Ngân hàng Nhà nước chỉ giao cho một công ty gia công vàng SJC sẽ không đáp ứng kịp nguồn cung vào những thời điểm giá vàng nóng sốt.


Ngày 16-9, giá vàng SJC mua vào 46,68 triệu đồng/lượng, bán ra 46,78 triệu đồng/lượng, giảm so với hôm trước khoảng 200.000 đồng/lượng, còn giá vàng thế giới đóng cửa 1.770 USD/ounce, giảm 4 USD/ounce. Thế nhưng, giao dịch vàng trong ngày 15 và 16-9 khá bất ổn, nhiều chủ tiệm vàng đã thu mua thấp hơn giá niêm yết hoặc đưa ra nhiều lý do từ chối mua vào.

Chèn ép người bán

Sáng 15-9, chúng tôi đến tiệm vàng Kim Phát Mạnh (khu vực chợ Hạnh Thông Tây - TPHCM ) để bán 2 lượng vàng SJC (loại vàng miếng có bao bì mới). Sau khi kiểm tra hàng, chủ tiệm thông báo 2 miếng vàng bị lỗi và chỉ thu mua với giá 46,48 triệu đồng/lượng. Tại tiệm vàng Kim Phát Hồng (phường 11, quận Gò Vấp - TPHCM), chủ tiệm cũng “phán” 2 lượng vàng này bị móp và sẽ khấu trừ 200.000 đồng/lượng. Trong khi đó, chủ tiệm vàng Tân Tiến cho rằng trong 2 lượng vàng có 1 lượng bị móp nên tiệm chỉ thu mua lượng vàng không bị móp.

Do 10 ngày gần đây giá vàng trong nước tăng nhiều hơn so với đà tăng của giá vàng thế giới nên đến thời điểm này người dân mạnh dạn bán ra và giá vàng đang có chiều hướng đi xuống. Giới phân tích cho rằng tuy các chủ tiệm vàng đã ứng xử không đẹp với người bán nhưng nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên là Ngân hàng Nhà nước chỉ chọn Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) gia công chuyển đổi vàng miếng khiến hàng tấn vàng thương hiệu phi SJC vẫn chưa chuyển đổi thành vàng SJC. Từ đó, thị trường thiếu hụt nguồn cung vào những thời điểm sức mua tăng mạnh, giới kinh doanh vàng tranh thủ tăng giá lên, đẩy chênh lệch giữa giá vàng trong nước và ngoài nước ngày càng lớn.

Ngân hàng Nhà nước nên mở rộng đơn vị gia công vàng miếng để đáp ứng kịp nguồn cung

Vàng nằm kho

Để chuyển đổi thành vàng thương hiệu SJC, doanh nghiệp (DN) phải “xếp hàng” chờ Ngân hàng Nhà nước kiểm tra nguồn gốc, tính hợp pháp của số vàng muốn chuyển đổi. Sau đó, SJC - đơn vị gia công cho Ngân hàng Nhà nước - có trách nhiệm kiểm định, phân loại chất lượng, hàm lượng từng miếng vàng thương hiệu phi SJC. Thậm chí, trong tiến trình chuyển thành vàng SJC còn có sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước và chủ thương hiệu vàng phi SJC. Do đó, việc chuyển đổi diễn ra hết sức chậm chạp, hàng tấn vàng phi SJC tiếp tục nằm kho làm DN bị chôn vốn, buộc họ không thu mua vàng phi SJC hoặc mua vào thấp hơn giá vàng thương hiệu SJC từ 2,5 -3 triệu đồng/lượng.

Trong gần một năm qua, giải pháp bán vàng tồn quỹ của các ngân hàng thương mại nhằm hạ nhiệt giá vàng khi thị trường nóng sốt gần như không có tác dụng, buộc các ngân hàng đó không chỉ ngưng bán vàng mà còn phải tăng sức mua để chuẩn bị chi trả cho người dân đã gửi tiết kiệm bằng vàng càng làm cho cung - cầu về vàng mất cân đối.
Như vậy, nguồn cung của vàng hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào động thái bán của người dân và tiến trình chuyển đổi vàng thương hiệu phi SJC thành vàng SJC. Thế nhưng, nếu người dân không bán vàng, hoạt động chuyển đổi vàng thương hiệu phi SJC tiếp tục chậm chạp thì nguồn cung về vàng sẽ bằng không. Giá vàng sẽ diễn biến khó lường, ảnh hưởng không tốt đến thị trường tiền tệ.

