- Từ 26/9/2012, 19 nhóm hàng tiêu dùng thuộc diện kiểm soát, hạn chế nhập khẩu đã được Bộ Công Thương chính thức tạm ngừng chế độ cấp phép nhập khẩu tự động, trong đó đáng chú ý có ôtô, mỹ phẩm, sữa...

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 27 ngày 26/9 hướng dẫn về chính sách trên. Theo đó, chế độ cấp phép nhập khẩu tự động đã áp dụng từ ngày 12/7/2010 theo Thông tư 24/2010 của Bộ Công Thương ban hành ngày 28/5/2010 sẽ chính thức tạm dừng kể từ ngày 26/9/2012. Các thương nhân nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục của

Thông tư 24 sẽ được làm thủ tục thông quan bình thường mà không cần xin giấy phép nhập khẩu tự động.
Cụ thể, có tới 19 nhóm hàng tiêu dùng được tháo gỡ chế độ siết chặt nhập khẩu này. Trong đó, mặt hàng được quan tâm nhiều nhất là các loại ô tô, bao gồm từ dưới dung tích 1.8 lít tới trên 3.0 lít, các loại xe mô tô, kể cả xe đạp máy và xe scooter.

Ngoài ra, có hàng trăm mặt hàng tiêu dùng quen thuộc nhập ngoại khác được hưởng chế độ nhập khẩu bình thường là đồ uống, rượu, nước hoa, mỹ phẩm, giày, dép, hàng dệt may, gốm sứ, các sản phẩm từ sắt, thép, thủy tinh, đồ nội thất, các loại thực phẩm tươi sống, đông lạnh từ thịt, cá, cua, các chế phẩm ngũ cốc, bột, sữa, bánh, rau, quả.


Năm 2010, chế độ nhập khẩu tự động được Bộ Công Thương ban hành nhằm kiềm chế nhập siêu. Giấy phép được cấp cho thương nhân dưới hình thức xác nhận đơn đăng ký nhập khẩu cho mỗi lô hàng. Riêng hàng hoá nhập khẩu qua cửa khẩu đường bộ và từ các khu phi thuế quan vào nội địa được xác nhận đăng ký nhập khẩu theo thời gian.

Thời hạn của các giấy phép này chỉ kéo dài trong vòng 30 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương xác nhận.

Đến nay, nhập siêu đã giảm mạnh. Trong 9 tháng qua, Tổng Cục Thống kê ước tính Việt Nam đã chuyển sang xuất siêu 34 triệu USD trong khi trước đó, tính đến hết tháng 8, cán cân thương mại vẫn là nhập siêu 62 triệu USD.

Cập nhật tới tháng 8, Bộ Công Thương cho biết so với cùng kỳ, kim ngạch của nhóm hàng cần nhập khẩu ước tăng 10,1% và chiếm tỷ trọng 88,3%, kim ngạch của nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu ước giảm 31,2% và chiếm tỷ trọng 3,8%, kim ngạch của nhóm hàng hạn chế nhập khẩu ước đạt 3,33 tỷ USD, giảm 9,5% và chiếm tỷ trọng gần 4,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Cuối tháng 8, trước tình hình giảm thu ngân sách, Tổng Cục Hải quan cũng đã kiến nghị loại bỏ hàng loạt các quy định siết chặt nhập khẩu của Bộ Công Thương.

Trong đó, hải quan cho rằng cần bỏ chế độ nhập khẩu tự động của Thông tư 24 vì hầu như 100% các đơn hàng đều được cấp phép, bản chất vẫn được nhập khẩu bình thường trong khi thời gian làm thủ tục bị kéo dài, gây ách tắc hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Các thủ tục chặt chẽ hạn chế nhập khẩu ở Thông báo 197 đối với mỹ phẩm, điện thoại di động, rượu và Thông tư 20 đối với ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống nguyên chiếc cũng được cơ quan này đề nghị hủy bỏ.

Phạm Huyền