng cho những thứ xa xỉ thì thị trường xe đạp có cơ hội được phát triển". Ông cùng nhân viên làm việc không mệt mỏi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
"Mọi người chưa từng bao giờ quan tâm đến việc đạp xe hay mua xe đạp". Vogiatzis hiện đã xuất khẩu xe sang 7 quốc gia, trong đó có Đức và Mỹ. Ông cũng mở nhiều cửa hàng tại Hi Lạp, trong đó có Athens - một thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Khác xa hình ảnh hàng loạt cửa hàng bị đóng cửa - biểu hiện đau thương của nền kinh tế trong giai đoạn tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh thế giới II, thì đã và đang có rất nhiều cơ sở kinh doanh xe đạp được mọc lên.
Bỏ xe hơi, theo xe đạp để tiết kiệm
Tại một đất nước nhuốm màu thắt lưng buộc bụng, chiếc xe đạp một thời được cho là tầm thường giờ đây là trở thành sự lựa chọn mỗi ngày của quá nhiều người. Từ những người trung niên thường phụ thuộc vào xe hơi đến những ai đã mỉa mai sở thích đi xe đạp của cựu thủ tướng George Papanadreou.
Xu hướng mới trên cả nước thậm chí đã thúc đẩy thị trưởng thành phố Athens thực hiện dự án cho thuê xe đạp công cộng giống như tại nhiều thành phố thủ đô châu Âu khác. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên dự án được thực tại một thành phố mà những làn đường dành cho xe đạp chẳng mấy khi được dùng đến.
Việc thiếu cơ sở hạ tầng và địa hình đồi núi của Hi Lạp đã không thể cản trở người dân nước này đến với xe đạp bởi giờ đây, họ sẽ đạp xe băng qua những đoạn đường tắc nghẽn xe cộ hay đầy ổ gà và những sườn đồi khấp khuỷu dốc.
"Sẽ là hơi mạo hiểm nhưng bạn phải nghĩ đến việc tự mình cắt giảm gánh nặng thuế, chi phí nhiên liệu trong điều kiện hiện nay" cô Elena Koniaraki, 39 tuổi, nhân viên kinh doanh âm nhạc, cho hay.
Việc bị cắt giảm lương hai năm trước đã buộc Koniaraki phải từ bỏ chiếc xe hơi của mình bởi cô không đủ khả năng chi trả cho các khoản thuế má và xăng xe ngày càng gia tăng. Cô cũng đã rời ngôi nhà ở vùng ngoại ô Athen đầy lý tưởng để tới trung tâm thành phố.
Hồi tháng Ba vừa qua, Koniaraki quyết định mua một chiếc xe đạp cũ lần đầu tiên kể từ cái thời thơ ấu. "Chưa bao giờ có thứ văn hóa xe đạp tại đất nước Hi Lạp", cô nói.
Văn hóa xe đạp
Chính sách tăng thuế của chính phủ đã khiến giá nhiên liệu tăng vọt lên mức 1,72 euro/lít vào tháng 7 vừa qua. Đây cũng là mức cao nhất tại khu vực châu Âu. Có lẽ nhờ đó mà văn hóa xe đạp đã xuất hiện và có cơ hội phát triển tại nước này.
"Rất nhiều người bắt đầu nghĩ đến xe đạp như một giải pháp thay thế", Tolis Tsimoyannis, một người đam mê đạp xe cho biết.
Tsimoyannis bắt đầu kinh doanh doanh vào năm 2006 và cũng nhập khẩu xe đạp gấp từ Đài Loan. Anh nhận thấy đã có sự gia tăng khá lớn về nhu cầu đối với thị trường xe đạp hai năm qua. Trong số các khách hàng, nhiều người là sinh viên và trung niên.
Gần đây, việc kinh doanh của Tsimoyannis có chút dấu hiệu đi xuống nhưng không phải vì nhu cầu giảm mà là vì đã và đang xuất hiện thêm quá nhiều cửa hàng trên thị trường. Điều đó đồng nghĩa chiếc bánh ngon đang có nhiều người cùng chia sẻ và họ sẽ phải chấp nhận một phần nhỏ hơn trước kia.
Hung Ninh (theo Reuters)