Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam Philipp Rosler, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ CHLB Đức, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã tổ chức lễ trao bằng Tiến sĩ danh dự cho ông.


Theo Giáo sư tiến sỹ Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng trường Đại học kinh tế quốc dân, việc trao bằng tiến sỹ danh dự là sự ghi nhận đối với những đóng góp nổi bật của ông Roesler trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam và CHLB Đức trong thờ gian vừa qua.

Sau lễ trao bằng, Tiến sĩ Philipp Rosler đã có buổi nói chuyện với sinh viên và giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Mở đầu bài phát biểu, ông Philipp Rosler cho biết để xây dựng nền kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay cần có sự tham gia của nhiều nước cùng với mối quan hệ được duy trì bền chặt trên toàn thế giới. Việt Nam và CHLB Đức cần tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực.

Ông Rosler cho rằng, chính là các DN vừa và nhỏ đang tạo ra động lực cho sự phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đều đang gặp nhiều khó khăn. Ở những nước có tỷ lệ lạm phát cao, chính phủ phải tiến hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng, khiến DN gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những đơn vị mới thành lập. Vì vậy phải duy trì được các DN vừa và nhỏ mới thành lập. DN muốn hoạt động tốt cần thoát khỏi vòng tay nhà nước, tự tồn tại và phát triển.


Theo ông Roesler, trong quá trình phát triển kinh tế thế giới, khó thể chọn ra một mô hình kinh tế được gọi là tối ưu. Chỉ con người mới đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định một nền kinh tế tốt.

Ông Rosler nói : “Chúng tôi sang Việt Nam với một chuyên cơ chật ních các doanh nhân. Nếu có chuyên cơ thứ hai, thứ ba, thứ tư thì chắc chắn vẫn sẽ chật ních các doanh nhân Đức. Nhưng vấn đề chính là hành lang pháp lý phải dược đảm bảo. Chúng tôi ký hợp đồng và mong muốn các bên sẽ thực hiện đúng các điều khoản trong đó. Các bạn cần phải nhận thực được vấn đề này. Nền kinh tế thị trường cần phải dựa trên sự tin cậy lẫn nhau trong giao dịch với sự đảm bảo về pháp lý.

Kết thúc bài nói chuyện của mình, TS Rosler nói: Chìa khóa dẫn đến thành công là học tập, là giáo dục và đào tạo. Một điều hết sức quan trọng nữa là đào tạo nghề, cũng ngang tầm với giáo dục Đại học vì tạo được nền tảng tốt cho người lao động thành lực lượng mạnh trong xã hội. Học tập và đào tạo chính là tương lai phát triển của kinh tế, ông Philipp Roesler nhấn mạnh.

Trần Thủy