- Những đại gia "ngoại" trong ngành công nghiệp xây dựng khu phức hợp nghỉ dưỡng (IR - trong đó có hoạt động kinh doanh casino) có thể sẽ phải tính lại khả năng đầu tư vào Việt Nam.
Casino vẫn khó có cửa ở Việt Nam?
Chân dung tỷ phú casino không thích đánh bạc
Siết kinh doanh casino
Đúng như dự đoán, dự thảo Nghị định về hoạt động kinh doanh casino được Bộ Tài chính đưa ra góp ý trước khi trình Chính phủ không có nhiều điểm mới, song, một số quy định lại có hướng thắt chặt hơn.
Trên tinh thần chung, casino là hoạt động kinh doanh có điều kiện nên việc cấp phép mở mới sẽ rất hạn chế. Chẳng hạn, để tham gia kinh doanh lĩnh vực này, chủ đầu tư phải có mức vốn đăng ký tối thiểu là 4 tỷ USD và ít nhất 10 năm kinh nghiệm tổ chức, quản lý khu du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí tổng hợp, trong đó có kinh doanh casino.
Dự thảo cũng quy định: chỉ người nước ngoài và Việt kiều được vào các điểm casino. Khu vực này phải được bố trí cách ly khỏi các hoạt động kinh doanh khác. Diện tích casino cũng không vượt quá 3% tổng diện tích xây dựng của các công trình trong khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp.
Trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan cấp giấy phép phải lấy ý kiến thẩm định của ít nhất 5 Bộ, ngành như: Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Bộ Công an, Bộ VH-TT&DL, Bộ Xây dựng.
Bên cạnh đó, việc cấp giấy phép kinh doanh casino chỉ được thực hiện sau khi chủ đầu tư đã hoàn thành xây dựng các công trình như trong dự án trình các cơ quan chức năng.
Nhìn chung, dự thảo trên không có nhiều điểm mới và vẫn có những quy định - đang là vấn đề mấu chốt - khiến một số nhà đầu tư lớn trên thế giới gặp khó khi tính toán đầu tư những khu phức hợp nghỉ dưỡng lớn tại Việt Nam.
Chẳng hạn, quy định về mức vốn và kinh nghiệm hoạt động là không khó đối với một số tập đoàn lớn, bởi họ thừa sức đáp ứng được. Số vốn, thậm chí có thể đưa vào Việt Nam ở mức gấp đôi so với quy định trong dự thảo.
Song, vướng mắc hơn cả có lẽ nằm ở chỗ: lợi nhuận của các tập đoàn không được đảm bảo khi mà các quy định quản lý hoạt động casino bị siết chặt, ví như: các điểm kinh doanh phải được bố trí cách ly ra khỏi khu vực tổ chức hoạt động kinh doanh khác (như MICE: hội nghị, hội thảo, triển lãm; khách sạn, nhà hàng, cửa hàng... ); diện tích dành cho casino ở mức 3% (so với mức phổ biến 4% trên thế giới); không cho người Việt tham gia...
Nhà đầu tư thận trọng
Theo một số chuyên gia trong nước, dự thảo Nghị định kinh doanh casino có nhiều quy định khắt khe khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài e ngại, thận trọng hơn khi lên kế hoạch mở các khu phức hợp nghỉ dưỡng (có kèm casino) vốn hàng tỷ USD tại Việt Nam, trái với thái độ hào hứng và cởi mở cách đây hơn nửa năm.
Chủ tịch kiêm CEO tập đoàn Las Vegas Sands, tỷ phú Sheldon Adelson, cho biết, ông và các đối tác đang xây thêm hàng loạt khách sạn, với số vốn vài tỷ USD mỗi dự án, tại Macao (bên cạnh Four Season, Conrad, Holliday Inn... ) để hoàn thiện các khu phức hợp nghỉ dưỡng của mình. Ông Adelson cũng khẳng định kế hoạch mở rộng hoạt động đầu tư tại châu Á, tập trung tại một số nước và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.
Đại diện Las Vegas Sands nói rằng mối quan tâm của họ đối với Việt Nam vẫn rất lớn, và tập đoàn này hiện tiếp tục làm việc với Việt Nam để giải thích kỹ hơn về mô hình hoạt động của một khu phức hợp nghỉ dưỡng (IR) cũng như lợi ích mang lại cho cả hai bên.
Tuy nhiên, đầu tư các khu IR tại Việt Nam không phải là dễ bởi các quy định về lĩnh vực này còn thiếu. Hơn nữa, những nội dung trong dự thảo nghị định mới đây về kinh doanh casino có thể khiến Las Vegas Sands phải tính toán lại chiến lược đầu tư tại châu Á.
Nếu như cách đây vài tháng, ông Adelson còn nhấn khá mạnh tới điểm đến Việt Nam thì giờ đây, tỷ phú này khá thận trọng xếp Việt Nam ở vị trí cuối cùng trong số các điểm đến đang được cân nhắc, tính toán. Ông cho hay, ông không đầu tư xây khách sạn, khu mua sắm và không gian MICE, giải trí... trước rồi sau đó, nếu được chấp thuận thì mới đề cập tới casino.
Lý do, theo ông, là "không thể làm như thế, ở trong bất cứ hoàn cảnh nào", bởi với mô hình kinh doanh khu phức hợp nghỉ dưỡng, kinh doanh giải trí, kinh doanh MICE, spa... đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng đều thua lỗ. Song, chúng lại có khả năng thu hút khách du lịch và khách MICE. Để có thể xây dựng tổ hợp gồm tất cả các loại hình dịch vụ đó, đòi hỏi phải có casino để bù đắp những dịch vụ không mang lại lợi nhuận.
Gần đây, nhiều chuyên gia trong nước đề xuất, Việt Nam không nên cho mở casino. Nguyên nhân là mặt trái của hoạt động này khá nhiều. Mặc dù mô hình khu phức hợp nghỉ dưỡng (bao gồm casino) có nhiều ưu điểm vượt trội, song nếu chưa có hình thức quản lý thích hợp thì nên cấm hẳn, thay vì đưa ra quá nhiều quy định ràng buộc. Nhà đầu tư khi đó sẽ không ai dám vào.
Ở chiều ngược lại, cũng có nhiều chuyên gia đồng tình với các dự án IR có kèm kinh doanh casino và cho phép người Việt Nam trong nước đủ điều kiện vào chơi casino. Các ý kiến theo hướng này khẳng định việc cho phép mở cửa các khu phức hợp nghỉ dưỡng như vậy có tác động tích cực đến ngành du lịch. Theo họ, lộ trình cho phép người nước ngoài vào chơi casino đã thực hiện nhiều năm, và đã đến lúc cho người Việt Nam có điều kiện kinh tế cùng tham gia nhằm ngăn chặn dòng tiền chảy vào casino ở nước ngoài. Việc quản lý dòng tiền xấu chảy vào các casino là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng. Điểm quan trọng ở đây là cần phải xây dựng một cơ chế công khai, minh bạch, chính sách phải phù hợp với thực tế và không được ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục, không ảnh hướng xấu tới an ninh, trật tự xã hội...
Dù theo hướng nào thì các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh casino cũng cần xét đến các yếu tố xã hội và văn hoá tại một nền kinh tế đang phát triển ở châu Á như Việt Nam.
Mạnh Hà