- Bên cạnh bánh Trung thu tiền triệu, bát phở hàng trăm ngàn… cũng có đầy rẫy những loại bánh không đạt chất lượng bán rẻ đầy đường. Trong khi người ta đang ồn ào chuyện đắt rẻ thì dường như bỏ quên đi chuyện chất lượng và giá trị thực của hàng hóa dịch vụ mình bỏ tiền mua.


Giá đắt có gì mà ồn ào?

Đến hẹn lại lên, dịp Tết Trung thu cận kề bao giờ chuyện bánh trái cũng được hâm nóng. nào là bánh giả, bánh rởm, vỏ một đằng, ruột một nẻo… Những năm gần đây lại nóng nhất là “chuyện bánh VIP” khi các thương hiệu tên tuổi tung ra nhiều dòng bánh cao cấp.

Có nhiều bộ sưu tập với các dòng sản phẩm hoàn toàn mới có tên gọi rất kêu như: Trăng vàng Kim cương, Trăng vàng Bạch kim... hay Đế Nguyệt, Thưởng Nguyệt, Minh Nguyệt... được làm từ nguyên liệu thượng hạng như sò điệp nhật xốt X.O, cua Huỳnh Đế, tôm càng Bách Hoa...

Nhìn vào thị trường bánh Trung thu, người ta cứ hoa hết cả mắt. Về giá bán, tăng khoảng 10%, dao động từ 32.000-72.000 đồng. Đối với các dòng bánh cao cấp, giá từ 220.000 – 580.000 đồng/hộp. Ngoài ra, có dòng sản phẩm lên tới 1,2 triệu đồng/hộp.

Tuy nhiên, những dòng sản phẩm cao cấp của các thương hiệu quen thuộc trên dường như chưa thấm vào đâu so với các dòng bánh Trung thu "đại gia” của các nhà hàng, khách sạn quen thuộc như Daewoo, Hanoi Hotel, Long Đình, Melia, Hilton Opera...

Đặc biệt, năm nay chứng kiến những dòng hàng độc và rất đắt tiền của một loạt thương hiệu như Vương Kim Tri Ngộ, với Vương Kim Tri Ngộ Ballantine’s 30 có giá hơn 10 triệu đồng của Hanoi Hotel hay dòng sản phẩm hộp Vip Bạch Kim với rượu Hennessy với giá 3,8 triệu đồng, hộp VIP Vàng với rượu Johnnie Walker có giá 2,8 triệu đồng của Hilton Opera.


Tuy nhiên, điều đáng nói là cái bánh Trung thu tiền triệu thay vì được thưởng thức một cách thi vị, ngon lành trong dịp Trung thu - cái tết dành cho con trẻ - phút chốc bỗng trở thành đề tài bàn luận, thậm chí đàm tiếu của thiên hạ. Bởi không ít người lâu nay vẫn tin, hoặc cố tin rằng ở Việt Nam, người ta không ăn các loại bánh Trung thu cao cấp mà chỉ dùng để lo lót, biếu xén, mưu cầu này nọ…

Nó dường như khiến ngày lễ Trung thu - vốn mang ý nghĩa là cái tết sum vầy, cái tết dành cho thiếu nhi - không còn mang mục đích đơn thuần như xưa, dù rằng có cầu ắt có cung.

Chợt nhớ, cách đây chừng hơn 1 năm, dư luận cũng từng âm ỉ rồi xôn xao và “đánh” tơi bời những ai “dám” ăn bát phở có tên gọi là “phở bò Kobe” lên tới 750 ngàn đồng.

Nhưng xem ra giá một bát phở 750 ngàn đồng thì có gì quá to tát đến mức gây bàn tán xôn xao và người mua không có nghĩa vụ phải giải thích việc bỏ ra gần một triệu đồng để ăn một bát phở.

