- Bí thư Thành uỷ Nguyễn Bá Thanh đưa ra "tối hậu thư": từ nay đến cuối năm, nếu ngân hàng nào trên địa bàn TP không hạ lãi suất theo quy định, ông sẽ công khai tên để người dân biết.
Đầu quý IV lãi suất có cơ hội xuống 8%/năm
Ế tín dụng vẫn tăng lãi suất huy động
Lãi suất cho vay khó giảm sâu hơn?
Một cuộc đối thoại thẳng thắn diễn ra vào hôm qua (7/9) giữa doanh nghiệp và các ngân hàng do UBND TP. Đà Nẵng tổ chức nhằm tháo gỡ những bất cập trong việc DN khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Đỉnh điểm của đối thoại này là các doanh nghiệp đã "tố" ngân hàng luôn "tạo điều kiện khó khăn" cho doanh nghiệp khi vay vốn... Tham gia buổi đối thoại có Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến cùng lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP. Đà Nẵng.
Tại buổi gặp gỡ, Giám đốc Sở KH-ĐT TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đưa ra những con số "biết nói" để chứng minh.
Ông Thơ cho biết, hầu hết các DN ở Đà Nẵng đều phản ánh không thể tiếp cận nguồn vốn vay của các ngân hàng, không chỉ nguồn vốn vay ưu đãi mà ngay cả vốn vay thương mại cũng hết sức khó khăn. Điều nghịch lý, theo ông Thơ, là các ngân hàng khẳng định là thừa tiền và sẵn sàng đáp ứng cho doanh nghiệp vay nguồn vốn theo yêu cầu.
Tiến hành kiểm tra cụ thể cho thấy, một thực tế tại Đà Nẵng là hầu hết các ngân hàng đều phớt lờ ý kiến chỉ đạo của NHNN về việc giảm lãi suất cho vay. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp điêu đứng và lâm vào cảnh khó khăn.
Các doanh nghiệp đang "tố" ngân hàng "tạo điều kiện khó khăn". |
Ông Thơ dẫn chứng số liệu thống kê đến cuối tháng 7 vừa qua, trên địa bàn Đà Nẵng chỉ có 430 khách hàng được các ngân hàng giảm lãi vốn vay, tương đương số tiền hơn 6 tỷ đồng.
Hiện mới chỉ có 17/40 chi nhánh ngân hàng và tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn TP. Đà Nẵng thực hiện đưa lãi vay ngắn hạn xuống mức bình quân 15%/năm. Trong khi đó, chỉ có 11/40 đơn vị ngân hàng thực hiện theo yêu cầu. Toàn bộ số khách hàng còn lại hiện đang phải chấp nhận mức lãi suất ngắn hạn tới 21,13%/năm. Như vậy, doanh nghiệp kêu than là hoàn toàn đúng - ông Thơ khẳng định.
Lý do mà các ngân hàng trên địa bàn Đà Nẵng đưa ra: do thủ tục hành chính như chưa nắm rõ văn bản hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước!? Hay các nguyên nhân đổ cho khách quan, như khách hàng chưa hội đủ yếu tố cần thiết theo quy định; không có tài sản bổ sung và không có tài sản thế chấp... Do vậy, đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp vay vốn vẫn đang phải è cổ để vay nợ trả lãi cao.
Nhiều ngân hàng còn đặt ra các khoản phí như "phí chuyển tiền đi sớm" từ 0,02 - 0,0 %/tổng số tiền giao dịch. Lại có chuyện doanh nghiệp thanh toán lãi và gốc trước hạn thanh toán, nhưng vẫn bị ngân hoàng xử phạt vì tội "trả trước hạn"...
Bà Trần Thị Hường, chủ doanh nghiệp sản xuất nước rửa chén đóng chai, "tố" rằng, công ty của bà cần vay 5 tỷ, khi mang hồ sơ lên ngân hàng để làm thủ tục, bà đem thế chấp nhà xưởng thì bị ngân hàng chê là đất nông thôn nên không chấp nhận.
Bí thư thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cho biết sẽ bảo lãnh cho các DN được vay vốn. |
Tại buổi đối thoại, đại diện một số chi nhánh ngân hàng thanh minh, nói rằng vấn đề tồn tại là cơ chế và thủ tục còn phức tạp. Và không phải cứ yêu cầu giảm lãi suất là doanh nghiệp có thể tiếp cận được ngay nguồn vốn giá rẻ. Bởi phải còn nhiều quy định khác, mà doanh nghiệp không thể đáp ứng được vì phần lớn doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp.
Để giải bài toán giữa ngân hàng và doanh nghiệp, cần phải có quỹ bảo lãnh tín dụng để DN có thể tiếp cận được vốn vay có lãi suất thấp - đại diện các ngân hàng đề xuất.
Sau cuộc tranh luận giữa doanh nghiệp và ngân hàng, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Bá Thanh cho hay, để giải bài toán này, TP. Đà Nẵng sẽ đứng ra bảo lãnh để DN vay vốn ngân hàng. Đay là những tồn tại cần tháo gỡ, bởi từ lâu giữa doanh nghiệp, ngân hàng và lãnh đạo TP chưa phối hợp đồng bộ.
Tuy nhiên, ông Thanh đưa ra "tối hậu thư" rằng: từ nay đến cuối năm, nếu ngân hàng nào trên địa bàn TP không hạ lãi suất theo quy định, ông lệnh cho UBND TP và các ngành chức năng liên quan rà soát báo cáo cụ thể.
"Nếu các ngân hàng không hạ lãi suất theo quy định và tiếp tục hành người đi vay, tôi sẽ công khai tên, tuổi từng ngân hàng giữa cuộc họp HĐND để cho toàn dân biết. Đến lúc đó, người dân sẽ hiểu và chắc chắn họ sẽ không đem tiền đến gửi và giao dịch với ngân hàng nữa, để xem các nhà băng sống thế nào. Ngân hàng phải hiểu và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, doanh nghiệp sống, ngân hàng sống, còn ngược lại khi DN chết thì ngân hàng cũng sập tiệm chết theo... " - ông Thanh nói.
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng thông báo, thời gian tới, UBND TP sẽ giành khoản kinh phí từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng để bảo lãnh vay cho các doanh nghiệp. Các DN có nhu cầu vay liên hệ với Sở KH-ĐT tập hợp danh sách và số tiền vay để sản xuất trình lãnh đạo TP phê duyệt sẽ được vay ngay nguồn vốn lãi suất thấp theo quy định.
Vũ Trung