Sẽ ồ ạt lập công ty chứng khoán 100% vốn ngoại?
Chứng khoán lạnh nhạt với T+3
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), việc tái cấu trúc khối công ty chứng khoán (CTCK) theo hướng giảm số lượng công ty là một trong nội dung chủ yếu của Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và đang là đòi hỏi cấp bách hiện nay.
Chứng khoán lạnh nhạt với T+3
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), việc tái cấu trúc khối công ty chứng khoán (CTCK) theo hướng giảm số lượng công ty là một trong nội dung chủ yếu của Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và đang là đòi hỏi cấp bách hiện nay.
Tuy nhiên, việc tái cấu trúc dường như đang diễn ra chậm hơn nhiều so với dự kiến bởi rất nhiều CTCK ở trong tình cảnh bi đát khó chối cãi vẫn tìm mọi cách để che giấu những khó khăn của mình. Trong khi đó, các cơ quan chức năng có lẽ chưa có đủ biện pháp để ngăn chặn tình trạng này.
Tốc độ quá chậm
Cuối tháng 8 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán ban hành quyết định số 677/QĐ-UBCK đặt Công ty Cổ phần Chứng khoán Sacombank (mã SBS) vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Theo đó, SBS bị kiểm soát đặc biệt từ ngày 29/8/2012 đến ngày 28/2/2013.
Việc SBS bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt có lẽ không khiến một nhà đầu tư nào giật mình bởi những con số và sự kiện về SBS gần đây quá nhiều và đa số là tiêu cực.
Sự việc nổi bật gần nhất là hôm 10/8, SBS bị cơ quan an ninh điều tra khởi tố vụ án hình sự "Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che dấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, thao túng giá chứng khoán" xảy ra tại công ty.
Trước đó, CTCK này liên tục đưa ra những con số về tình hình hoạt động kinh doanh bi đát đến mức ái ngại như: tổng nợ phải trả là 1.736 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu âm 256 tỷ đồng; lợi nhuận chưa phân phối âm 1.772 tỷ đồng.
(ảnh minh họa) |
Theo SBS, tổng lỗ lũy kế đến thời điểm 30/6/2012 là 1.772 tỷ đồng, phát sinh chủ yếu do việc trích lập dự phòng bổ sung cho danh mục đầu tư và khoản phải thu trong các năm 2010 và 2011.
Điều mà nhiều nhà đầu tư thực sự giật mình có lẽ lại là ở chỗ đã qua giờ G, thời điểm các CTCK phải công bố báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng tháng 6/2012 được soát xét và là thời điểm được cho là "đòn quyết định" trong quá trình tái cấu trúc các CTCK nhưng số lượng CTCK bị đưa vào tầm ngắm vẫn gần như không thay đổi.
SBS là trường hợp hiếm hoi bị đưa vào dạng kiểm soát đặc biệt sau 7 CTCK đã công bố từ trước đó khá lâu (bao gồm: Hà Nội, Cao su, Mê Kông, Đà Nẵng, Trường Sơn, Công nghiệp và Thương mại Việt Nam và Vina).
Nếu tính trường hợp CTCK Mê Kông tuyên bố thoát khỏi tình trạng này do có sự cải thiện về tỷ lệ an toàn vốn khả dụng thì số CTCK ở dạng kiểm soát đặc biệt vẫn giữ nguyên ở 7 - một con số khá khiêm tốn so với tình trạng thực tại của các CTCK tại Việt Nam.
Mò mẫm, sửa đổi cho đến bao giờ?
Trong các phát biểu và dự báo gần đây, nhiều đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và chuyên gia cho rằng, số lượng CTCK hiện nay quá nhiều so với quy mô TTCK cả hiện tại và tương lai. Con số có thể phải giảm đi 30%, 50%, thậm chí 70-90%.
Với 105 CTCK được cấp phép hoạt động, thời gian vừa qua đã cho thấy 1 thực tế là có quá nhiều CTCK hoạt động không hiệu quả, hoạt động kiểu chộp giật khi TTCK nóng và co lại, nhiều khi như đã chết khi mà chứng khoán ảm đạm.
