- Không như báo cáo ban đầu, sau kiểm toán và soát xét cho thấy thực tế khá đáng buồn là nhiều doanh nghiệp đã “tính toán” không đúng như thực trạng của doanh nghiệp. Lãi chuyển thành lỗ, từ lãi nhiều thành lãi ít, từ ổn định sang bị nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động...


Không ít nhà đầu tư giật mình khi trót mua cổ phiếu khi mà thông tin đưa ra ban đầu ở mức “chấp nhận được”. Vấn đề không minh bạch về kết quả hoạt động kinh doanh hay những nhầm lẫn không đáng có đang làm xói mòn niềm tin vốn đang bị suy giảm của thị trường.

Thiếu và quên

Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Sông Đà (SDH) vừa công bố báo cáo 6 tháng đầu năm 2012 sau soát xét với kết quả khá bất ngờ khi doanh nghiệp này đang từ lãi 613 triệu đồng, chuyển thành lỗ 16,3 tỷ đồng.

Thuyết minh cho thấy, SDH đã “quên” một số khoản trích lập dự phòng. Cụ thể, thiếu dự phòng công nợ phải thu 12,4 tỷ đồng và dự phòng chi phí dở dang về xây lắp trị giá 4,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khoản lãi vay phải trả cho bảo hiểm và ngân hàng trị giá 259 triệu cũng chưa được doanh nghiệp này hạch toán vào báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012.

Theo kết quả này, tổng tài sản cuối quý 2/2012 của SDH sau soát xét chỉ là 490,7 tỷ đồng, giảm 16,9 tỷ đồng so với trước soát xét.

Một trường hợp từ lãi chuyển thành lỗ khác là INC của Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư IDICO. Kết quả soát xét đã thay đổi hoàn toàn cục diện báo cáo của doanh nghiệp này khi mà khoản lãi công bố ban đầu 743 triệu đồng đã biến mất, thay vào đó là khoản lỗ 439 triệu đồng.

Vinaconex là 1 trong các doanh nghiệp có mức chênh sau kiểm toán rất lớn trong năm vừa qua.

Báo cáo soát xét cho thấy, chi phí quản lý của INC tăng 352 triệu đồng so với con số ban đầu và 1 khoản chi khác mà trước đó không ghi nhận lên tới 803 triệu đồng (trong đó 784 triệu đồng là khoản phạt về thuế).

Không chuyển hoàn toàn từ lãi sang lỗ, nhiều doanh nghiệp khác dường như vẫn đang che giấu tình hình bi đát thực sự của mình.

Trường hợp THV của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam là một ví dụ. Trong giới đầu tư, việc THV đang gặp khó khăn, đang quá nợ nhiều ngân hàng do lấy vay ngắn hạn cho đầu tư dài hạn là thông tin không có gì mới.

Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư vẫn không khỏi giật mình khi báo cáo sau soát xét cho biết, kết quả kinh doanh 6 tháng của THV thua lỗ nhiều hơn trước soát xét rất nhiều. Từ mức lỗ 84,17 tỷ đồng trước soát xét, mức lỗ sau soát xét đã tăng lên 129,44 tỷ đồng.

Không những thế, khả năng hoạt động liên tục của công ty phụ thuộc vào việc công ty có chờ được hỗ trợ của các tổ chức tín dụng hoặc cổ đông lớn hoặc việc bán tài sản hay không. Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán đưa ra lưu ý đáng lo ngại cho người đọc báo cáo, rằng: nợ phải trả ngắn hạn của THV đã vượt quá tài sản ngắn hạn 263,21 tỷ đồng trong đó hầu hết các khoản nợ ngắn hạn các tổ chức tín dụng đã quá hạn, lỗ lũy kế đến 30/6/2012 là 320,03 tỷ đồng.

Như vậy, với tình hình tài chính như trên, khả năng tiếp tục hoạt động của công ty trong kỳ tiếp và các năm sau phụ thuộc rất nhiều vào các tổ chức tín dụng và các đối tác (mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ). Điều đó có nghĩa là số phận của THV dường như đang nằm trong tay người khác.

Báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm cũng cho thấy 1 loạt doanh nghiệp bị kiểm toán lưu ý, ngoại trừ những khoản tiền hàng trăm tỷ đồng như HQC, DXV, HHS, PVF.

