Không chỉ có trái cây, rau củ Trung Quốc (TQ) khiến người tiêu dùng (NTD) lo ngại, mà từ thực phẩm khô, đồ gia dụng, giày dép đến dụng cụ học tập, đồ chơi trẻ em…xuất xứ TQ hiện tràn ngập.

Bủa vây chợ truyền thống

Tại TP.HCM, hầu hết các loại thực phẩm khô như măng, nấm, mứt, gia vị… bày bán tại chợ Bình Tây, Trần Bình (Q.6), An Đông, Kim Biên (Q.5) và các điểm bán xung quanh khu chợ sỉ này đều có xuất xứ TQ nhưng khi khách hỏi, người bán nào cũng giới thiệu là hàng trong nước hoặc hàng nhập từ Thái Lan, Đài Loan…

Khi chúng tôi thắc mắc về nguồn gốc, bao bì, hạn sử dụng của mặt hàng nho khô, nấm khô…, chủ cửa hàng T. chuyên kinh doanh gia vị, tạp phẩm trên đường Phan Văn Khỏe bên hông chợ Bình Tây (Q.6) gắt: “Mua từ 20 ký trở lên thì mới có thùng nguyên đai nguyên kiện chứ mua lẻ thì chỉ cân ký, đóng bao thôi”.

Để biết rõ xuất xứ của các loại thực phẩm khô bày bán ở đây, chúng tôi vờ đồng ý mua, yêu cầu cho xem hàng. Bà chủ nói “chờ” và gọi điện thoại. Khoảng 5 phút sau, hàng được đưa đến là thùng các tông bên ngoài in số 20 kg, toàn chữ TQ, có hình cô gái cầm chùm nho. Bên trong là nho khô, táo khô đựng sơ sài trong bao ni lông. “Là hàng nhập từ Đài Loan đó”, bà chủ nói chắc nịch.

Khi chúng tôi hỏi sao không thấy in ngày sản xuất, hạn sử dụng, thông tin đơn vị nhập khẩu… thì người này lập tức quát: “Không mua thì thôi, khỏi hỏi nhiều!”. Ở các cửa hàng khác, nhất là các sạp trong chợ, tiểu thương rất dè chừng, chỉ chào hàng mẫu trưng bày ở sạp chứ nhất quyết không cho xem hàng nguyên kiện khi chúng tôi yêu cầu.

Chủ sạp H. chợ Kim Biên (Q.5) cho biết: “Chỉ khách mua lẻ mới quan tâm xuất xứ hàng hóa, chứ khách mua sỉ, các mối tỉnh lấy hàng chỉ cần hàng giao đúng hẹn, đủ số lượng; cho nợ gối đầu thì hàng dù mua trôi nổi vẫn bán chạy”.

Hầu hết các loại nấm, mứt trái cây...bán tại các chợ sỉ là hàng Trung Quốc.

Những loại “đặc sản” đắt tiền như mực xé, yến sào, đông trùng hạ thảo… cũng có nguồn gốc xuất xứ rất mập mờ. Một tiểu thương bán mực tẩm ướp cho biết, mực tẩm ướp có nhiều loại gồm mực chế biến chất lượng cao tại Nha Trang (giá 500.000-650.000đ/kg, mực chế biến tại TP.HCM hoặc mực nhập khẩu giá 200.000-300.000đ/kg.

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi mực nhập khẩu của nước nào, người này chỉ ậm ừ nói “Thái Lan”…Thấy chúng tôi thắc mắc nhiều, một thanh niên khuân vác hàng đi ngang qua nói nhỏ: “Ở đây toàn hàng TQ không à. Nếu dùng cho nhà hàng, quán ăn thì không sao, chứ dùng cho gia đình thì mua ít thôi”.

Gia vị các loại (bột ngọt, đường, ớt, tiêu, bột nghệ…) cũng toàn hàng TQ. Nghe chúng tôi nói muốn mua bột ngọt, đường giá rẻ về bán quán ăn, chỉ tay vào những gói bột ngọt cân sẵn, anh T., tiểu thương hàng gia vị chợ Kim Biên nói thẳng: “Bột ngọt này nhập từ TQ, đóng trong bao lớn 25kg. Tôi đóng gói nhỏ trọng lượng 1kg, bán lẻ giá 40.000đ/kg. Bột này rẻ, nêm ngọt đậm đà, dùng lợi hơn so với bột ngọt có thương hiệu ”.

Nhiều điểm bán gia vị, đồ khô tại chợ Bình Tây cũng chào hàng loại bột ngọt đóng bao 25kg giá 780.000đ, trên bao bì ngoài chữ TQ còn có nhãn phụ tiếng Việt ghi rõ xuất xứ TQ và tên đơn vị nhập. Người bán cho biết: “Ở đây phần lớn là bột ngọt nhập từ TQ, mua nhiều giảm thêm 5.000đ/bao, giao tận nơi”.

Ở ngành hàng giày dép, đồ chơi trẻ em, hàng Trung Quốc áp đảo.