Rủi ro đối với một loạt các CTCK là quá lớn. Và chính những CTCK gây nên rủi ro cho toàn hệ thống, nhiều khi nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý và có thể gây sụp đổ cho toàn thị trường.
Đây là một thực tế mà các cơ quan quản lý đã nhận thức khá rõ và ngay từ đầu năm 2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã phải ban hành một đề án riêng, chỉ đạo việc tái cấu trúc khối CTCK, với mục tiêu chính là giảm số lượng CTCK, tăng tiềm lực tài chính, năng lực hoạt động cho các thành viên.
Nhiệm vụ trọng tâm cũng đã được xác định rõ là tái cấu trúc CTCK gắn liền với đảm bảo quản trị rủi ro, xử lý tốt mối quan hệ giữa các CTCK, ngân hàng và tổ chức bảo hiểm.
Tuy nhiên, việc thực thi những nhiệm vụ như trên không hề dễ dàng.
Hiện tại, căn cứ pháp lý để giám sát, quản lý sức khỏe tài chính của khối CTCK là Thông tư 226/TT-BTC, do Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực chính thức từ ngày 1/4/2012. Theo đó, một quy định rất quan trọng là các CTCK phải công bố tỷ lệ vốn khả dụng ra công chúng ngay trong báo cáo 6 tháng đầu năm.
Thực tế cho thấy, trong các báo cáo trong mùa soát xét vừa qua, đại đa số các CTCK từ lớn đến nhỏ, từ khỏe đến yếu đều công bố tỷ lệ vốn khả dụng ở mức an toàn, kể cả những CTCK đã bị đưa vào diện kiểm soát trước đó.
Trường hợp hiếm hoi là CTCK Cao su tự khai báo về tình hình tài chính yếu kém của mình với vốn khả dụng xuống mức -18%.
Rõ ràng, tại thời điểm hiện tại, các quy định nói trên dường như đã không mấy phát huy tác dụng, đúng như các chuyên gia đã từng cảnh báo từ trước khi Thông tư 226 được ban hành. Đó là việc các CTCK tự báo cáo thì rất dễ dẫn tới tình trạng xào nấu, và che giấu số liệu thật. Thậm chí, như thực tế, có nhiều CTCK đã rơi vào dạng bị kiểm soát trước đó "quên" báo cáo trong kỳ vừa qua và chấp nhận bị phạt (100 triệu đồng) để được tiếp tục tồn tại cùng TTCK.
Thực tế này đã được cảnh báo từ trước đó rất nhiều. Tuy nhiên, việc tồn tại nhưng khe hở như vậy dường như là khó tránh khỏi trong quá trình làm luật.
Để tránh tình trạng làm đẹp các bản tự báo cáo của một số CTCK, UBCKNN dự kiến sẽ bổ sung, sửa đổi một số điều trong Thông tư 226 nhằm giám sát chặt chẽ hơn và có chế tài mạnh hơn với những trường hợp xào nấu các con số báo cáo.
Theo dự thảo mới nhất Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 226, UBCKNN sẽ có vai trò lớn hơn trong việc xem xét, đặt các CTCK vào tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, thậm chí có quyền đình chỉ nghiệp vụ kinh doanh của CTCK khi có ảnh hưởng đến an toàn tài sản của nhà đầu tư. Hơn thế, dự thảo mới chỉ cho phép CTCK có thời gian 3 tháng để khắc phục tình trạng bị kiểm soát đặc biệt, thay vì quy định 6 tháng như tại Thông tư 226.
Dự thảo nói trên đang được lấy ý kiến rộng rãi các thành viên thị trường, trước khi trình Bộ Tài chính xem xét, ban hành.
Tuy nhiên, điều mà nhiều nhà đầu tư lo ngại hiện nay là việc UBCKNN có vai trò xem xét, đặt các CTCK vào tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt... sẽ được thực hiện như thế nào? Việc phân loại, thanh lọc CTCK sẽ dựa trên các quy định rõ ràng, minh bạch, công bằng và xử lý nghiêm minh hơn, hay là vẫn dựa trên các quy định như cũ với vai trò tăng thêm cho đội ngũ thanh tra UBCKNN?.
Mạnh Hà