- Trước quy định siết chặt kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất, mới đây, nhiều đơn vị phản ánh đang bị ách tắc hàng hóa trầm trọng vì không được chuyển cửa khẩu tái xuất.
Tạm nhập tái xuất: Toàn hàng cấm, độc hại
'Tảng băng chìm' tạm nhập tái xuất
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có văn bản khẩn gửi Bộ Tài chính, trong đó đề xuất dỡ bỏ thủ tục siết chặt kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất vừa được ban hành.
Theo tỉnh này, do chính sách biên mậu phía Trung Quốc thay đổi, tính đến ngày 7/9, cửa khẩu Móng Cái đang bị ách tắc tới 4.286 container hàng hóa tạm nhập tái xuất đang chờ tái xuất. Việc tồn đọng lượng hàng hóa lớn như vậy đang dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu vực biên giới và làm thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp.
Trước đây, các doanh nghiệp này có thể tự tháo gỡ khó khăn bằng việc thay đổi cửa khẩu xuất hàng.
Tuy nhiên, từ 28/8,, Tổng cục Hải quan đã điều chỉnh lại, đưa ra quy định không cho phép các doanh nghiệp thay đổi cửa khẩu tái xuất đã đăng ký. Quy định này đã gia tăng thêm khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất trong bối cảnh hiện nay.
Do vậy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị Bộ Tài chính cho áp dụng quy định cũ, được phép chuyển cửa khẩu tái xuất. Đồng thời, chính quyền tỉnh cũng đề nghị Bộ cho phép được chủ động xem xét từng trường hợp cụ thể, giải quyết hàng tái xuất tồn đọng tại các địa điểm có lực lượng biên phòng, hải quan, kiểm dịch.
Cũng liên quan đến việc "cấm" chuyển cửa khẩu khi làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương vừa phản ánh một trường hợp phát sinh khó khăn khác. Đó là trường hợp Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có trụ sở, kho bồn, cầu cảng tại Bình Dương,
Cục Hải quan Bình Dương cho biết, thời gian qua, các lô hàng xăng dầu của công ty này đều nhập về cảng TP.HCM, sau đó làm thủ tục chuyển cửa khẩu và đăng ký tờ khai tại hải quan Bình Dương theo quy định hiện hành của Thông tư 165. Tuy nhiên, cũng từ ngày 28/8, Cục Hải quan TP.HCM đã có văn bản không cho phép chuyển cửa khẩu đối với xăng dầu nhập khẩu nói chung mà buộc doanh nghiệp phải kê khai, tính thuế tại cửa khẩu nhập khẩu TP.HCM. Điều này làm gia tăng chi phí, ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng cho thị trường miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên của DN xăng dầu này.
Hải quan Bình Dương đã kiến nghị Tổng cục Hải quan cho phép chuyển cửa khẩu xăng dầu đối với trường hợp trên.
Từ cuối tháng 8, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đẩy mạnh nội dung trọng tâm chống gian lận thương mại trong hoạt động tạm nhập tái xuất hàng hóa. Nhiều thủ tục hải quan đã bị siết chặt hơn dẫn tới phát sinh tồn đọng hàng tại cảng như trên.
Phạm Huyền