Không chỉ mặt hàng thực phẩm khô, gia vị mà ngành hàng gia dụng, giày dép, túi xách, kẹp tóc tại các chợ sỉ Bình Tây, An Đông, Tân Bình… cũng tràn ngập hàng TQ. Các mối đến lấy hàng sỉ chỉ cần nói mã hàng, số lượng hoặc chỉ cần gọi điện là chủ sạp tự đóng hàng giao xe chuyển tận nơi.

Chị H. từ Bến Tre lên chợ Tân Bình (Q.Tân Bình) lấy giày dép, kẹp tóc về bán cho biết: “Mấy chị hỏi xuất xứ hàng không ai nói đâu, lấy hàng lâu năm ai cũng biết đó là hàng TQ, nhiều mẫu mã, dễ bán, giá rẻ mới lãi nhiều”. Đặc biệt, những ngày này, khu chuyên doanh đồ chơi trẻ em trên đường Trần Bình (Q.5), Lê Quang Sung (Q.6)… tấp nập khách lấy hàng số lượng lớn bán mùa Trung thu. Khi chúng tôi hỏi muốn mua đồ chơi Việt Nam, cửa hàng nào cũng nói như quát là chỉ có hàng nhập.

Siêu thị: không thiếu!

Không khó hiểu khi đồ chơi trẻ em bán tại các chợ, cửa hàng hơn 90% là hàng TQ vì ngay cả siêu thị, nhà sách cũng bán đầy đồ chơi, dụng cụ học tập xuất xứ TQ. Dù đồ chơi ở đây có nhãn ghi rõ xuất xứ TQ và có dán tem hợp chuẩn nhưng nhiều phụ huynh cũng không yên tâm mua cho con chơi vì nhiều loại đồ chơi (như súng bắn bong bóng, quả cầu thủy tinh…) chứa dung dịch lỏng không rõ là chất gì.

Chị Cương (Q.Gò Vấp) cho biết: “Cuối tuần rồi đi mua kính lúp cho con, vào nhà sách toàn kính TQ, ghé siêu thị cũng cũng vậy, cầm nhiều món hàng khác lên đều thấy made in China”. Tại khu chuyên doanh đồ chơi trẻ em, dụng cụ thể thao của siêu thị Lotte Mart (Q.11) và siêu thị Co.opMart (Xa lộ Hà Nội, Q.9), phần lớn đồ chơi trẻ em có xuất xứ TQ.

Ngay cả các mặt hàng gia dụng (bình giữ nhiệt, ấm đun nước, nồi cơm điện, xoang chảo…) tại các hệ thống siêu thị Big C, Co.opMart, Lotte mart…(TP.HCM), hàng TQ cũng lất lướt hàng nội địa. Hiếm hoi lắm, tại siêu thị Co.opMart, Big C có vài nhãn hàng Việt Nam như quạt điện Asia, sản phẩm nhựa Đại Đồng Tiến, Duy Tân…giá bán dao động từ 20.000-200.000đ/sản phẩm, tùy loại.

Ngược lại, các sản phẩm ngoại nhập luôn có giá cao ngất ngưởng. Ví dụ, đàn sạc Led loại nhỏ, đèn pin sạc Uniross xuất xứ TQ, giá 120.000-200.000đ/sản phẩm; bình giữ nhiệt Wanbaolong, bình đun điện Donlim (TQ); bình đun nước Supor (TQ) giá dao động từ 100.000-400.000đ/sản phẩm. Bên cạnh đó, các mặt hàng gia dụng như rổ nhựa, dụng cụ vắt cam… cũng đang bị hàng TQ “đè”.

Trong khi các siêu thị đều rầm rộ khẩu hiệu “Ưu tiên hàng Việt Nam” nhưng thực tế, ở nhiều ngành hàng, hàng TQ vẫn áp đảo hàng trong nước.

Khá thận trọng khi trao đổi với chúng tôi về việc hàng TQ xuất hiện tại các hệ thống siêu thị lớn, cạnh tranh trực tiếp với hàng trong nước, ông Nguyễn Thành Nhân – Phó TGĐ Saigon Co.op, cho biết: “Siêu thị không có sự phân biệt, đối xử với các doanh nghiệp trong nước”. Còn đại diện hệ thống siêu thị Big C miền Nam, bà Dương Thị Quỳnh Trang cho rằng: “Hàng TQ chỉ chiếm số lượng nhỏ, mang tính bổ sung thêm “gia vị” cho sự lựa chọn của NTD. Khi nhập hàng, chúng tôi ưu tiên hàng hóa có xuất xứ trong nước, sau đó mới đến hàng nước ngoài”.

Ở nhiều ngành hàng, NTD không có nhiều lựa chọn. Còn với thực phẩm trôi nổi, nhiều người NTD đã nói “không” nhưng kênh tiêu thụ chính vẫn là nhà hàng, quán ăn.

(Theo Phụ nữ online)