Đề xuất liên minh lúa gạo ASEAN ra đời trong bối cảnh thế giới đang bắt đầu “khát” và có nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực trong năm 2013. Điều này đã khiến cho nhiều nước tỏ ra lo ngại và có những phản ứng ban đầu. Nhiều người đã đặt câu hỏi, các nước ASEAN liệu có cần một liên minh kiểu “OPEC lúa gạo” hay không?

Nỗi lo có nhiều gạo

Chỉ tính riêng 5 nước Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar, mỗi năm có thể xuất khẩu trên dưới 20 triệu tấn/năm. Thế nên Liên minh lúa gạo sẽ được kì vọng là một “OPEC lúa gạo” quyền lực, đảm bảo an ninh lương thực, bình ổn giá gạo thế giới.

Tuy nhiên, hiện nay, chất lượng, tiêu chuẩn hệ thống kỹ thuật sản xuất, phân phối lúa gạo cùng hệ thống kho chứa, nhà máy xay xát, nhà máy bảo quản cùng các dịch vụ giao nhận lúa gạo... ở các nước ASEAN chưa đồng đều dẫn đến giá hạt gạo bán ra vẫn còn quá thấp so với giá trị thực của nó.

Một ví dụ đáng buồn là tại Việt Nam, theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu gạo Việt Nam ước tính đạt 5,5 triệu tấn, tăng 0,5% về lượng nhưng giảm 8,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Khi kinh tế khủng hoảng, chi phí đầu vào cho ngành nông nghiệp tăng đột biến nhưng giá trị hạt gạo vẫn nằm “dưới đáy” khiến người nông dân gặp không ít khó khăn, thiệt hại, thậm chí là thua lỗ nặng.

Không riêng gì Việt Nam, ở nước nổi tiếng về gạo như Thái Lan, hiện nay chính phủ cũng phải “bù lỗ” cho hạt gạo khiến xuất nhập khẩu gạo gặp không ít khó khăn. Tại Campuchia, tuy lượng gạo chỉ khoảng 1 triệu tấn/năm nhưng họ vẫn mong muốn người nông dân có nhiều tiền hơn nếu gạo của họ đạt chuẩn gạo Thái Lan.


Về vấn đề này, GS Võ Tòng Xuân lo ngại rằng với tình trạng xuất khẩu ồ ạt, đặc biệt là xuất khẩu thiếu kiểm soát qua biên giới có thể khiến Việt Nam “dở khóc dở cười” bởi thực tế Việt Nam sản xuất dư gạo nhưng đến khi xuất khẩu giá cao thì gạo “chẳng còn”. Phải chăng, chúng ta đã làm “trâu chậm” khi lâu nay vẫn giữ định hướng xuất khẩu gạo về lượng, chứ không phải là “giá trị”?!

Vì thế, đã đến lúc chúng ta phải định hướng “xuất khẩu gạo được bao nhiêu tiền cho nông dân” chứ không còn là “xuất khẩu gạo được bao nhiêu tấn”. Muốn thế, Liên minh lúa gạo phải hướng đến “thương hiệu gạo ASEAN”. Khi đó, giá trị hạt gạo sẽ không còn phải gắn liền với cụm từ “nền nông nghiệp giá rẻ”.

Nâng giá trị hạt gạo

Tuy nhiên, nếu chỉ Thái Lan hay Việt Nam cho một Liên minh lúa gạo thôi thì vẫn chưa đủ. Các nước còn lại về sản xuất lúa gạo cũng hết sức quan trọng. Đơn cử trường hợp Myanmar. Từ sau cải cách 2011-2012 vừa qua, chính quyền Myanmar mở cửa và tiềm năng “bờ xôi ruộng mật” của nước này bắt đầu được đưa vào khai thác. Với diện tích 19,39 triệu hecta đất nông nghiệp màu mỡ, có thể trồng hơn 60 loại cây nông nghiệp khác nhau, Myanmar từng là nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu châu Á trong thập niên 1950 – 1960. Thế nên, đây sẽ là một hỗ trợ hoàn hảo cho Thái Lan, Việt Nam và nhiều nước về an ninh lương thực, nhất là khi biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến sản lượng lúa gạo của các nước Liên minh lúa gạo trong tương lai.

Đã có những lo ngại của quốc tế và chính các DN và người dân sản xuất lúa gạo trong các nước ASEAN về những bất lợi khi ra đời Liên minh lúa gạo. Tuy nhiên, khi gia nhập vào Liên minh lúa gạo, không một cá nhân nào có thể “đơn thân độc mã” hành động vì phải tuân theo những nguyên tắc chung của cuộc chơi để có thể tối đa hóa lợi ích thành viên.

Đó là chưa kể, nếu Thái Lan, Việt Nam không chủ động trong cuộc chơi này, thì giá trị hạt gạo vẫn “nằm đáy” vì thương nhân Ấn Độ, Myanmar, Campuchia vẫn sẽ hạ thấp giá lúa gạo theo cơ chế cạnh tranh thị trường bất chấp phía Việt Nam, Thái Lan đã nỗ lực tối thiểu hóa giá gạo xuất khẩu.

Mục đích cốt lõi cho Liên minh lúa gạo là tạo thương hiệu gạo chung để “cùng nhau tiến”. Khi Liên minh lúa gạo được thành lập với một thương hiệu chung, những vấn đề về giá trị hạt gạo sẽ được giải quyết.

Thứ nhất, khi có thương hiệu, Liên minh lúa gạo ASEAN hoàn toàn có thể thay đổi thói quen sử dụng gạo của nhiều người trên thế giới. Khi thời tiết đang chống lại mọi nỗ lực sản xuất lúa mì, bắp (ngô)… của nhiều nước thì việc sử dụng gạo có giá trị dinh dưỡng như một sản phẩm thay thế trong bữa ăn chính là hoàn toàn có thể.

Thứ hai, việc có thương hiệu chung sẽ giúp ASEAN dễ dàng phân khúc thị trường xuất khẩu, tránh sự chồng chéo, va chạm không cần thiết. Thay vào đó, họ có thể hỗ trợ lẫn nhau về vấn đề lượng thực xuất nhập khẩu khi có thành viên gặp khó khăn.

Thứ ba, việc chuyển đổi công nghệ sẽ giúp nước lạc hậu có cơ hội phát triển, và các nước phát triển có thể an tâm nghiên cứu một mô hình cao hơn. Từ đó giúp nền nông nghiệp có sự vận động đi lên không chỉ về lượng và còn về chất. Và tất nhiên, với một mô hình Liên minh lúa gạo vì thương hiệu sẽ nhận được sự đồng thuận của thế giới vì liên minh này sẽ góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho rất nhiều các quốc gia đang lo ngại “cơn khát lương thực 2013”.

Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) vừa qua đã đưa ra dự báo, tổng thị phần xuất khẩu gạo Việt – Thái trên toàn thế giới sẽ giảm xuống mức 38% trong năm 2012 mà nguyên nhân chính là do Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo, đồng thời nước này vươn lên thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Khi đấu trường về “lượng” đã không còn là thế mạnh bền vững cho gạo ASEAN thì việc xây dựng Liên minh lúa gạo theo định hướng thương hiệu chung sẽ là giải pháp hoàn hảo mang tính dài hơi nhằm đảm bảo giá trị hạt gạo và một nguồn cung ổn định, lâu dài.

Trương Minh – Đỗ Thiện