Tỷ giá bình quân liên ngân hàng do NHNN công bố gần như bất động suốt một thời gian dài. Điều đó không có nghĩa thị trường ngoại hối đang bình yên.
Vàng có thể lên trên 50 triệu đồng/lượng
Đầu tuần, vàng mất mốc 47 triệu
Vàng và USD cùng tăng giá
Cây muốn lặng...
Tỷ giá ổn định đã tạo điều kiện để NHNN mua vào USD, tăng dự trữ ngoại hối lên khoảng 19 tỷ USD (con số được chính thức công bố vào tháng 7/2012). Còn theo Bản tin nghiên cứu thị trường của ngân hàng BIDV đưa ra tháng 9/2012, dự trữ ngoại tệ quốc gia đã tăng lên khoảng 22 - 23 tỷ USD, tương đương 11,5 tuần nhập khẩu. Thị trường ngoại hối lặng sóng đã hỗ trợ NHNN điều hành chính sách tiền tệ, mà điển hình là liên tục giảm lãi suất tiền đồng để kích cầu tín dụng. Có nhiều lý do khiến tín dụng không tăng như mong muốn. Và tính chung thì tín dụng không tăng nhiều nên tín dụng ngoại tệ cũng không tăng nhiều.
Chênh lệch lãi suất cho vay VND và USD không còn lớn như những năm trước, nhưng vẫn ở mức đáng kể nên không ít doanh nghiệp vẫn muốn vay bằng USD. Đặc biệt, khi tỷ giá không biến động nhiều thì rủi ro tỷ giá giảm, vay USD có lợi hơn VND. Bên cạnh đó, nhu cầu ngoại tệ cho các dự án trọng điểm của nền kinh tế tăng, trong khi huy động ngoại tệ giảm, càng khiến các NHTM mất cân đối về nguồn vốn ngoại tệ. Khi gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ, rút bất cứ thời điểm nào khách hàng vẫn được hưởng mức lãi suất cao nhất 2%/năm. Đây chính là cách mà nhiều NHTM đang "lách" trần lãi suất huy động USD của NHNN.
Về nguồn cung, Vietcombank - ngân hàng thương mại hiện đang đứng đầu về các sản phẩm, dịch vụ ngoại hối cho thấy, tỷ lệ vốn huy động bằng ngoại tệ liên tục sụt giảm. Tình trạng này không chỉ xảy ra đối với Vietcombank mà với cả các ngân hàng lớn khác như Vietinbank, BIDV. Đây cũng chính là lý do khiến các ngân hàng này phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế. Trong bối cảnh vị thế đồng USD lung lay, khủng hoảng kinh tế lan khắp châu Âu, Vietinbank đã chấp nhận mức lãi suất trái phiếu lên đến 8,25% (phát hành 250 triệu USD trái phiếu quốc tế vào tháng 5/2012, trong kế hoạch 500 triệu USD của năm 2012) là minh chứng khá rõ ràng cho vấn đề này. Đại hội cổ đông thường niên năm 2012 của Vietcombank cũng đã thông qua chủ trương phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế. Chưa hết, sau nhiều lần dự kiến, BIDV đang khởi động lại chương trình phát hành trái phiếu quốc tế, tiếp theo đó là một số ngân hàng thương mại cổ phần khác. Nếu không gặp những biến cố về nhân sự, nợ xấu, sáp nhập, mua bán... thì có lẽ những kế hoạch phát hành trái phiếu của các ngân hàng này đã được thực thi.
Nhưng gió chẳng đừng...
Thị trường ngoại tệ lặng sóng, nhưng nếu để ý một chút thì những lần tăng của tỷ giá trên thị trường tự do đều xuất phát từ giá vàng. Gần đây nhất là ngày 23/8, giá vàng hốt hoảng tăng khiến các NHTM liên tục thay đổi tỷ giá niêm yết. Giá vàng hôm 14/9 đã vọt qua mức 47,4 triệu đồng. Giá vàng thế giới tiếp tục tăng, đe dọa chạm mốc 1.800 USD/oz. "Thói quen" của người Việt Nam là sốt sắng mua vào khi giá vàng tăng, bán ra khi giá giảm. Vì thế, việc giá vàng lập đỉnh sẽ đẩy cầu vàng tăng nhanh hơn. Cho dù NHNN đã cho phép SJC sản xuất vàng miếng, nhưng với một mình SJC thì chắc chắn nguồn cung khó đáp ứng được tốc độ tăng của cầu trong bối cảnh hiện nay. Vấn đề là, giá vàng càng tăng nhanh, càng chênh lệch với giá vàng thế giới thì nhu cầu USD để nhập khẩu vàng, cả chính thức và nhập lậu, sẽ tăng theo. Những chính sách mà NHNN ban hành liên quan tới thị trường vàng suốt thời gian qua có thể cho thấy, cơ quan quản lý đang bất lực trước sự biến động của thị trường này. Vì thế, vàng - USD sẽ tiếp tục là một "cặp đôi hoàn hảo" trong việc làm nóng thị trường.
Mặt khác, việc giữ tỷ giá "chết" quá lâu chắc chắn sẽ có tác động bất lợi cho nền kinh tế. Đơn cử, VND được định giá cao hơn so với giá trị thực của nó sẽ khiến hàng nhập khẩu trở nên rẻ hơn. Xu hướng dùng hàng ngoại tăng sẽ giết chết sản xuất trong nước. Một điểm sáng về ngoại tệ mà các nhà điều hành chính sách nói đến năm nay là kiều hối. Mức kiều hối lên đến 6 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm và dự kiến cả năm đạt 10 tỷ USD là con số đáng mừng. Song, có một thực tế là tuy ngân hàng thương mại nào cũng có kênh nhận kiều hối, nhưng gần như tiền về lập tức lại chảy ra khỏi khỏi ngân hàng. Đích đến của kiều hối là đâu là câu hỏi hóc búa đối với các nhà quản lý. Điều đó có nghĩa, một lượng ngoại tệ lớn đã, đang tiếp tục nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng.
Một vấn đề khác, sự trì trệ của khu vực doanh nghiệp sản xuất; những bê bối trong ngành ngân hàng ngày càng nhiều, khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng mất điểm. Sẽ rất khó ngăn được dòng chảy ra của vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp. Như vậy, cung ngoại tệ giảm sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Nếu không có biện pháp phòng ngừa từ bây giờ, e rằng những con sóng ngầm đang lớn dần dưới sự phẳng lặng của tỷ giá bình quân liên ngân hàng!
(Theo Doanh nhân)