Ông bà chủ của cửa hàng sách tư nhân nổi tiếng nhất Hà Nội - người khởi sự cho nghề kinh doanh sách ở phố sách Đinh Lễ.
Có thể có, có thể không trở thành triệu phú từ bán sách, nhưng những người đi lên từ bán sách rong như vợ chồng người cán bộ hưu trí này thật đáng trân trọng. Họ chính là những người đầu tiên và tiếp tục “giữ lửa” cho văn hóa đọc của người Việt ở con phố này.
Từ nôi sách đến vỉa hè: Vừa bán vừa chạy
La liệt sách và tấp nập người mê sách, Phố Đinh Lễ ngày nay có thể được người Hà Nội gọi vui với cái tên Phố “Hàng Sách”. Ở đây, từ cửa hàng trong ngõ đến nhà sách mặt đường, sách tràn nhà, tràn ngõ, tràn phố.
Trong giới làm sách và những người mê sách ở Hà Nội thì không mấy ai không biết tiếng ông bà Lê Luy – Phạm Thị Mão và thế giới sách trong ngõ hẻm của họ.
Năm 1990, bà Mão là cán bộ Tổng Công ty phát hành sách Trung ương nghỉ hưu không lương, đồng lương hưu ít ỏi của ông Luy (giáo viên trong ngành Công an) không đủ nuôi cả gia đình. Hai ông bà quyết định kinh doanh sách kiếm thêm thu nhập.
Ông bà bắt đầu với một chiếc nôi nhỏ bày sách ở chân tháp Hòa Phong bên hồ Hoàn Kiếm, rồi chuyển sang vỉa hè cạnh Bưu điện (chỗ ngã ba Đinh Tiên Hoàng – Đinh Lễ) làm “hiệu sách”.
Bà Phạm Thị Mão - chủ nhân cửa hàng sách Mão nổi tiếng - tầng 2, số 5 phố Đinh Lễ, Hà Nội. |
Nói là “hiệu sách” cho oai, kỳ thực khi đó hai ông bà chỉ chuẩn bị một chiếc “bàn sách bé tí” để bày cỡ hơn chục cuốn sách bán chạy nhất.
“Cũng may, hồi đó anh em cảnh sát biết tôi nên ưu tiên cho ngồi ghé sát tường Bưu điện Bờ hồ”, ông Luy kể. Vốn ít nên bán hết đến đâu, bà Mão lại đạp xe đi mua đến đó. Đây cũng chính là nơi phát tích của phố sách Đinh Lễ ngày nay.
Một "góc nhỏ" của thế giới sách trong ngõ hẻm của ông bà Luy - Mão |
Kinh nghiệm mười mấy năm làm cán bộ Tổng công ty phát hành sách giúp bà thẩm định sách, giữ quan hệ với các nhà xuất bản và nhạy bén với thị trường sách ở Hà Nội. Bà kể, ngày ấy bán ít sách nhưng bán nhanh, khách đến mua “đắt như tôm tươi”, có khi cả ngày chạy đi chạy lại như con thoi để kịp sách cho khách.
Dịp cuối năm, ông bà cũng treo cuốn lịch lên lấy may, vậy mà treo cuốn nào hết cuốn ấy, dù cho giá cao hơn chỗ mua chỉ cách đó… mấy bước chân. Bà kể, về sau, mùa lịch cuối năm (từ tháng 10-12) cũng là mùa làm ăn bội thu nhất năm của cửa hàng.
Lên phố
Phố Đinh Lễ tọa lạc ở vị trí đẹp bên hồ Hoàn Kiếm, nối giữa phố Đinh Tiên Hoàng sang phố Ngô Quyền, từ Đinh Lễ sách “lan tỏa” sang cả Nguyễn Xí và Tràng Tiền.
Phố sách Đinh Lễ tấp nập người mua |
Nhà sách Mão nằm khiêm tốn trên gác 2 của khu tập thế Đại học Y cũ (số 5 Đinh Lễ), 5 gian sách với diện tích 200m2 thực sự là thánh địa sách với những người mê sách suốt hơn 20 năm qua.
Ông bà tìm được căn gác này sau 3 năm bán sách ở vỉa hè khi có vị giáo sư đại học muốn bán một phòng tập thể rộng 18 m2 trên gác 2 ở số 5 Đinh Lễ. Sau khi mua lại, bà chuyến sách về đây bán, ông vẫn bán ở vỉa hè để giới thiệu khách vào cửa hàng trong ngõ của bà.
Khi khách đã quen “vào ngõ”, tiếng lành đồn xa, cửa hàng sách của ông bà đông như trẩy hội ở con phố khá vắng vẻ xưa nay. Thời điểm giữa những năm 90 trở đi, mỗi năm ông bà lại mua thêm một gian nhà cho đến khi cả 5 gian hiện nay được mua hết.
Thấy ông bà làm ăn được, đám nhân viên ban ngày bán sách cho ông bà, tối lại trải chiếu xuống vỉa hè Đinh Lễ bán sách. Nhiều người khác thấy vậy cũng mang chiếu sách về đây ngày càng đông, biến Đinh Lễ trở thành “phố sách đêm” nhộn nhịp nhất Hà Nội.
Khoảng những năm 2000-2001, thành phố mở chiến dịch dẹp “phố sách đêm” vỉa hè. Không được bán sách ở vỉa hè, người kinh doanh thuê cửa hàng để bán. Phố sách Đinh Lễ ra đời từ đó.
Nhà sách Mão với 5 gian sách đủ thể loại trên gác 2 - Tập thể Đại học Y |
Từ căn gác nhỏ của ông bà Mão, phố Đinh Lễ nay đã trở thành phố “Hàng Sách” của thủ đô. Người ta ví von ông bà chủ hiệu sách tư nhân nổi tiếng nhất Hà Nội này chính là “Thành hoàng” khởi sự cho nghề bán sách nơi đây.
Đi vay nặng lãi lại thu lãi “vàng”
Khá nhanh nhạy với thời cuộc, thấy sách là nguồn tri thức vô tận lại thu được lợi nhuận cao, ông bà Mão dành hết tâm huyết để làm sách. Nghe thấy ở đâu có sách hay, sách quý, dù ở trong Nam ngoài Bắc hay ở nước ngoài, ông bà cũng đều tìm bằng được mang về.
Không chỉ bán sách, ông bà còn nhờ các học giả, nhà dịch thuật hợp tác nghiên cứu, tham khảo những cuốn sách hay, có giá trị, ông bà bắt tay làm luôn, bất kể lỗ lãi. Mùa Lễ Tết, họ “ôm” cả lịch về bán. Làm sách, ôm lịch không xuể với đồng vốn eo hẹp, ông bà phải tìm đến vay năng lãi.
Chuyện vay mượn của ông bà Mão cũng khá thú vị. Ông Luy kể, trước Tết khoảng 3 – 4 tháng là mùa Lịch, ông bà vay vàng để có tiền vốn và trả khi đã thu được doanh số vào cuối năm.
Sau một mùa lịch, ông bà vô tình nhận ra quy luật, “giá vàng khi vay (đem bán) cao hơn giá vàng khi trả (mua lại)” nên phần dôi ra do chênh lệch giá vàng 3 – 4 tháng trước ông bà được hưởng. Vậy là, không chỉ lãi nhờ sách, ông bà còn lãi nhờ vàng. Các năm sau, thậm chí có người ở cửa hàng vàng còn hỏi ông bà bí quyết “kinh doanh vàng” lạ lùng đó...
(Theo TTVN)