Doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đồng loạt kêu oan sau khi bị hải quan công
bố những dấu hiệu gian lận nhằm trục lợi tiền thuế trong tạm nhập tái xuất. Thậm
chí, có doanh nghiệp còn khẳng định lỗ nặng hơn khi chuyển tiêu thụ nội địa. Tuy
nhiên, dù kêu lỗ nhưng các DN vẫn ham làm. Thậm chí trước đây, DN kêu kinh doanh
xăng dầu trong nước lỗ còn lãi thì đến từ tạm nhập tái xuất.
Tạm nhập không tái xuất: Chiêu gian lận của DN xăng dầu
Tạm nhập không tái xuất: Xăng dầu 'ăn không' tiền thuế
Viện đủ lý do kêu ca, phản đối
“Nhiều người chưa hiểu rõ về chính sách thuế trong tạm nhập tái xuất xăng dầu
nên cho rằng, khi chuyển tiêu thụ nội địa tức là chúng tôi trục lợi thuế. Kỳ
thực, DN thậm chí còn thiệt khi phải chuyển tiêu thụ nội địa”, đại diện Saigon
Petro bức xúc nói
Theo phân tích của DN này, nếu như chuyển một lô hàng xăng dầu tạm nhập ở thời
điểm thuế thấp sang tiêu thụ nội địa ở thời điểm thuế cao để hưởng chênh lệch
thuế thì còn một vế sau cần lưu ý, lô xăng dầu đó vốn có giá nhập khẩu rất cao,
giá cơ sở cao thì nay sẽ phải bán theo giá của giai đoạn giá nhập khẩu thấp và
giá cơ sở thấp hơn. Chưa kể, DN chuyển tiêu thụ nội địa sau 30 ngày chắc chắn sẽ
bị phạt lớn về chậm nộp thuế.
Một so sánh đối với mặt hàng dầu diezen ở hai thời điểm thuế khác nhau đã được
DN này nêu ra.
Ngày 22/4, thuế nhập khẩu dầu diezen là 0% nhưng giá bình quân 30 ngày lại rất
cao, tới 133,11 USD/thùng. Khi đó, giá cơ sở dầu diezen ở mức 21.230 đồng/lít.
Nhờ được tăng giá, dầu diezen có giá bán lẻ 21.900 đồng/lít. Khi tiêu thụ nội
địa, DN được lãi 669,91 đồng.
Đến ngày 8/6, giá bình quân 30 ngày hạ thấp hơn chỉ còn 113,77 USD/thùng nhưng
thuế nhập khẩu dầu diezen đã tăng lên 6%. Tại thời điểm này, DN giảm giá bán lẻ
chỉ còn 20.500 đồng/lít và vẫn lãi hơn 1.031 đồng/lít so với giá cơ sở.
SaigonPetro đặt bài toán, nếu tạm nhập ở thời điểm thuế 0% rồi chuyển tiêu thụ
nội địa ở thời điểm thuế tăng 6%, người dân tưởng là DN ăn chênh lệch 6% thuế
nhập khẩu. Nhưng vấn đề quan trọng hơn quyết định tới lợi nhuận DN còn là giá
bán lẻ. Ở thời điểm thuế 6%, giá bán lẻ dầu diezen thấp, ở mức 20.500 đồng/lít
trong khi, lô hàng tạm nhập ở thời điểm thuế 0% có giá cơ sở tới 21.230
đồng/lít. Điều này có nghĩa, mỗi lít dầu chuyển tiêu thụ nội địa vào thời điểm
này đã bị lỗ tới thêm 730 đồng/lít.
Trong khi, nếu nhập và bán nội địa ngay thời điểm 8/6, DN dù chịu thuế 6% nhưng vẫn lãi tới hơn 1.000 đồng/lít.
So sánh giữa 2 thời kỳ, giá CIF của lô hàng có thuế 0% cao hơn giá CIF lô hàng thuế 6% 19,34 USD/thùng. Trong khi đó, thuế nhập khẩu là tính trên giá CIF, còn thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT sẽ được tính tiếp trên mức tổng giá CIF cộng với thuế nhập khẩu này.
Cũng theo phân tích của SaigonPetro, khi tái xuất, lô hàng cũng phải bán ngang bằng với giá thế giới đang giao dịch. Nếu như lô hàng mua tạm nhập có giá tới 133,11 USD/thùng rồi lại xuất khẩu đi với giá 113,77 USD/thùng, DN chịu lỗ tới 19,34 USD/thùng. Quy theo tỷ giá 20.900 đồng/lít khi đó, DN lỗ tới gần 405.000 đồng/thùng, tương ứng hơn 2.540 đồng/lít. Do đó, các đơn vị thà chuyển tiêu thụ nội địa, chịu lỗ trong nước sẽ nhẹ hơn.
Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: “Trong điều hành thị trường xăng dầu, thông thường, khi giá thế giới tăng cao, để hạn chế áp lực tăng giá bán lẻ trong nước, Nhà nước sẽ giảm thuế cho DN và có lúc, thuế về 0%. Ngược lại, khi giá thế giới xuống thấp, DN có lãi, Nhà nước sẽ tăng thuế để hồi phục nguồn thu và cũng có lúc, thuế nhập khẩu tăng kịch trần. Nguyên tắc này sẽ liên quan mật thiết đến những lợi ích thực sự của các DN xăng dầu giữa việc tạm nhập tái xuất và chuyển tiêu thụ nội địa”.
DN lách vì Hải quan quản chưa tốt?
