Quyết định tung ra gói QE3 không giới hạn về quy mô và thời gian là chủ đề bị mổ xẻ nhiều. Có ý kiến cho rằng, QE3 không chỉ mang lại bi kịch cho Mỹ mà còn có thể phá hủy nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, điều khiến người Mỹ quan tâm hơn cả là họ sẽ được gì và mất gì từ kế hoạch này.

Công bố của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về kế hoạch QE3 vào ngày 13/9 vừa qua đã trở thành một đề tài nóng bỏng trên toàn thế giới. Đây được xem là niềm hi vọng mới trong việc vực dậy nền kinh tế Mỹ và làm nức lòng các nhà đầu tư cổ phiếu ngay sau đó khi thị trường chứng khoán tăng "dựng thác".

Tuy nhiên, quyết định mạnh mẽ này lại là chủ đề khiến người ta mổ xẻ nhiều. Có người cho rằng, QE3 không chỉ mang lại bi kịch cho Mỹ mà còn có thể phá hủy nền kinh tế của cả thế giới. Tuy nhiên, có lẽ giờ đây, điều khiến người Mỹ quan tâm nhiều hơn là họ được gì và mất gì từ QE3.

Chứng khoán: Tăng vọt nhưng chưa chắc kéo dài

Ngay sau công bố của Fed, thị trường chứng khoán đã khởi sắc trông thấy. Những chỉ số lớn đã tăng vọt lên mức kỷ lục trong nhiều năm. Thế nhưng người ta vẫn chưa thế chắc chắn là thị trường sẽ duy trì được xu hướng này trong bao lâu.

Fed kỳ vọng QE3 sẽ cải thiện được tình trạng kinh tế và thất nghiệp tại Mỹ hiện nay (ảnh Getty Images)

Các nhà phân tích dự đoán, thu nhập doanh nghiệp quý thứ III giảm mạnh, và chỉ với công bố QE3 sẽ không đủ để kéo dài dấu hiệu tích cực này. Lần trước, khi công bố về QE2, thị trường cổ phiếu cũng tăng, nhưng nó tăng hơn vào thời điểm khởi động kế hoạch so với khi thực hiện.

Cổ phiếu tài chính: Được mùa lớn

Những tổ chức tài chính nên ăn mừng vì động thái của Fed. Việc Fed quyết định vung tiền mua chứng khoán cho thấy những cơ hội giao dịch béo bở đang bày ra trước mắt các nhà tài chính phố Wall. Ngay lập tức, cố phiếu của ngân hàng America Merrill Lynch tăng 4,79%, Goldman Sachs 2,06% và JP Morgan Chase 3,71 % trong khi Morgan Stanley tăng 2,76%. Nhìn chung cổ phiếu của hầu hết các tổ chức tài chính đều tăng sau công bố của Fed.

Vàng: Được đà tăng giá

Giá vàng đã tăng lên mức kỷ lục trong 6 tháng sau động thái của Fed. Được định giá bằng đồng USD nên chi phí nắm giữ vàng sẽ rẻ hơn. Vàng cũng được coi là một loại tiền tệ thay thế, một sự phòng hộ trước tình hình lạm phát của thể gia tăng sau giải pháp kích thích của Fed. Với QE3, chắc chắn giá vàng sẽ "ngự" ở mức cao so với các loại tài sản khác.

Kinh tế và việc làm: Còn đang trong vòng bí mật

Trong cuộc gặp của Fed hồi tháng trước tại Jackson Hole, Wyoming, Ben Bernanke có nêu ra một nghiên cứu trong đó chỉ ra tằng, 2,3 ngàn tỷ cho 2 kế hoạch QE đầu tiên đã giúp giảm lợi tức trái phiếu kho bạc và tạo ra khoảng 2 triệu việc làm nhưng bộ máy kinh tế thì lại chưa đạt được guồng chuyển động tích cực.

Mong muốn của Bernanke là khắc phục tình hình thất nghiệp và tạo ra cơ hội việc làm mới cho người lao động. Đương nhiên, Fed không thể ép buộc, trấn áp các lãnh đạo doanh nghiệp nhưng bằng những biện pháp của mình, Fed khuyến khích các tổ chức kinh doanh gia tăng tuyển dụng. Fed muốn giảm lãi suất bằng một chính sách khác - QE3 - nhưng trên thực tế, lãi suất đã ở mức thấp thậm chí rất thấp trong nhiều năm nhưng nó không mang lại nhiều hiệu quả. Điều mà các doanh nghiệp thực sự cần trước khi họ sẵn sàng nới biên độ tuyển dụng là nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm và dịch vụ của họ gia tăng. Và điều này thì Fed khó lòng quyết định được.

Thị trường nhà ở: Không chắc chắn sẽ thăng hoa

Thị trường nhà ở đã có dấu hiệu hồi phục từ trước khi Fed tung kế hoạch QE3. Việc mua các chứng khoán thế chấp có thể làm giảm áp lực lên lãi suất thế chấp nhưng điều này không có nghĩa là tốc độ cũng như giá của các giao dịch nhà ở sẽ tăng nhanh.

Chắc chắn chi phí cho việc vay mua nhà có thể rẻ hơn nhưng trong bối cảnh định hướng tín dụng khó khăn hơn thì không phải tất cả người mua đều có đủ điều kiện và tiêu chuẩn để thế chấp.

Người đi vay: Được lợi nhưng khó sẵn sàng

Chưa thể khẳng định việc người đi vay sẽ háo hức đi vay sau khi có QE3. Một mặt, những người muốn vay tiền để khởi động hay mở rộng một công ty sẽ thấy việc làm này có chi phí rẻ hơn và đó chính là điều mà Fed đang cố gắng làm: tạo ra một môi trường mà ở đó các doanh nghiệp sẽ đầu tư vào sự tăng trưởng trong tương lai.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, triển vọng kinh doanh vẫn còn tương đối mờ mịt, cũng giống như các nhà làm chính sách của Fed, các công ty có thể nhận thấy điều này một cách rõ ràng. Và vì vậy, những doanh nghiệp có trách nhiệm tín dụng sẽ chần chừ trong việc vay thêm tiền. Những người hiện đang vay nợ sẽ thấy việc tái cấp vốn cũng như thanh toán rẻ hơn. Và điều này thì rất tốt cho công ty cũng giá cổ phần của họ.

Đồng USD: Mất giá

Giá USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng và quyết định của Fed trong việc in tiền sẽ chỉ làm gia tăng thêm áp lực này. Triển vọng kinh tế mờ mịt, điều khiến Fed đưa ra các giải pháp tiền tệ hiện nay không thể giúp cải thiện giá trị của đồng USD. Thật khó để có thể thấy được điều gì có thể khiến các nhà đầu tư thích thú với USD trong thời điểm hiện tại.

Người nghỉ hưu và tiết kiệm: Mất nguồn thu nhập

Việc Fed cam kết kéo dài thời hạn giữ lãi suất ở mức thấp hơn lạm phát chỉ làm cho những người tiết kiệm khó khăn hơn trong việc kiếm thu nhập từ khoản tiền dành dụm của mình. Ông Jack Ablin, giám đốc đầu tư của Harris Trust thì cho rằng, điều này chẳng khách gì việc "người tiết kiệm đang bao cấp người đi vay". Trong khi đó, những người nghỉ hưu lại đang phải đối mặt với đủ các loại chi phí như y tế, năng lượng và thực phẩm tăng giá.

HungNinh (Theo Huffingtonpost)