- Xử lý nợ xấu đang là một vấn đề cần thiết không chỉ để khai thông các điễm nghẽn mà còn tạo ra niềm tin và không khó kinh doanh mới.
Nợ xấu ngân hàng được giấu như thế nào?
Nợ xấu: Chưa nắm rõ, khó xử lý
Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng chậm nhất so với 3 năm qua. Tình thế dường như khó khăn hơn khi những người đầu tư, doanh nghiệp (DN) cũng như hệ thống ngân hàng đang phải loay hoay với bài toán nợ xấu - thanh khoản - vốn vay. Xử lý nợ xấu đang là một vấn đề cần thiết không chỉ để khai thông các điễm nghẽn mà còn tạo ra niềm tin và không khó kinh doanh mới.
"Cục máu đông" còn nguyên khối
Kể từ đầu năm 2012, đã có hàng loạt biện pháp đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ đề ra nhằm giải quyết bài toán "đau đầu" này.
Biện pháp đầu tiên, đó là việc giảm trần lãi suất cho vay, cho đến thời điểm hiện tại lãi trần chỉ còn tối đa 15%/năm. Do nợ xấu bắt nguồn từ những khoản vay "khó đòi, khó trả", việc giảm lãi suất sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc trả nợ, giải quyết nợ tồn đọng, ..v..v...
Theo ông Mai Xuân Lượng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn gang thép Hàn Việt, có thể vẫn còn nhiều doanh nghiệp trong nước chưa thể tiếp cận được với nguồn vốn cho vay với lãi suất thấp như trên.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay cũng đồng nghĩa với việc giảm lãi suất huy động thì ngân hàng mới có lãi. Lãi suất trần tiền gửi ngắn hạn giảm chỉ còn 9%, và có thể sẽ giảm nữa.
Việc giảm lãi suất huy động có thể khiến tâm lý người dân không còn mặn mà với việc gửi tiết kiệm như ngày trước. Ngân hàng sẽ lại đối mặt với nguy cơ thiếu vốn, suy giảm tính thanh khoản. Nguy cơ lạm phát cũng có thể sẽ lại xảy ra nếu lượng tiền cung cấp không đáp ứng đủ nhu cầu.
CPI tháng 8 đã có mức tăng 0,63%, cao nhất kể từ tháng 3/2012 là một dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy, lạm phát đã có dấu hiệu quay lại.
Song song với việc giảm lãi suất để doanh nghiệp "dễ thở" hơn, hàng loạt biện pháp "cứu cánh" cũng đã được thực hiện, tiêu biểu là các gói cứu trợ lớn trị giá hàng nghìn tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt đã từng khẳng định rằng: "Tất cả các gói cứu trợ trong một chừng mực nào đó đều có ích, nhưng sự có ích về mặt lý thuyết thôi. Trên thực tế nó phải đi qua một khâu rất quan trọng đó là khâu phân phối sự cứu trợ này".
Như vậy, khó khăn của doanh nghiệp và ngân hàng, nhờ có sự hỗ trợ của nhà nước được giảm bớt phần nào. Nhưng, việc tăng, giảm lãi suất, hoặc các gói tiền nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và ngân hàng chỉ là giải pháp tạm thời và có tác động trong ngắn hạn trong việc giảm nợ xấu.
Một giải pháp dài hạn thực sự còn phải góp phần giải quyết những vấn đề khác của nền kinh tế như lạm phát, tăng trưởng chậm...
Lấy lại niềm tin
Việc thành lập công ty mua bán nợ xấu với số vôn 100.000 tỷ đồng cũng đã từng được đề xuất thực hiện. Tuy nhiên, tính khả thi của dự án vẫn còn là một câu hỏi lớn. Nguồn tiền 100.000 tỷ sẽ do ai cung cấp?.
Thử so sánh với một số giải pháp mua bán nợ xấu của nước ngoài và tính khả thi của chúng. Trung Quốc đứng đầu là chính phủ tập trung giải quyết trực tiếp các khoản nợ xấu cùng những hệ lụy của nó. Còn đối với Mỹ, ban đầu cũng tương tự Trung Quốc đã thực hiện biện pháp hỗ trợ 700 tỷ USD từ chương trình Hỗ trợ giải quyết tài sản với sự quản lý hoàn toàn của nhà nước.
Tuy nhiên, sau một giai đoạn thực hiện không hiệu quả, do cơ chế quản lý của nhà nước rất dễ dẫn đến một số tiêu cực như tham ô, sử dụng vốn sai mục đích và không minh bạch, chương trình trên đã được thay thế bằng chương trình hợp tác đầu tư chính phủ - tư nhân được Bộ trưởng Tài chính Mỹ công bố ngày 23/3/2009.
Hãng thông tấn Reuters nhận định rằng Việt Nam đang phải đối mặt với cơ sở hạ tầng yếu kém và những khối nợ chồng chất trong một hệ thống tài chính vẫn còn thiếu minh bạch, qua đó tác động tới quá trình phát triển sắp tới của Việt Nam.
Ông Raphaël Cecchi, trưởng nhóm chuyên gia phân tích rủi ro đầu tư châu Á của hãng phân tích kinh tế hàng đầu ở Bỉ đưa ra ý kiến: Sự gia tăng đối với con số nợ xấu đang ngày càng làm lộ rõ những điểm yếu trong hệ thống của Việt Nam và sẽ làm ảnh hưởng đến niềm tin vốn đã bị xói mòn vào nền kinh tế Việt Nam.
Rõ ràng, qua những nhận định trên, vấn đề nợ xấu của Việt Nam đang rất được quan tâm. Nợ xấu chưa giải quyết, môi trường đầu tư còn nhiều nỗi lo, nạn tồn kho, sản xuất đình trệ sẽ vẫn là những câu hỏi đang chờ được giải đáp... để tạo ra niềm tin và sự hứng khởi trong kinh doanh.
Vân Hạ - Kim Ngân