Dù đã biết vi phạm pháp luật nhưng nhiều tân cử nhân vẫn ngang nhiên đi mua chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để bổ sung cho bộ hồ sơ xin việc của mình.
Chỉ cần lên mạng tìm kiếm thông tin và với số tiền 300.000 đồng, nhiều sinh viên năm cuối đã "tậu" được cho mình chứng chỉ ngoại ngữ hay tin học loại giỏi mà không cần học hay thi tuyển…Đây là một thực trạng đáng để ngành giáo dục quan tâm phải bận tâm.
Mua bằng để.. làm đẹp hồ sơ?
Theo chân Vũ Việt Hà, sinh viên năm cuối Đại học Thương mại đến "trung tâm" Ngoại ngữ tin học trên đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội để… mua bằng tin học, tôi mới thấy kiểu mua bán chứng chỉ này cũng nhộn nhịp không kém các "chợ" khác.
Việt Hà bảo, cậu tìm được địa chỉ "làm bằng" này do bạn bè mách nước. Gọi là trung tâm chứ thực tế đó là một cái phòng khoảng 35m2 nằm trong ngõ sâu gần bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Trong phòng chỉ có một cái bàn, một cái ghế, cặp tài liệu và một người phụ nữ tên Lê ghi chép thông tin và thu tiền người đến làm chứng chỉ.
Chị Lê đon đả: "Các em đến đây làm bằng Ngoại ngữ là đúng rồi, bọn chị làm việc có uy tín lắm, chỉ 2 ngày là có thôi!".
Việt Hà rỉ tai tôi: "Sinh viên năm cuối thường đi làm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học như thế này cho nhanh chị a. Chúng em mua chứng chỉ về để làm đẹp hồ sơ xin việc là chính. Mua thế này tiện hơn là học, chỉ cần 300.000 đồng là có bằng chứng chỉ loại khá rồi".
Chứng chỉ tin học giả |
Theo quan sát của PV, các "trung tâm" "bán" chứng chỉ ngoại ngữ hay tin học thường thuê một phòng nhỏ, trong ngõ sâu để họat động, tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Hầu hết các giao dịch "mua - bán" chứng chỉ đều diễn ra trên điện thoại và trên mạng nên diện tích mặt bằng không quá quan trọng.
Địạ chỉ cụ thể để người "mua" bằng chỉ đến "trung tâm" để nộp tiền và ghi các thông tin cần thiết nhằm điền vào chứng chỉ như: Tên tuổi, quê quán, năm sinh…. Bình thường, học 1 chứng chỉ ngoại ngữ loại A, mất 3 tháng học, chưa kể thi; chứng chỉ tin học A mất 1 tháng học, chưa kể thi. Thế mà, đến "trung tâm" "mua", chỉ lâu nhất 1 tuần là có chứng chỉ.
Giá để làm chứng chỉ là theo loại bằng: Bằng loại A (Trung bình) là 200.000 đồng; bằng B (khá) là 300.000 đồng; bằng C (Giỏi) là 400.000 đồng. Thậm chí "trung tâm" này còn có "khả năng" "bán" chứng chỉ do Bộ Giáo dục & Đào tạo cấp với giá cả phải chăng là… 500.000 đồng.
Khi chúng tôi thắc mắc về giá trị của chứng chỉ, chị Lê cam đoan: "Thật 100%, dấu má rõ ràng, giả làm sao được. Nếu em đi nộp mà họ bảo giả thì cứ mang trở lại đây chị hoàn tiền cho. Chị "bán" mỗi ngày tới cả chục bộ mà chưa bao giờ có ai quay lại bảo hàng giả cả.
Tôi ngỏ ý muốn làm chứng chỉ tiếng Pháp giúp một người bạn ở quê cũng trong tình trạng gần như mù thứ tiếng này, để đi xin việc ở Khu công nghiệp, chị Lê nhanh nhẩu,: "Em cứ đóng tiền, rồi mang ảnh và chứng minh photo đến đây cho chị là xong. Giá thì vẫn thế, không thay đổi gì".
Khi chúng tôi chuẩn bị ra về, có hai tốp sinh viên đến "trung tâm" này "làm" chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Như Hoa (Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết): "Là sinh viên năm cuối, lại chuẩn bị hồ sơ xin việc nên em đến đây "làm" bằng tiếng Anh. Ở trường, chúng em có được học tiếng Anh nhưng đó là chương trình nằm trong các tín chỉ bắt buộc phải học, chứ không được cấp chứng chỉ nên em vẫn cần có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học riêng.
