- Giá vàng thế giới có dấu hiệu chững lại, trong khi giá trong nước vẫn tiếp tục tăng để nới rộng khoảng cách chênh lệch với mặt bằng chung.

Sáng nay, giá vàng SJC của công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết ở mức 45,35 – 45,55 triệu đồng/lượng, tăng 300 nghìn đồng so với cuối giờ chiều hôm qua.

Vàng SJC của tập đoàn Doji trong khi đó tăng 260 nghìn đồng mua vào và 300 nghìn đồng bán ra lên 45,43 – 45,55 triệu đồng/lượng.

Sau khi tăng 120 nghìn đồng/lượng trong ngày hôm qua và biến động mạnh về buổi chiều, giá vàng trong nước sáng nay 6/9 tiếp tục tăng với biên độ mạnh hơn, bất chấp vàng thế giới đêm qua quay đầu giảm và sáng nay mới chỉ có dấu hiệu hồi phục nhẹ.

So với cuối giờ chiều hôm qua, giá vàng hiện cao hơn 300 nghìn đồng/lượng. Nếu quy đổi với tỷ giá 20.870 đồng, mỗi lượng vàng quốc tế hiện tương đương 42,60 triệu đồng (chưa gồm các loại phí). Như vậy, khoảng cách giữa hai thị trường trong và ngoài nước đã giãn rộng lên 2,8-2,9 triệu đồng. Nếu trừ các loại phí thừ mức chênh lệch khoảng 2,5 – 2,6 triệu đồng/lương.


Chốt ngày 5/9, vàng giao ngay ở 1.692,4 USD/ounce, giảm 3,8 USD so với phiên liền trước, vàng giao tháng 12 cũng giảm 3 USD xuống còn 1.694 USD/ounce. Sáng nay trên thị trường châu Á, giá vàng mở cửa khá tích cực khi tăng gần 4 USD.

Dẫu vàng thế giới tăng nhưng việc giá vàng trong nước tăng tới 300 nghìn đồng/lượng là mạnh hơn rất nhiều và cũng khá bất ngờ và khiến cho nhiều người cảnh báo về dấu hiệu vàng bị làm giá.

Diễn biến trái chiều giữa giá vàng trong nước và thế giới khiến mức chênh lệch giá giữa hai thị trường ngày càng bị kéo rộng. Phân tích của Trung tâm Nghiên cứu và Khảo sát thị trường vàng Bảo Tín Minh Châu cho hay, tính đến thời điểm 15h ngày 5.9, giá vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới tới 2,8 triệu đồng mỗi lượng.

Đây được cho là mức chênh lệch bất thường và rất khó hiểu nếu so với mức chênh phổ biến 1,8 triệu đồng mỗi lượng phổ biến suốt thời gian qua. Và càng bất thường hơn khi gấp tới 6 lần mức hợp lý 400 ngàn đồng/lượng giữa trong nước và thế giới đã từng được đưa ra.

Nhìn vào mức chênh lệch giá vàng giữa hai thị trường, giới kinh doanh trong ngành từng đưa ý kiến, giá vàng trong nước sau khi cộng thêm các chi phí vận chuyển, bảo hiểm, thuế nhập khẩu và gia công chỉ nên chênh lệch với giá vàng thế giới trong khoảng 1%. Mức chênh lên tới trên 2,5 triệu đồng như trong thời gian mấy ngày qua là một diễn biến đầy rủi ro. Và chính giới đầu tư cũng từng bày tỏ lo ngại có yếu tố đầu cơ, thao túng của một số DN và tổ chức kinh doanh vàng trong việc đẩy chênh lệch giá lên quá cao.

Trong một diễn biến khác, ngân hàng đã tăng mạnh lãi suất huy động vàng. Mới nhất, ACB đã tăng mạnh lãi suất huy động vàng bằng chứng chỉ.

Cụ thể, so với biểu lãi suất áp dụng ngày 29/8 vừa qua, lãi suất chứng chỉ huy động vàng - kèm quyền chọn đã tăng mạnh từ 0,8%/năm lên 1,4%/năm. Tương tự, ở sản phẩm chứng chỉ huy động vàng thông thường, lãi suất cũng đã tăng mạnh từ 0,8%/năm trước đó lên 1,4%/năm. ACB áp dụng trở lại chính sách thưởng 0,2%/năm cho các khoản từ 10 lượng trở lên. Theo đó, mức lãi suất cao nhất mà khách hàng có thể nhận được là 1,6%/năm.

Trên thi trường ngoại hối, Vietcombank đã tăng giá USD tại lên 20.840 – 20.910 đồng (mua vào – bán ra). Tăng khoảng 30 đồng.. Các nhà băng khác như BIDV, Eximbank và Vietinbank vẫn chưa có điều chỉnh tỷ giá, hiện niêm yết đồng loạt tại 20.820 – 20.880 đồng.

PV