Có thể thấy rằng gói hỗ trợ trị giá 29 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, về bản chất kinh tế cũng là một gói kích thích kinh tế. Tuy nhiên, dường như nó vẫn chưa lớn để thay đổi cục diện của nền kinh tế Việt Nam hiện tại.
Câu hỏi đặt ra là liệu có cần phải đưa ra một gói kích thích kinh tế nữa nhằm phục hồi nền kinh tế nước ta hiện nay hay không?. VEF xin giới thiệu bài viết thể hiện quan điểm về vấn đề này của TS.Trịnh Hữu Hạnh từ Học viện Tài chính
Giải cứu BĐS: Càng gỡ càng rối
Giải cứu DN: Chỉ là 'đòn gió'?
Để trả lời cho câu hỏi này, cần thiết phải phân tích nhằm làm sáng tỏ những lợi ích đạt được và những hậu quả xấu từ việc đưa ra một gói kích thích kinh tế trong giai đoạn này. Nếu đưa ra một gói kích thích kinh tế trong giai đoạn hiện nay có thể gây ra hai bất lợi chính như sau:
Một là: Sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách Nhà Nước, điều này sẽ gây nên sức ép không nhỏ đối với điều hành của Chính Phủ.
Hai là: Nếu không phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ thì khi đưa ra một gói kích thích kinh tế có thế dẫn đến nguy cơ lạm phát cao sẽ quay trở lại với nền kinh tế nước ta.
Bên cạnh những bất lợi, việc đưa ra gói kích thích kinh tế ở thời điểm này sẽ đạt được nhiều lợi ích như sau:
Một là: Phù hợp với bối cảnh chung của thế giới cũng như điều kiện thực tại của kinh tế Việt Nam hiện nay.
Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hiện nay, việc đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu vẫn luôn là một ưu tiên, một động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Để đẩy mạnh xuất khẩu và giảm nhập siêu trong thời gian tới cần phải thực hiện nhiều giải pháp, tuy nhiên một trong những giải pháp quan trọng nhất đó là các DN Việt Nam cần phải hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm, có như vậy mới sản xuất ra những hàng hóa có chất lượng tốt, giá cả có thể cạnh tranh được với các hàng hóa trên thị trường thế giới. Để thực hiện được điều này thì chi phí vốn đối với các DN Việt Nam phải được hạ xuống.
Việc Chính phủ đưa ra một gói kích thích kinh tế trong thời điểm này sẽ góp phần quan trọng cho các DN tiếp cận được nguồn vốn với chi phí rẻ.
Nếu có cơ chế chính sách phù hợp thì tiền của gói kích thích sẽ được đầu tư vào những tài sản làm tăng nguồn thu ngân sách Nhà Nước trong dài hạn, như vậy không những giải quyết được vấn đề trước mắt đối với hầu hết DN trong giai đoạn khó khăn hiện tại mà còn thu được những kết quả tốt đối với nền kinh tế nước ta trong tương lai.
Điều này được thể hiện dước góc độ: Khi đưa ra gói kích thích kinh tế sẽ góp phần nâng cao năng lực hoạt động của các DN, tạo nên các DN mới, việc làm được tăng lên, sản lượng sản xuất tăng lên, sự tăng lên của việc làm và sản lượng diễn ra cả trong ngắn hạn, trung hạn lẫn dài hạn. Tiền từ gói kích thích kinh tế đem đi đầu tư sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của rất nhiều bộ phận người lao động trong hiện tại và cải thiện mức sống của họ trong tương lai.
Ba là: Tiền từ gói kích thích kinh tế sẽ xử lý được những yêu cầu cấp bách trong ngắn hạn, như vậy gói kích thích kinh tế của Chính Phủ sẽ là một cú huých để nền kinh tế và xã hội lấy lại thăng bằng tạo nền móng cho sự phát triển bền vững cho những năm tới.
Bốn là: Gói kích thích kinh tế sẽ góp phần rất quan trọng trong việc đào tạo mới người lao động, tái đào tạo người lao động góp phần rất lớn giảm thiểu thất nghiệp và tăng thu nhập cho một bộ phân không nhỏ người lao động trong nền kinh tế.
Hướng tới DN nhỏ và vừa
Từ những phân tích như trên, thì gói kích thích kinh tế đưa ra trong giai đoạn này sẽ hiệu quả hơn so với việc không dùng nó. Câu hỏi đặt ra là một gói kích thích kinh tế muốn đạt hiệu quả cao cần phải có những tiêu chí gì?
