Sự hi sinh của Hàn Quốc và bài học cho châu Âu
Khủng hoảng châu Âu: Nỗi ám ảnh của Đông Nam Á
Giải quyết khủng hoảng châu Âu: Bài học từ Mỹ Latin
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu Eurostar công bố hôm 14/8, Tổng sản phẩm quốc nội của cả khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu đã giảm 0,2% nối tiếp tình trạng trì trệ gần như không tăng trưởng của quý trước đó là 0%.
Như vậy, so với cùng kỳ năm 2011, GDP của khu vực đã giảm 0,4%. Triển vọng này đã được nhiều chuyên gia dự đoán trước đó song có sự chênh lệch lớn giữa các nước trong khu vực. Ông Martin Van Vliet, chuyên gia kinh tế của ngân hàng ING của Hà Lan cho rằng kinh tế của các bước Bắc Âu luôn có khả năng thoát khỏi suy thoái trong khi các quốc gia Nam Âu vẫn vẫy vùng trong khủng hoảng. Lần lượt tăng trưởng của một số quốc gia Nam Âu trong quý 2 như Tây Ban Nha là -0,4%, Bồ Đào Nha là -1,2%, Italia là -0,7% và đảo Síp là -0,8%.
Trong đó, tình hình kinh tế của Hy Lạp là đáng lo ngại hơn cả, quốc gia này đang phải trải qua năm thứ 5 liên tiếp trong tình trạng suy thoái và DGP đã giảm 6,2% trong quý II năm nay, quý trước đó còn tồi tệ hơn 6,5%. Trong khi đó, nước này dự kiến sẽ yêu cầu gia hạn việc trả nợ thêm hai năm nữa. Dự kiến trong các cuộc hội kiến với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin ngày 24/8 tới và với Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Paris sau đó, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras sẽ đề nghị gia hạn trả nợ cho nước này đến năm 2016 và cần thêm 20 tỷ euro bổ sung để có thể hoàn thành được kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách.
Tuy nhiên, Hy Lạp không có ý định yêu cầu trợ giúp từ phía các đối tác trong khu vực đồng euro. Về nguồn tài chính bổ sung, Hy Lạp đề nghị lấy từ một khoản tín dụng của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF với việc chuyển kỳ hạn trả nợ đầu tiền từ năm 2016 sang năm 2020. Liên quan tới kế hoạch trả nợ của Hy Lạp, ngày 15/8, trong một cuộc họp báo, người phát ngôn của Thủ tướng Đức, ông Steffen Seibert cho biết hiện tại Berlin chỉ công nhận thỏa thuận đã được thông qua giữa Hy Lạp với các chủ nợ gồm bộ ba Liên hiệp châu Âu, IMF và Ngân hàng trung ương châu Âu, "Báo cáo của bộ ba này vào tháng 9 tới sẽ là cơ sở cho mọi quyết định trong tương lai", ông nói.
Một mảng tối khác của nền kinh tế khu vực là tình hình tăng trưởng ảm đạm của các nền kinh tế Bỉ, Phần Lan. Báo cáo của Eurostar cho thấy kinh tế hai quốc gia này trong quý 2 đã suy giảm lần lượt là -0,6% và -1,0% và đang vật lộn trong khủng hoảng nợ công. Trong khi đó, tăng trưởng GDP của Pháp bị đình trệ tháng thứ 3 liên tiếp (0%), vừa đủ để thoát khỏi ngưỡng suy thoái.Tình hình này cho thấy cuộc khủng hoảng đang có chiều hướng lan rộng sang các quốc gia khác trong khu vực đồng Euro.
Điểm sáng duy nhất của khu vực là Đức với mức tăng trưởng đạt 0,3%, cao hơn so với mức dự kiến trước đó là 0,2% và Hà Lan, cùng với Áo là 0,2%. Ông Jonathan Loynes thuộc cơ quan nghiên cứu kinh tế Capital Economics đánh giá bức tranh kinh tế tổng thể đã không có nhiều thay đổi, khu vực đồng tiền chung châu Âu đã không thể tăng trưởng và các nước khu vực ngoại vi tiếp tục lặn sâu trong suy thoái kinh tế, cản trở các nỗ lực củng cố nền tài chính và làm cho khủng hoảng nợ kéo dài. Triển vọng kinh tế khu vực khó có thể được cải thiện trong ngắn hạn. Hầu hết các nhà phân tích đều dự báo tăng trưởng của Eurozone sẽ suy giảm hơn nữa trong quý 3 và sẽ ở mức khoảng -0,2% và -0,3%. Nếu như vậy, khu vực đồng tiền chung sẽ chính thức rơi vào suy thoái trong nửa cuối năm 2012.
Anh Vũ (Tổng hợp)