Mặc dù đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới và nhiều tập đoàn có tiềm lực mạnh ra đời, song có lẽ Trung Quốc vẫn là nền kinh tế hiếm hoi ở tốp đầu thế giới chưa có một thương hiệu tầm cỡ quốc tế.

Còn chặng đường dài

Tìm hiểu căn nguyên của vấn đề này, chúng ta thấy có nhiều điểm tương đồng tồn tại trong nền kinh tế và giữa các doanh nghiệp Trung Quốc - Việt Nam trong việc xây dựng một thương hiệu quốc gia hoặc doanh nghiệp tầm quốc tế.

Theo chiến lược và mục tiêu của Bắc Kinh, các tập đoàn mạnh của quốc gia này phải trở những doanh nghiệp lớn mạnh, mang thương hiệu toàn cầu. Cùng với đà tăng trưởng liên tiếp trong nhiều thập kỷ, điều không thể phủ nhận là các tập đoàn của Trung Quốc đang và sẽ nắm giữ thị phần ngày càng lớn; song, cần phải trải qua một chặng đường dài nữa mới có thể lọt vào danh sách những doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Nhắc tới những thương hiệu nổi tiếng của Trung Quốc, có thể kể về tên tuổi Lenovo, Huawei, Haier, China Mobile hay Air China, Bank of China... Nhưng trong danh sách 100 thương hiệu thống lĩnh thế giới do tuần san Business Week và tổ chức Thương hiệu quốc tế Interbrand tập hợp năm 2011, không một doanh nghiệp nào của con rồng châu Á được nhắc đến. Bất chấp một thực tế rằng, nếu xét về tổng doanh thu, có tới 61 doanh nghiệp của Trung Quốc được lọt vào bảng xếp hạng Fortune 500 của Mỹ (10 năm trước, con số này chỉ là 12 doanh nghiệp). Cụ thể, theo số liệu, riêng trong năm 2010, 61 doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc có tổng doanh thu là 2,89 nghìn tỷ USD với tổng lợi nhuận là 176,1 tỷ USD.

Nhưng điều này không có nghĩa là các doanh nghiệp Trung Quốc đã xác lập được chỗ đứng trong danh sách các doanh nghiệp toàn cầu, và dù là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới nhưng hiếm hoi doanh nghiệp của nước này đang hoạt động kinh doanh ở quy mô toàn cầu.Trong số đó, có thể kể đến các tập đoàn năng lượng quốc doanh của Trung Quốc như Sinopec, CNOOC, CNPC và một hai tập đoàn tư nhân như Haier, Huawei. Còn lại, đa số các tập đoàn được gọi là đa quốc gia khác (các ngân hàng, hãng xe hơi, công ty khai khoáng, CNTT) mới chỉ dừng lại ở đầu tư kinh doanh ở một vài châu lục và chưa có được những chuỗi cung ứng, marketing, hậu cần, cơ sở nghiên cứu và phát triển hoặc một mạng lưới nhân sự quy mô lớn.

Từ Lenovo...

Điểm yếu về nhân lực

Một điểm yếu - được xem như gót chân Asin của các tập đoàn Trung Quốc - là thiếu nguồn nhân lực chất lượng, nhất là các nhà quản lý giỏi. Số lượng nhân sự cấp cao có khả năng sử dụng nhiều thứ tiếng, nắm và hiểu nhiều nền văn hóa chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chính các doanh nghiệp Trung Quốc cũng phải thừa nhận điều này. Một nghiên cứu của công ty McKinsey cho biết tới năm 2020, các công ty đa quốc gia của Trung Quốc cần khoảng 75.000 nhà quản lý toàn cầu. Làn sóng sinh viên Trung Quốc đổ xô tham gia vào các khóa đào tạo MBA được cho là vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu bởi hệ thống doanh nghiệp Trung Quốc vẫn thiếu những doanh nhân có kinh nghiệm kinh doanh quốc tế. Tận dụng tình trạng suy thoái ở một số quốc gia phát triển trong vài năm trở lại dây, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ New York, London về Bắc Kinh, Thượng Hải. Theo China Daily, riêng trong năm 2010, các công ty của nước này đã thuê tới 800.000 lao động người nước ngoài.

Khi làm phép so sánh với các tập đoàn đa quốc gia của phương Tây, người ta nhận thấy rằng các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc có xu hướng huấn luyện cho người lao động những kỹ năng mà giới chủ trông chờ ở người lao động. Môi trường làm việc nặng về phân cấp thứ bậc, nhấn mạnh tới tính khuôn phép đã hạn chế đáng kể sức sáng tạo của người lao động. Tinh thần làm việc theo nhóm mới dừng lại ở việc thực hiện theo sự chỉ dẫn của người lãnh đạo. Các công ty này lại tỏ ra khó hòa nhập với hệ thống luật pháp, quy định, môi trường chính trị và thuế của nước ngoài. Doanh nghiệp thường không có các nhóm tư vấn luật trong cơ cấu tổ chức của mình để sẵn sàng đưa ra những lời khuyên về môi trường luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, các doanh nghiệp phương Tây áp dụng chính sách nhân sự mềm mại hơn. Họ khuyến khích người lao động tự phấn đấu, khuyến khích sự sáng tạo và thay đổi theo nhu cầu của công việc. Người lao động được huấn luyện không chỉ thông qua các chương trình đào tạo trong doanh nghiệp mà còn qua hoạt động quản trị bên ngoài doanh nghiệp, tại các cơ sở đào tạo liên kết có uy tín. Trung Quốc và nhiều nước khác còn thiếu những điều kiện này.