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex quả quyết: “Theo thực tế kinh doanh của DN xăng dầu thì mức lãi nếu có sẽ không đáng kể”. Ông Bảo cho hay, trong quy định hiện hành, khi tạm nhập để tái xuất, Nhà nước cho phép DN được tính rủi ro 10% không tái xuất được thì chuyển tiêu thụ nội địa.10% lô hàng xăng dầu này sẽ được tiêu thụ mà chỉ phải nộp thuế như bình thường.
Nhưng nếu chuyển tiêu thụ nội địa quá 10% tổng lượng hàng tạm nhập tái xuất, DN sẽ phải chịu phạt rất nặng. Nhà nước chỉ cho phép trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ khi mở tờ khai hải quan, DN phải nộp thuế. Lúc mở tờ khai tạm nhập, DN chưa phải tính thuế. Nhưng sau 30 ngày, nếu DN chuyển tiêu thụ nội địa thì ngoài việc nộp đủ thuế nhập khẩu, DN còn phải chịu phạt chậm nộp cho tất cả các loại thuế như tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, thuế VAT. Mức phạt này rất nặng và sẽ không đủ để bù cho mức “chênh lệch thuế” mà hải quan tính toán.
Vì thế, ông Bảo quả quyết: “DN không ai lại đi tính toán hưởng lợi cách đó”.
Trong khi đó, phía SaigonPetro cho biết thêm, một lô hàng tạm nhập tái xuất nếu quá 30 ngày mà không tái xuất được thì DN sẽ phải nộp một khoản thuế vào tài khoản tạm thu. Đến khi nào tái xuất được thì DN được hoàn thuế, còn nếu chuyển tiêu thụ nội địa thì khoản tạm thu kia sẽ được hải quan chuyển thành khoản thuế thực thu.
Nếu đúng thực tế trên đây thì dường như các DN rằng, hải quan luôn nắm đằng chuôi, dù tạm nhập tái xuất hay tiêu thụ nội địa thì DN vẫn phải nộp thuế trước đã. Nếu có gì thất thu cũng chỉ là do luật chưa chặt hay hải quan quản chưa tốt?
Ông Bảo nhấn mạnh: “về bản chất, DN vẫn phải nộp thuế. Dù nhập về tiêu thụ nội địa ngay hay tạm nhập, chuyển tiêu thụ nội địa sau thì lô hàng đó vẫn phải chịu mức thuế nhập khẩu theo quy định. Lúc tạm nhập thuế là bao nhiêu % thì dù tiêu thụ vào thời điểm nào, lô hàng đó vẫn phải nộp đủ thuế như vậy, DN không trốn đi đâu được”.
Trong khi đó, các DN cũng cho rằng, DN chịu nộp phạt trên tổng các mức thuế. Kể cả lúc tạm nhập, thuế nhập khẩu là 0% nhưng quá 30 ngày sau, chuyển tiêu thụ nội địa, DN vẫn phải chịu phạt chậm nộp cho thuế VAT 10% và thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với mặt hàng xăng. Các mức thuế phạt này ăn vào giá vốn thực tế của DN mà không được phép tính vào giá cơ sở xăng dầu .
Giả dụ, ngày 17/5, thuế nhập khẩu xăng là 2%, khi chuyển tiêu thụ nội địa vào thời điểm sau ngày 28/8, trừ đi 30 ngày được ân hạn, DN sẽ phải chịu thuế khoản phạt thuế cho 73 ngày trễ nộp.
Theo tính toán, nếu nộp đúng hạn, tổng mức thuế phải nộp là 3.996,8 đồng/lít, trong đó, thuế nhập khẩu xăng của DN là 327,34 đồng/lít, cộng thuế Tiêu thụ đặc biệt là 1.669,46 đồng/lít, thuế VAT là 2000 đồng/lít. Tuy nhiên, với mức lãi phạt chậm nộp thuế là 0,05%/ngày, DN sẽ phải chịu tổng mức thuế là 4.142,6832 đồng/lít, tăng thêm 145,8832 đồng/lít.
Như các DN này khẳng định, không ai đoán trước được liệu sau 103 ngày, thuế nhập khẩu sẽ diễn biến thế nào. Vì vậy, không DN nào lại dại dột để “tồn” hàng tạm nhập quá lâu để chịu rủi ro phạt thuế như vậy.
Xem ra, với nhiều rủi ro và thua lỗ như thế thì kinh doanh xăng dầu tạm nhập tái xuất thật là một mảng đẩy nguy cơ. Thế nhưng, điều DN không giải thích được là tại sao khó ăn và dễ thua lỗ nhưng các DN vẫn ham kinh doanh tạm nhập tái xuất. Chẳng lẽ các DN thích thua lỗ khi để lại khoảng 2 triệu tấn xăng dầu tạm nhập không tái xuất trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải quan cho biết, để đánh giá cụ thể khả năng trục lợi của DN xăng dầu trong chênh lệch thuế khi tạm nhập tái xuất chuyển tiêu thụ nội địa thì sẽ phải xét cụ thể từng trường hợp. Đây là bài toán mang tính kỹ thuật.
Tuy nhiên, hiện cơ quan hải quan mới chỉ công bố số liệu chung so sánh giữa tạm nhập và tái xuất nên chưa thể hiện rất vấn đề. Hải quan nghi DN gian lân, DN viện đủ lý kêu oan. Vậy cần phải phải có một cuộc điều tra thực sự, với các số liệu công khai để xăng dầu không còn mãi là một mảng kinh doanh đầy nghi hoặc.
Phạm Huyền