Quanh thông tin Chính phủ “sẽ chỉ duy trì từ 5-7 tập đoàn”, TS Nguyễn Quang A ghi nhận: “Có sự thay đổi căn bản về vai trò của tập đoàn. Đây là sự sửa lại những sai lầm đã mắc phải trong thời gian qua”.


Sau sự kiện các tập đoàn (TĐ) như Vinashin, Vinaline… làm ăn thua lỗ, tác động mạnh tới nền kinh tế, ông có cho rằng việc giảm bớt số lượng các TĐ là chìa khóa để tái cơ cấu thành công?

- Cái quan trọng nhất không phải có bao nhiêu TĐ mà quan trọng nhất là quan hệ của Nhà nước với các doanh nghiệp nhà nước như thế nào. Mối quan hệ này phải thật rạch ròi, không được dùng nó làm công cụ, không được ưu ái cho nó. Theo tôi, phải bắt các TĐ cạnh tranh thì lúc đó TĐ sẽ hoạt động hiệu quả hơn và có lợi hơn.

Nhiều ý kiến thậm chí cho rằng không nên có sự phân biệt TĐ nhà nước hay tư nhân. Ông có cho rằng cần phải làm triệt để như vậy mới khiến việc tái cơ cấu không trở nên hình thức?

- Tập đoàn là một khái niệm rất trừu tượng. Tất nhiên chỉ ở Việt Nam. Việc sính tên gọi TĐ như thời gian qua là quá lạm dụng… Vài công ty tư nhân nhỏ lẻ cũng gọi là công ty TNHH, rồi sau đó là TĐ A, B, C… nghe rất vô lý. Ai thích thì gọi, không thích thì thôi chứ không hiểu TĐ là như thế nào.

Những sai phạm tại Tập đoàn Vinashin đã để lại nhiều bài học quý giá.

Lâu nay có một thực tế lãnh đạo các bộ không thể “đụng” vào TĐ. Sắp tới với chủ trương “các TĐ còn lại sẽ chuyển về bộ chuyên ngành quản lý” thì theo ông có khắc phục được tình trạng “tự tung, tự tác”? Các bộ sẽ không chỉ quản lý hành chính mà được phép can thiệp vào hoạt động đầu tư của TĐ?

- Đây là một bước quay trở lại chế độ trước kia mình vẫn gọi là chế độ “bộ chủ quản”. Từ việc một thời chúng ta hăm hở xóa “bộ chủ quản” để thiết lập ra cơ chế “Thủ tướng chủ quản” đối với các TĐ, tổng công ty lớn, bây giờ chúng ta lại quay về cái cũ. Việc quay lại một bước như thế là một bước đỡ xấu hơn.

Vấn đề là quan hệ với Nhà nước như thế nào. Đã là doanh nghiệp thì phải hoạt động như doanh nghiệp. Không thể dùng quyền lực của Nhà nước để can thiệp một cách vô lối như vừa rồi.

Còn ai là chủ, Thủ tướng, Bộ hay ai đi nữa thì những cơ quan đại diện cho chủ sở hữu ấy họ cũng chỉ được làm theo tư cách ông chủ, dẫu đó là ông chủ của doanh nghiệp nhà nước, công ty TNHH một thành viên hay công ty cổ phần.

Chỉ được can thiệp vào hoạt động kinh tế, không được ưu ái mà phải buộc nó hoạt động như một doanh nghiệp tư nhân. Bắt nó cạnh tranh, buộc nó chịu sự ràng buộc ngân sách cứng. Làm sao để Nhà nước không cần trực tiếp kinh doanh như vậy.

Xin cảm ơn ông!

(Theo Dân Việt)