Đây cũng là giải pháp tình thế thôi, chứ có thời gian, em vẫn đi học 'thật" ở trung tâm ngoại ngữ, lỡ sau này, được đi làm, làm việc với người nước ngoài mà không nói được ngoại ngữ thì tệ lắm chị ạ".
Chứng chỉ mâu thuẫn với trình độ
Không phải mất thời gian học và thi, chỉ cần bỏ một số tiền nhỏ là có thể "sở hữu" trong tay chứng chỉ tin học, ngoại ngữ là việc nhiều sinh viên năm cuối đang làm. Cái trào lưu này, nó dường như là một "cái mốt" của những sinh viên lười học nhưng vẫn muốn "sở hữu" những chứng chỉ "đẹp" để đi xin việc.
Dạo qua một số trang rao vặt như muare.vn, muaban.com.vn, chodientu.vn... chúng tôi gặp nhiều lời rao "bán" các loại chứng chỉ "làm đẹp" hồ sơ. Với lời rao nhận "làm" tất cả các loại chứng chỉ từ tin học, tiếng Anh, TOEIC, tiếng Trung... kèm theo là số điện thoại để những người có "nhu cầu" liên lạc.
Gọi điện đến số điện thoại 0915.094.70x, tôi được nghe lời mời chào: "Bạn chỉ cần đăng ký, nộp tiền, ảnh, chứng minh photo cho mình, một, hai hôm sau là có thể lấy chứng chỉ luôn, không phải thi cử, mà chứng chỉ "xịn" luôn".
Người "bán" hàng này còn nhấn mạnh: "Dùng chứng chỉ của chúng tôi, đảm bảo là khi đi xin việc, chủ sử dụng lao động chắc chắn thích luôn. Vì là chứng chỉ do Bộ cấp chứ còn mấy cái chứng chỉ của "trung tâm" khác, giờ thì ai chẳng có".
Thầy Bùi Đức Hiền - Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Điện lực cho biết: " Tôi cũng có biết thông tin về một số sinh viên năm cuối đi mua chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, nhưng đấy chỉ là một bộ phận nhỏ những sinh viên lười học, lười tư duy. Hầu hết các em sinh viên có ý thức học đều muốn trau dồi kiến thức ngoại ngữ, tin học để sau nay ra trường xin làm ở công ty, doanh nghiệp hay cơ quan Nhà nước sẽ có những kỹ năng "sống" tốt để tự tin làm việc".
Anh Trần Ngọc Long, Giám đốc Công ty Truyền Thông VMS cho biết: "Nhiều trường hợp ứng cử viên dự tuyển có trình độ ngoại ngữ rất kém, thậm chí giao tiếp cơ bản họ cũng không nói được, song hồ sơ lại có đủ chứng chỉ trình độ B, C. Với những trường hợp này, khả năng bị loại là rất cao, do không đáp ứng được yêu cầu cũng như không trung thực trong hồ sơ. Vì thế, tôi nghĩ các bạn trẻ nên tự trau dồi kỹ năng ngoại ngữ để có thể có được công việc như mong muốn".
Người dự tuyển, mua bán chứng chỉ là lừa dối các cơ quan tuyển dụng. Có thể, một số người "mua" chứng chỉ "may mắn" vượt qua vòng loại hồ sơ để làm việc. Nhưng trong quá trình dài làm việc, kiểu gì cũng "lộ" những thiếu sót và kỹ năng.
Vì thế, các bạn trẻ nên trang bị cho mình những kỹ năng và kiến thức thật tốt, để tự tin dùng cái thật của mình, loại bỏ dần những cái giả đang tràn lan trong môi trường sống. Có một điều các cựu sinh viên chưa nghĩ thấu đáo, "mua" chứng chỉ còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Luật sư Nguyễn Thủy Nguyên (Đoàn LS Hà Nội) cho biết: "Theo Bộ luật Hình sự, những người làm ra, mua, bán bằng cấp, chứng chỉ giả đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh: "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" theo Điều 267 - Bộ luật Hình sự.
Như vậy, không chỉ người làm giả bằng cấp, chứng chỉ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà cả người mua, người sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả cũng bị xử lý hình sự.
(Theo Người đưa tin)