Trong đó, DXV là doanh nghiệp có vốn điều lệ rất nhỏ, chưa đầy 100 tỷ đồng lại bị kiểm toán lưu ý về khoản phải thu, phải trả chưa được đối chiếu của dự án Nhà máy xi măng Cam Ranh lên đến 570 tỷ đồng. 

HHS, trong khi đó, bị kiểm toán lưu ý đến ngày 30/6 đã góp vốn đầu tư vào Hưng Việt 260,82 tỷ đồng. Còn, PVF bị kiểm toán tiếp tục lưu ý các khoản dư nợ tại Vinashin, Vinalines.

Đại gia ngành tiêu dùng MSN của Công ty Cổ phần Tập đoàn Ma San (MSN) có báo cáo sau soát xét với lãi ròng giảm 58,29 tỷ đồng so với mức 907,5 tỷ đồng trước soát xét.

Một số doanh nghiệp thậm chí còn bị kiểm toán viên bày tỏ ý kiến nghi ngờ về khả năng hoạt động như: SHN, TAS, VIP, PIT, KMR…

Trong năm 2011, một loạt các doanh nghiệp có chênh lệch (lên xuống) lợi nhuận sau kiểm toán lên tới hàng trăm tỷ đồng, gây hoang mang cho giới đầu tư như: VCG, SBS, PVX, PVS, BTP…

Căn bệnh cần thuốc mạnh

Trong trường hợp của MSN có thể thấy, con số chênh lệch 58,29 tỷ đồng so với tổng lãi gần 1.000 tỷ đồng là nhỏ (so với quy mô của doanh nghiệp cũng vậy) nhưng nó cũng cho thấy 1 thực tế là sai sót không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp nhỏ, có quản trị kém mà nó xảy ra ngay ở cả những doanh nghiệp lớn có hệ thống kiểm soát chặt chẽ.

Gần đây, phản ứng của giới đầu tư đối với các thông tin về chênh lệch trước và sau soát xét/kiểm toán không còn mạnh mẽ như 1-2 năm trước đây. Nguyên nhân có lẽ là họ đã phần nào quen với những cú sốc như vậy.

Ban đầu nhiều cổ đông, nhà đầu tư con “đau tim” khi kết quả lợi nhuận sau kiểm toán tại nhiều doanh nghiệp biến hóa khôn lường. Nhưng giờ đây, khi đón nhận những thông tin như vậy có lẽ việc đầu tiên, với nhiều người, là nhanh chóng đặt lệnh bán, hoặc nhủ thầm “tin xấu đã phản ánh vào giá trước đó”.

Nhìn tổng thể có thể thấy, chênh lệch lợi nhuận sau soát xét/kiểm toán chủ yếu nằm ở các khoản chi phí tài chính và thường nằm ở các doanh nghiệp trong các ngành nghề đang gặp khó khăn và các doanh nghiệp có đầu tư đan xen, chồng chéo nhiều. Lĩnh vực thường thấy mức chênh cao nhất là chứng khoán, bất động sản… 

Bên cạnh đó, những quy định chưa thống nhất trong quy trình kiểm toán và nghiệp vụ kế toán doanh nghiệp cũng là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng nói trên.

Mặc dù vậy, có thể thấy những khoản chênh lệch nhỏ (vài trăm triệu hoặc 1 vài tỷ với doanh nghiệp quy mô cực lớn) thì không sao. Nhưng với những khoản chênh vài chục cho tới vài trăm tỷ - khoản chênh có thể làm phá sản hoặc làm thay đổi hoàn toàn thực trạng tài chính của 1 doanh nghiệp thì đó không còn là chuyện nhỏ nữa.

Với các cơ quan quản lý, việc thắt chặt quản lý, thống nhất các quy định và tăng cường giám sát, xử lý là cần thiết. Còn đối với giới đầu tư, không ít người đã có những lựa chọn tỉnh táo hơn nhiều sau nhữn biến động lớn của thị trường chứng khoán vài năm qua. Với họ, những doanh nghiệp có hoạt động tốt, lịch sử quản trị tốt và lãnh đạo có uy tín là lựa chọn hàng đầu.

Mạnh Hà