- Việc tăng giá bán than cho điện là cần thiết và khả thi, nhưng giảm thuế cho than thì tác động không lớn vì khả năng xuất khẩu đã bị giảm đi đáng kể - TS. Nguyễn Thành Sơn.
Phải đấu giá quyền khai thác than
Mất hàng trăm tỷ vì than tồn kho
Ngừng xuất khẩu than vì lỗ
Chính phủ vừa có những điều hành cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho ngành than. Trong đó, có hai giải pháp là tăng giá bán than cho điện và giảm thuế xuất thuế xuất khẩu than xuống còn 10%.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi xin trao đổi một số quan điểm như sau:
Trước hết, về việc tăng giá bán than cho điện: Chính phủ đã có chủ trương tăng giá bán than (theo lộ trình) cho các nhà máy nhiệt điện trong nước lên mức đủ bù đắp chi phí (giá thành) sản xuất. Đây là một giải pháp cần thiết và khả thi.
Cần thiết vì ngành than cũng như bất kỳ ngành sản xuất nào khác, để tồn tại, giá bán sản phẩm phải đủ bù đắp chi phí. Hiện nay, ngành than đang gặp nhiều khó khăn. Còn trong thời gian tới, ngành than cần phải được phát triển bền vững để cung cấp đủ than cho nền kinh tế.
Khả thi là về dài hạn, tỷ trọng thủy điện của Việt Nam tương đối lớn. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn có thể lãi lớn nhờ thủy điện có giá rất rẻ. Về ngắn hạn, cụ thể năm 2012, nếu từ 15/9 giá than cấp cho điện tăng thêm 30% (tăng khoảng 150.000-200.000 đồng/tấn) tức lãi của ngành điện (hay lỗ của ngành than) trong năm nay sẽ giảm khoảng 600 tỷ đồng. Hay nói cách khác, giá thành bình quân của ngành điện trong năm nay chỉ tăng khoảng 6 đồng/kWh, sẽ không có ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số giá tiêu dùng, hay lạm phát của nền kinh tế.
Còn sang năm, theo lộ trình, nếu Chính phủ sẽ cho tăng tiếp giá bán than cho điện thêm 30% nữa thì tổng chi phí của ngành điện (kể cả những nhà máy nhiệt điện của Vinacomin) cũng chỉ tăng khoảng 2.500-3.000 tỷ/năm, tức giá thành điện bình quân toàn ngành cũng chỉ tăng tối đa khoảng 25-30 đồng/kWh. Và, nếu ngành điện "chuyển" hết chi phí này cho người tiêu dùng "gánh" thì giá bán điện bình quân cũng chỉ tăng tối đa khoảng 2% (không đáng kể).
Đã đến lúc ngành điện cần chấm dứt việc chuyển lỗ sang cho ngành than. Dư địa để tăng giá bán than cho điện còn rất lớn. Chỉ cần Chính phủ yêu cầu EVN minh bạch và công khai giá mua điện và sản lượng điện mua của từng nhà máy trong nước và nhập khẩu, người tiêu dùng sẽ yên tâm và chấp nhận mọi giải pháp đảm bảo phát triển bền vững ngành năng lượng.
Thứ hai, việc giảm thuế xuất khẩu than: Về nguyên tắc, đối với khoáng sản nói chung, và đối với than nói riêng, việc giảm thuế là trái với chính sách. Riêng đối với than trong năm nay, ảnh hưởng của việc giảm thuế này không lớn vì khả năng xuất khẩu đã bị giảm đi đáng kể, số tiền tuyệt đối nộp ngân sách giảm không nhiều.
Việc tiêu thụ than đang kẹt và than tồn kho đang tăng lên vì hai nguyên nhân: khó khăn từ thị trường TQ và chất lượng than thấp. Điều này đã được cảnh báo từ lâu.
Năm nay, dự kiến Trung Quốc tiêu dùng khoảng 3-3,5 tỷ tấn than, trong đó phải nhập khẩu khoảng 180-185 triệu tấn. Việc xuất khoảng 20 triệu tấn than của Việt Nam sang thị trường này chỉ như "muối bỏ bể". Nhưng, vừa qua, khi các thương lái Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu than, Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) bị "sốc" nặng vì đã quá ràng buộc vào thị trường láng giềng. Do chạy theo thị trường Trung Quốc, chất lượng than của Vinacomin xuống thấp chưa từng có. Ngay cả thị trường nội địa cũng khó chấp nhận vì cước phí vận chuyển lớn.
Thứ ba, việc giảm thuế chỉ là giải pháp tình thế: Về lâu dài, đối với nhà nước, mức thuế suất của thuế xuất khẩu than 20% là bình thường, không phải là cao, và ngân sách thu không nhiều. Còn đối với Vinacomin, mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào xuất khẩu than là sai lầm, có rất nhiều rủi ro.
Vinacomin cần phải tái cơ cấu thực sự, phải xác định lại mô hình tăng trưởng, thị trường tiêu điểm và cơ cấu sản phẩm tối ưu. Trên cơ sở đó, phải thay đổi mô hình tổ chức và mô hình quản lý một cách triệt để. Nếu Vinacomin chỉ tái cơ cấu theo kiểu "bình cũ rượu cũ" như Đề án "Tiếp tục đổi mới, tái cơ cấu tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giai đoạn 2012-2015, tầm nhìn đến 2020" của Vinacomin đang trình Chính phủ, thì giá bán than cho điện có tăng lên bằng giá CIF nhập khẩu than và thuế xuất khẩu than có giảm xuống bằng 0 thì chúng ta cũng không cứu được ngành than đang trên đà suy giảm.
TS. Nguyễn Thành Sơn (Giám đốc BQL các dự án than ĐBSH - Vinacomin)