Chuyên gia kinh tế, TS. Phạm Đỗ Chí: 7 yếu tố tác động giá vàng

Nói chung trong lịch sử dài hạn với biến đổi khó tiên đoán của giá vàng, có các yếu tố chính sau ảnh hưởng đến giá vàng:

Thứ nhất, lạm phát luôn là yếu tố chính được nói đến như lý do để “giữ vàng” bảo vệ tài sản cá nhân hay quỹ dự trữ của các tổ chức (ngày nay một số ngân hàng trung ương lớn ở Âu Châu, Trung Quốc, Ấn Độ… quyết định dùng vàng để đa dạng hóa quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia).

Thứ hai, vàng như tài sản “trú ẩn” có tính thanh khoản cao để phòng thân và phòng khủng hoảng tài chính, thí dụ rõ nhất cho một số di dân phải rời xa xứ sở mình cần đem theo vàng, hay cho các nước Nam Âu với tác động của khủng hoảng nợ công khiến giới đầu cơ giữ vàng để bảo vệ giá trị tài sản, tránh “tiền giấy”.

Thứ ba, trong hai thập kỷ qua, giá vàng đã theo sát giá dầu quốc tế như biểu hiện của lạm phát toàn cầu.

Thứ tư, do yếu tố trên, tình hình chính trị căng thẳng ở Trung Đông mới đây đã gây ra các biến động ngắn hạn cho giá vàng.

Thứ năm, nhưng mới đây nhất, ảnh hưởng ngắn hạn quan trọng nhất trên giá vàng là chính sách nới lỏng định lượng QE của Fed. Khi Fed mua vào thêm các trái phiếu chính phủ, tài sản có (assets) của Fed sẽ phình to thêm và được giới phân tích tài chính coi là sẽ ảnh hưởng đến mức lạm phát lâu dài trên toàn cầu.

Thứ sáu, lý do khiến vàng tăng nhanh trở lại trong 4 tuần qua và trên thị trường COMEX-New York vượt mức 1.700 USD/ounce (04/09/12), là vì tín hiệu bỏ ngỏ của Chủ tịch Fed trong các buổi điều trần mới đây. Là Fed sẽ có thể kích động trở lại QE 3 bằng cách mua vào khoảng 500 tỉ USD các trái phiếu Mỹ trong một đợt can thiệp mới.

Và cuối cùng, lo ngại của Fed là con số thất nghiệp của Mỹ còn đang quá cao (8,3%) và khó xuống dưới mức 5,5%-6% mong muốn trong 1-2 năm tới là mục đích chính sách điều hòa kinh tế của Fed. Một số quan sát viên cho là có thể Fed cũng bị áp lực của Nhà Trắng phải giúp giảm con số thất nghiệp và tăng độ tăng trưởng GDP trước kỳ bầu cử Tổng Thống Mỹ vào tháng 11 tới đây. Nhưng rõ ràng là Fed theo đuổi các mục tiêu chính sách lâu dài hơn cho kinh tế Mỹ, vì phải mất ít nhất 6 tháng mới thấy tác dụng của chính sách QE lên việc làm hay hoạt động kinh doanh. Nhưng trước mắt, QE 3 sẽ tác động lên giá vàng đã hơi ngủ yên từ hơn một năm nay.

Ông Phan Dũng Khánh - Chuyên gia tư vấn đầu tư vàng:

Với những diễn biến như thời gian vừa qua và cả hiện nay, có nhiều khả năng giá vàng trong nước sẽ tiếp tục theo sát diễn biến giá vàng thế giới, không có sự đảo chiều đi ngược hoặc nếu có chỉ là sự điều chỉnh nhất thời, ngắn hạn. Tuy nhiên, trước mắt, tôi cho rằng khả năng kéo giảm sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế hiện nay là khó xảy ra. Vì có rất nhiều nguyên do mà một trong những nguyên do lớn nhất là những biện pháp quản lý thị trường vàng được cơ quan quản lý ban hành thời gian qua, theo quan điểm của tôi, giống như một liều thuốc chưa thật sự trúng bệnh. Nói một cách khác là thị trường vàng của ta hiện đang giống như một sợi chỉ bị rối, mà động thái nào được đưa ra lúc này cũng sẽ chỉ khiến sợi chỉ đó rối thêm, kể cả các biện pháp nhiều DN mong đợi như ban hành cơ chế cho các DN vàng phi SJC được gia công và chuyển đổi vàng miếng của mình thành vàng miếng thương hiệu SJC cho NHNN. Trong trường hợp này đối tượng chịu thiệt vẫn là số đông người dân và chắc chắn hiện tượng này vẫn sẽ còn kéo dài khi “sợi chỉ” vàng chưa cởi nút thắt làm thế nào để thực sự liên thông với thị trường thế giới.

(Theo DĐDN)

(Theo NLĐ)