- "Nhìn cái túi nước khổng lồ treo lở lửng trên đầu, rồi động đất liên tục hỏi làm răng mà yên tâm làm ăn được. Tui tính gom hết vốn, bán nhà về Đà Nẵng hay Tam Kỳ ở, nhưng mấy tháng ni chẳng ma nào hỏi mua...", đại gia N.H.H ở thị trấn Trà My tâm sự.

"Cách đây hơn 1 năm, thị trấn miền rừng này đông vui nhộn nhịp bởi người mua kẻ bán. Để chen chân được ở thị trấn Trà My không phải là dễ. Còn bây giờ người dân hoang mang lo lắng. Nhiều gia đình khá giả đang tìm đường chạy trốn khỏi vùng đất này...", lão đại gia N.L.D than thở.

Hơn 25 năm trước, thủ phủ của huyện Trà My cũ, nay là Bắc Trà My - là miền đất hứa. Ở thị trấn này, chỉ có những đại gia lắm tiền mới có thể trụ lại buôn bán, kinh doanh hai mặt hàng quế và gỗ. Nhờ đó, nhiều người từ đồng bằng lên đây bám trụ và giàu lên nhanh chóng. Rồi quế mất giá thê thảm, nhiều đại gia chuyển sang kinh doanh đất nền khi tuyến đường Nam Quảng Nam xuyên qua Tây Nguyên hình thành.

Đ. - một đại gia "máu mặt" tại thị trấn Trà My phất lên làm ăn buôn bán, dốc tiền làm nhà cao tầng, mở nhà hàng lớn, rồi "ôm" đất... Nhưng nay, Đ "đại gia" nhăn nhó: "Bây chừ đi cũng dở mà ở cũng không xong. Tất cả vốn liếng đều đổ dồn vô mấy cái nhà hàng, đất đai, nhà cửa. Kêu bán chẳng ai thèm mua. Nếu bán được tui về Đà Nẵng mua miếng đất làm nhà cho vợ con ở khỏi đêm ngày lo ngay ngáy động đất, thủy điện...".

Một góc trung tâm thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, cách đây hơn 1 năm nhộn nhịp. Còn bây giờ người dân hoang mang lo lắng vì động đất tìm đường rời khỏi vùng động đất nà.

Nhiều người ở đây cũng rơi vào thảm cảnh tương tự, bởi họ đã đổ tiền tỷ vào xây dựng nhà cửa, rồi mua đất... bây giờ không thể bán nhà rút tiền ra được.

"Có ai nghĩ thủy điện báo hại đến vậy. Anh em tụi tui cứ nghĩ xong đường Nam Quảng Nam lên Tây Nguyên, rồi hàng loạt thủy điện xây dựng chắc chắn sẽ làm ăn được. Ai ngờ bây chừ động đất liên tục, rồi thủy điện nước phun trào khiến người dân hoang mang lo lắng. Thử hỏi có ai dám lên đất ni làm ăn sinh sống?"-một ông chủ lo lắng.

Khác nhiều đại gia ở Trà My đã dồn tất cả vốn liếng vào mua đất, cất nhà hoành tráng với ý định làm ăn lâu dài nơi thị trấn miền rừng này, một số người trúng vàng, trúng trầm... tính toán lộ trình làm ăn không dài nên âm thầm đưa con cái về Tam Kỳ, Đà Nẵng ăn học và mua đất dựng nhà. Cuộc "trốn chạy" khỏi miền động đất của họ giờ nhẹ nhàng hơn.

Nhờ nắm bắt nhanh nhạy thông tin và những bất an của người dân vùng động đất, một đại gia B. đã nhanh chân chạy về Tam Kỳ mua đất cất nhà và đưa vợ con về cách đây gần 1 năm kể từ ngày động đất xảy ra. Anh nói rằng, đầu tuần lên Trà My làm việc, cuối tuần về Tam Kỳ, anh đỡ phải lo lắng như nhiều người.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình kinh doanh buôn bán có của ăn của để cũng rục rịch chuyển về Đà Nẵng mua đất. Chị Lê Thị K., chủ buôn bán quế lâu năm ở Trà My cho hay khi quế rớt giá, chị bàn với chồng về Tam Kỳ mở quán kinh doanh nên đang tính sang nhượng cửa hàng tạp hóa. Nhưng hơn 6 tháng trôi qua vẫn chưa làm được.

Còn người dân nghèo ở các khu tái định cư thì tính chuyện bỏ nhà vào rừng tìm đất làm nương rẫy, dựng lều sinh sống.

Không biết cuộc trốn chạy động đất và thủy điện của người dân nơi thị trấn miền rừng này bao giờ mới kết thúc. Tình cờ gặp lại một đại gia nguyên là dân thị trấn Trà My những năm 90 đang có nhà ở Tam Kỳ, anh cười bảo: "Tui rời khỏi Trà My năm 1997 vì bị kỷ luật. Về Tam Kỳ mở quán nhậu, nhà nghỉ, kiếm cũng được. Thế trong họa có phúc. Nếu tui bám ở lại Trà My đến chừ chắc trắng tay vì động đất và thủy điện cũng nên... ".

Vũ Trung