Sau nhiều tháng chờ đợi Sở KH&ĐT TP. Cần Thơ đã chính thức cấp giấy phép đăng ký kinh doanh mới cho Công ty CP thủy sản Bình An (Bianfishco).
Sáng 25/8, các đại diện Bianfishco, Công ty mua bán nợ của Bộ Tài chính (DACT), Ngân hàng SHB và một số ngân hàng khác đã cùng ngồi lại ký chốt những văn bản cuối cùng ràng buộc nhau trong tái cơ cấu Bianfishco.
Đến 10h30 cùng ngày, phía Bianfishco, SHB và DACT tổ chức buổi họp báo chính thức công bố Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở KH&ĐT TP. Cần Thơ cấp ngày 24/8/2012. Theo đó, Ngân hàng SHB là cổ đông sở hữu 25 triệu cổ phần bằng 50% vốn điều lệ Bianfishco (Bianfishco có vốn điều lệ 500 tỷ đồng) và tham gia tái cấu trúc toàn diện Bianfishco. Ông Trần Văn Trí, TGĐ nắm 2% cổ phần.
Sau lời “xin lỗi bà con nông dân”, ông Trần Văn Trí, Tổng Giám đốc Bianfishco cho hay. từ nay về sau, ông sẽ "có trách nhiệm lấy tiền trả cho bà con”.
Về lộ trình trả nợ cho dân, ông Nguyễn Văn Lê – Tổng GĐ SHB cho hay, “trước mắt SHB sẽ cùng Bianfishco đối chiếu công nợ trước mắt sẽ thanh toán 30% nợ, cụ thể là hộ nông dân nợ ít sẽ trả dứt điểm và số nợ lớn sẽ trả hết cuối năm 2012”.
Dự kiến trong tháng 9/2012, sau khi đối chiếu công nợ của bà con nông dân, doanh nghiệp thì sẽ trả nợ 30% số tiền ban đầu.
Rút đơn đề nghị phá sản
Ông Trí cũng đề nghị các luật sư rút đơn đề nghị phá sản để Bianfishco lấy tiền ra trả nợ.
Giám đốc công ty mong bà con nông dân “đừng kéo đến nhà tập trung để đòi nợ nữa”.
Theo báo cáo, Bianfishco nợ không quá 600 tỷ đồng. Các khoản nợ Ngân hàng BIDV, VDB, ACB đều có các tài sản đảm bảo khác như: máy móc, nhà xưởng, bất động sản,...
Đại diện Bianfishco cũng cho hay việc thế chấp 25 triệu cổ phần của bà Phạm Thị Diệu Hiền, nguyên Tổng giám đốc Bianfishco chỉ là bổ sung tài sản đảm bảo khoản vay tại các ngân hàng nêu trên. Riêng Bianfishco không nhận thêm được khoản tiền nào từ việc thế chấp cổ phiếu này.
Về tái cấu trúc Bianfishco, ông Trí cho hay, đến nay, các cổ phiếu đã giải quyết xong. Ngân hàng SHB sẽ chính thức tái cấu trúc Bianfishco. Việc tái cấu trúc do DACT hoạch định.
Theo đó, SHB cùng DATC tham gia vào quản trị, điều hành mọi hoạt động tại Bianfishco, đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính, kiểm soát chi phí thị trường đầu vào và đầu ra.
Sau khi hoạt động sản xuất, kinh doanh đi vào ổn định sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng.
SHB và DATC dự kiến trong năm 2013, Bianfishco sẽ đi vào hoạt động ổn định, mở rộng các đối tác kinh doanh mới và tạo công ăn việc làm nhiều hơn nữa cho người lao động
Bianfishco đi vào hoạt động từ năm 2005, tập trung đầu tư hệ thống dây chuyền công nghệ chế biến thủy sản hiện đại với công suất chế biến 600 tấn cá/ngày. Bên cạnh đó Bianfishco đã đầu tư phát triển chuỗi cung ứng khép kín: Nhà máy Chế biến thức ăn chăn nuôi, Vùng nuôi hải sản rộng 100 ha, Công ty sản xuất Nước uống Collagen, Viện Nghiên cứu Thủy sản, Nhà máy chế biến phụ phẩm, Nhà máy giá trị gia tăng… với các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế. Các sản phẩm của Bianfishco đã xuất khẩu vào 80 nước, trong đó, có những thị trường hết sức khắt khe như: Mỹ, Nhật và EU. Đặc biệt Bianfishco là một trong rất ít doanh nghiệp thủy sản có giấy phép xuất khẩu vào Mỹ với thuế suất bằng 0%. Trong giai đoạn hoạt động ổn định, Bianfishco đạt doanh thu 100 triệu USD/năm, giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động. Bianfishco rơi vào khủng hoảng tài chính từ năm 2011 và 7 tháng đầu năm 2012, gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu đầu vào thiếu ổn định, chi phí tài chính tăng cao, ngân hàng ngưng cung cấp tín dụng, quản trị điều hành doanh nghiệp yếu kém khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Báo cáo tài chính của Bianfishco đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán Deloite Việt Nam, đến ngày 31/12/2011, Công ty đạt 1.240 tỷ đồng doanh thu, giá trị tài sản gần 2.000 tỷ đồng. |
Quốc Huy