Thứ nhất: Do các chính sách kinh tế khi đưa ra đều có độ trễ nhất định, sau khi đưa ra gói kích thích kinh tế phải một thời gian dài mới có hiệu qủa về mặt tổng thể do vậy cần phải nhanh chóng đưa ra gói kích thích kinh tế phù hợp với quy mô nền kinh tế nước ta hiện nay.
Thứ hai: Gói kích thích kinh tế phải đạt được mục tiêu tạo ra nhiều nhất việc làm cho xã hội, các DN vừa và nhỏ là các đối tượng có thể tạo ra việc làm nhiều nhất cho xã hội vì vậy nên ưu tiên cho loại hình doanh nghiệp này, không chi tiền để giải cứu các tập đoàn, tổng công ty của nhà nước. Bởi vì, việc chi tiền cho các DN này mang lại hiệu quả kinh tế rất thấp, chỉ đạt được mục tiêu duy nhất là tạm thời duy trì được việc làm cho người lao động.
Để đạt được tính hiệu quả cao đối với nền kinh tế thì phải căn cứ vào hệ số nhân tăng trưởng trong kinh tế học, hệ số nhân trong kinh tế đã cho thấy rằng khi bỏ ra một đồng chi tiêu, đầu tư từ nền kinh tế sẽ tạo ra được số tiền gia tăng do quá trình chi tiêu, đầu tư của nền kinh tế đó.
Theo kết quả nghiên cứu về kinh tế học của các nhà kinh tế trên thế giới thì tổng số thu nhập Quốc dân thu về của tất cả các giai đoạn sẽ cao hơn một đồng chi tiêu mà Chính Phủ bỏ ra cho đầu tư. Trung bình của số nhân tăng trưởng trong ngắn hạn khoảng 1,15 đến 1,3 (bỏ ra chi tiêu đầu tư 1 đồng sẽ thu về 1,15 đến 1,3 đồng thu nhập Quốc dân trong ngắn hạn) trong dài hạn từ 3 đến 4 năm thì hệ số nhân này có thể từ 1,5 đến 1,7.
Lợi ích của chi đầu tư chỉ có thể thấy rõ sau vài năm, tuy nhiên những khó khăn về kinh tế vĩ mô, vi mô còn có thể kéo dài, vì vậy việc hoạch định chính sách cũng phải nên nhìn nhận những lợi ích có thể thu được trong dài hạn sau 3 đến 5 năm. Các hệ số nhân tăng trưởng sẽ khác nhau khi chi tiêu đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn khi đầu tư ở nước ngoài thì hệ số nhân sẽ rất thấp bởi vì các chuỗi chi tiêu mua sắm sẽ diễn ra ở nước ngoài.
Vì vậy việc lựa chọn lĩnh vực để chi đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với việc tăng thu nhập quốc dân trong ngắn hạn và trong dài hạn.
Thứ tư: Gói kích thích kinh tế phải phục vụ lợi ích dài hạn của nền kinh tế và của toàn xã hội, để thực hiện điều này, khi đưa ra gói kích thích cần phải giải quyết được các mục tiêu trọng tâm như sau:
Gói kích thích phải đưa vào những ngành nghề và lĩnh vực mà trong tương lai phải tăng được mức tiết kiệm của quốc gia đồng thời giảm được thâm hụt ngân sách Nhà Nước, ưu tiên vào những lĩnh vực sản xuất hàng hóa thiết yếu và những hàng hóa xuất khẩu nhằm giảm thâm hụt thương mại đối với thị trường nước ngoài và nhất là với thị trường của Trung Quốc, nên ưu tiên đối với vấn đề sinh xã hội, tập trung vào cơ sở hạ tầng và chống biến đổi khí hậu.
Thứ năm: Gói khích thích kinh tế phải tạo nên sự công bằng, công bằng ở đây không có nghĩa là các doanh nghiệp lớn, các tổng công ty sẽ được hỗ trợ nhiều mà công bằng phải đặt dưới góc độ mọi thành phần kinh tế đều được hưởng lợi như nhau và dựa trên nguyên tắc loại hình doanh nghiệp nào tạo ra nhiều việc làm và hoạt động có hiệu quả sẽ được ưu tiên, tránh việc rót tiền vào các công ty lớn làm ăn thua lỗ bởi vì rót tiền vào các doanh nghiệp này chẳng khác nào “gió thổi vào nhà trống” và sẽ để lại hậu quả xấu trong tương lai.
Trịnh Hữu Hạnh