... đến China Mobile hay các thương hiệu khác của Trung Quốc vẫn chưa đạt tầm quốc tế.

Một vấn đề quan trọng khác ngăn cản bước đi đi toàn cầu hóa của doanh nghiệp Trung Quốc chính bởi cách điều hành còn thiếu minh bạch và thiếu một cơ chế giám sát hiệu quả, dẫn tới tình trạng tham nhũng. Văn hóa doanh nghiệp Trung Quốc đề cao các mối quan hệ cá nhân hơn là quan hệ thể chế (institutional relationship), nhiều quyết định của doanh nghiệp còn hướng tới các lợi nhuận trước mắt. Trong khi đó, văn hóa của các doanh nghiệp phương Tây coi trọng cách làm việc theo nhóm, sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà quản lý với nhân viên, sự minh bạch, môi trường đa văn hóa và quan hệ thể chế, lấy hiệu quả công việc là trung tâm.

Lấy lại niềm tin của người tiêu dùng

Mặt khác, như đã đề cập ở trên, hiện Trung Quốc vẫn thiếu đi những thương hiệu tầm cỡ quốc tế, trong khi đó để xây dựng được một thương hiệu toàn cầu cần đầu tư rất nhiều tiền của, công sức, nguồn lực vào việc quảng bá, xây dựng mạng lưới khách hàng bền vững. Nhưng cùng với những hình ảnh tiêu cực của hàng hóa giá rẻ, kém chất lượng của Trung Quốc đang lan tràn nhiều nơi trên thế giới, việc xây dựng một thương hiệu uy tín, đáng tin cậy với doanh nghiệp Trung Quốc càng trở nên khó khăn hơn. Điều mà doanh nghiệp Trung Quốc cần làm hiện nay chính là xây dựng và củng cố niềm tin của người tiêu dùng quốc tế vào hàng hóa của mình hơn là tấn công thị trường thế giới bằng làn sóng hàng hóa giá rẻ.

Hiện nay, để xâm nhập nhanh vào sân chơi toàn cầu, các tập đoàn kinh tế của Trung Quốc, với sự hậu thuẫn từ phía chính phủ, thường sử dụng hình thức mua bán và sáp nhập (M&A) để thâu tóm các doanh nghiệp, thương hiệu quốc tế. Đây là cách thức nhanh nhất để có được công nghệ tiên tiến, mạng lưới bán hàng trải rộng sẵn có và nhất là kế thừa được các thương hiệu đã nổi tiếng.

Theo Financial Times, tận dụng đợt suy thoái kinh tế, Trung Quốc đang mạnh tay thâu tóm các doanh nghiệp của Mỹ và dự báo dòng vốn đầu tư vào  các thương vụ M&A tại Mỹ của Trung Quốc sẽ đạt kỷ lục trong năm nay. Điển hình là các vụ công ty Dalian Wanda thâu tóm chuỗi rạp chiếu phim AMC Entertainment (Mỹ) với giá 2,6 tỷ USD; Sinopec bỏ ra 2,4 tỷ USD để nắm phần lớn cổ phần của hãng dầu khí Devon Energy hay vụ đấu thầu công ty không gian Hawker Beechcraft với giá 1,8 tỷ USD vào đầu tháng 7/2012.

Nhưng hoạt động M&A của Trung Quốc đã có những dấu hiệu chững lại cả về số lượng và giá trị mua bán. Trong giai đoạn 2008-2010, 90% trong số 300 vụ M&A của Trung Quốc đã bị thất bại và doanh nghiệp Trung Quốc đã bị mất đi 40-50% giá trị sau khi mua bán và sáp nhập, nhất là trong các ngành công nghệ, viễn thông và khai khoáng. Chính phủ các nước phương Tây, Mỹ, Úc và nhiều nước khác cũng đang lên tiếng cảnh báo về làn sóng công ty Trung Quốc thâu tóm các doanh nghiệp của mình và dù trong thời kỳ khủng hoảng nhưng các nước này vẫn rất tỉnh táo ngăn sự thâm nhập của Trung Quốc vào các lĩnh vực nhạy cảm.

Tóm lại, theo kết quả xếp hạng Fortune Global 500 được công bố hồi tháng 7/2012, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành quốc gia có nhiều đại diện thứ hai trên bảng xếp hạng, chỉ sau Mỹ. Tuy nhiên, Ning Zhu, Phó giám đốc Học viện tài chính cấp cao Thượng Hải, giảng viên đại học Yale và đại học California của Mỹ cho rằng doanh nghiệp Trung Quốc dù lớn những không hẳn đã mạnh. Đa số các công ty dẫn đầu tại Trung Quốc đều xuất thân từ những ngành độc quyền hoặc bán độc quyền nơi mà rào cản gia nhập là rất cao còn tính cạnh tranh hầu như không có. Bởi vậy, nhận định rằng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ còn một chặng đường dài nữa mới có thể trở thành các tập đoàn đa quốc gia toàn cầu không phải là không có cơ sở.

A Vũ(Tổng hợp)