Còn tiền ở đâu ra để ăn bát phở đó thì có nhất thiết phải là chuyện quan trọng? Với các doanh nhân thì chuyện đó lại càng không quan trọng. Nhiều doanh nhân giàu có đã nếm trải những bát phở dưới 1 USD ở thời kỳ khó khăn và điều đó nhất thiết không phải rào cản để họ tiếp cận những dịch vụ đắt tiền khi đã trở nên giàu có.

Đừng gán ghép cho bát phở và người ăn phở những gì không thuộc về nó. Cũng nên mở ngoặc một chút: sau đó ít lâu, loại phở này tăng thêm 100 ngàn nữa, lên 850 ngàn đồng/bát mà vẫn đông khách và chẳng thấy còn ai bàn ra tán vào!

Giá rẻ cũng lắm chuyện đáng bàn

Quay trở lại với cái bánh Trung thu. Dù đến nay vẫn chưa có “đại gia” nào lên tiếng về việc mua hay nhận cái bánh đắt, nhưng nên nhớ hiện trên thị trường đã đầy rẫy những thông tin chẳng hay ho gì về các loại bánh…rẻ!

Các lực lượng chức năng Hà Nội mới bắt giữ hàng loạt bánh và nhân bánh Trung thu nhập khẩu từ Tàu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có phiếu kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm được bán cho các cơ sở sản xuất để làm nhân bánh Trung thu.

Thậm chí, ngay cả một số chợ nội thành thuộc địa bàn “phố cổ” cũng bày bán công khai nhân bánh Trung thu làm sẵn với giá chỉ từ 45.000 - 55.000 đồng/kg, sẵn sàng phục vụ cho các cơ sở chế biến với số lượng lớn.

Đặc biệt, ngoài thị trường thực, một thị trường bánh trung thu ảo, thực giả khó lường đang xuất hiện rầm rộ trên “mạng”. Ngay khi thị trường Trung thu vào mùa, đã có nhiều website bán bánh Trung thu tung các chiêu quảng cáo, chiết khấu hấp dẫn. Không ít các website quảng bá, cung cấp hầu hết các thương hiệu lớn trên thị trường như Bibica, Kinh Đô, Brodard, Givral, Như Lan... với mức chiết khấu đến 25%.

Nhưng một đại diện của Kinh Đô lại khẳng định: “Kinh Đô không thực hiện bất kỳ hình thức kinh doanh bánh Trung thu nào qua mạng. Các website bán bánh Trung thu đều không phải là nhà phân phối hay đối tác trực tiếp của Kinh Đô”. Tương tự, Bibica, Như Lan, Hỷ Lâm Môn, Brodard, Givral... đều công bố không bán hàng qua mạng mà bán trực tiếp tại cửa hàng.

Các nhà sản xuất khuyến cáo người tiêu dùng, các cơ quan tổ chức nên mua hàng trực tiếp từ các quầy hàng, điểm bán và các đại lý phân phối chính thức để chống bánh Trung thu giả từ “mạng”.

Và dĩ nhiên, cái giá người tiêu dùng có thể phải trả khi “dùng nhầm” loại bánh Trung thu rẻ có nguồn gốc đáng ngờ này thật chẳng rẻ chút nào.

Trong trường hợp này thì người ta dẫu có không dồi dào tiền bạc cho lắm cũng phải công nhận họ chỉ còn có 2 lựa chọn: Một là nhịn bánh Trung thu hẳn đi “cho nó lành”, hai là bấm bụng mua cái bánh đắt mà hàng xịn chứ dại dột mà ham rẻ rước mấy cái bánh Trung thu dạng “hàng chợ” về, có khi “vỡ mặt”.

Đến đây, người ta mới lật lại vấn đề: Vậy đối với người tiêu dùng bánh đắt hay bánh rẻ mới thực sự có giá trị, mới thực sự an toàn?

Rõ là ở cái thời loạn thông tin, từ cái ôtô cho người giàu đến cái bánh nướng cho con trẻ nhà nghèo, hay ngay trong một vật phẩm nào đó, dù đắt đỏ hay rẻ bèo đều có chuyện...

Tâm Thời