Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá, tăng trưởng kinh tế đã tiến triển khá, năm 2013 có thể khỏi sắc hơn nhưng kèm theo, lạm phát sẽ tăng mạnh vào cuối năm. Nếu không kiểm soát tốt, xu hướng này sẽ tác động tiêu cực đến lạm phát năm 2013.

Lạm phát cả năm 6%

Sau 2 tháng liên tục âm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng nhẹ trở lại (0,63%). Báo cáo tới Chính phủ về tình hình kinh tế 8 tháng đầu năm, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cảnh báo, đây có thể là một xu hướng kéo dài trong quý IV năm nay.

Lý do là bởi, với đặc tính thời vụ, lạm phát sẽ thường tăng mạnh hơn vào cuối năm, thời điểm có mùa khai trường, giáp Tết nên nhu cầu hàng hóa cao. Do hiệu ứng của chính sách tài khóa và tiền tệ, tổng cầu những tháng cuối năm nay cũng sẽ gia tăng nên kéo theo, kích thích lạm phát. Một số yếu tố chi phí đẩy sẽ bắt đầu "phát tác" lên mặt bằng giá chung như việc liên tiếp tăng giá xăng dầu vừa qua sẽ ngấm vào giá cả hàng hóa.

Cơ quan này tính toán, nếu lạm phát bình quân trong 4 tháng cuối năm vượt 1% thì lạm phát 4 tháng cuối năm tính bình quân theo năm sẽ là 2 con số. Tình hình này sẽ gây tác động tiêu cực cho ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2013. Nhất là khi xu hướng trên sẽ cộng hưởng với yếu tố thời vụ tăng giá thường thấy vào đầu năm, rơi vào tháng 1 và tháng 2/2013.


Bởi vậy, CPI từ nay cho đến cuối năm cần được duy trì ở mức tăng 0,5-0,8%/ tháng, như vậy lạm phát cả năm sẽ vào khoảng 6%.

Tuy nhiên, nếu những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013, lạm phát không được kiểm soát trong phạm vi mục tiêu sẽ gây tác động tâm lý và gây hiệu ứng lạm phát kỳ vọng. Ngoài ra, phải kể đến hàng loạt những nhân tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lạm phát của Việt Nam trong năm 2013 như nhu cầu điều chỉnh giá một số mặt hàng cơ bản như điện, nước, điều chỉnh lương cơ bản, giá dầu lửa trên thế giới có thể có những biến động do rủi ro an ninh - chính trị ở một số khu vực nhạy cảm trên thế giới nên gây tác động đến giá xăng, dầu ở Việt Nam...

Với tất cả các tiên lượng trên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, lạm phát mục tiêu năm 2013 của Việt Nam cũng chỉ nên giới hạn ở mức 6%.

Tăng trưởng kinh tế năm 2013 sẽ khởi sắc hơn


Loại trừ nỗi lo lạm phát như trên, các nhận định mới của cơ quan này về tăng trưởng kinh tế khá lạc quan.

Theo Ủy ban, đo lường sự chuyển biến tích cực trong 8 tháng qua có thể kể đến như tốc độ tăng quý sau cao hơn quý trước, riêng tăng trưởng quý III tăng khá mạnh, Ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, quý I GDP tăng 4%, quý II tăng 4,66%, quý III ước tăng khoảng 5,5-5,6%.

Sự hồi phục này có được là nhờ vào những khởi sắc khả quan trong sản xuất kinh doanh. Chỉ số hàng tồn kho tuy còn khá cao so với cùng kỳ nhưng đã giảm nhanh kể từ tháng 3 tới nay .

Cùng đó, tỷ giá vẫn ổn định, lãi suất giảm khá mạnh so với đầu năm, tín dụng đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại. Sau 7 tháng tăng trưởng âm, tăng trưởng tín dụng tháng 8 đã tăng khoảng 1,4% so với đầu năm.

Từ các phân tích trên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP quý III và quý IV năm nay sẽ cao hơn đáng kể so với 2 quý đầu năm và GDP cả năm vẫn có thể đạt mục tiêu 5,3-5,6%.

Năm 2013, dự báo tín dụng của nền kinh tế sẽ được cải thiện đáng kể so với năm 2012 trên cả 2 phương diện cung và cầu. Nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế năm tới cũng sẽ khởi sắc năm nay. Tuy nhiên, do còn không ít thách thức ở cả trong và ngoài nước.

Ủy ban đề xuất xây dựng kế hoạch tăng trưởng kinh tế năm 2013 ở mức 5,5-6%.

Phạm Huyền