Thị trường IPO u ám tại Hong Kong trong năm nay là một mối bận tâm đầy khắc khoải đối với giới ngân hàng châu Á. Giá trị phát hành IPO giảm đến 80% đã khiến cho doanh thu của khu vực ngân hàng giảm mạnh buộc họ phải tính đến các biện pháp cắt giảm chi phí.
Mất nguồn thu quan trọng
Trong 3 quý đầu năm nay, tổng giá trị các đợt phát hành IPI tại tại thị trường chứng khoán Hong Kong chỉ đạt 5,76 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2003. Theo nhà cung cấp dữ liệu Dealogic, Hong Kong là thành phố dẫn đầu thế giới về thị trường phát hành IPO trong suốt ba năm qua.
Có điều là sự sụt giảm về giá trị các loại chứng khoán trên thị trường lại giúp thúc đẩy những khu vực khác tại lĩnh vực ngân hàng đầu tư của châu Á trong đó có hoạt động sáp nhập và mua bán và kinh doanh nợ đạt kỷ lục. Tuy nhiên sự phục hồi đều không đủ lớn để bù đắp được sự đi xuống của ngành công nghiệp IPO.
"Kinh doanh tại châu Á đã bị tác động bởi hai luồng xu hướng, một là sự sụt sùi của thị trường IPO Hong Kong và hai là những kỷ lục trong hoạt động phát hành các loại nợ an toàn". Ông Todd Marin, lãnh đạo J.P Morgan khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết, điều này đã khiến cho các ngân hàng bận rộn tuy nhiên ngược lại họ không kiếm được nhiều thu nhập.
Theo Dealogic, tại châu Á trong đó có Nhật Bản, ngoại trừ các hoạt động thương mại lớn, các ngân hàng đầu tư đạt doanh thu 4,6 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Chứng khoán Châu Á đi xuống khiến hoạt động đầu tư khó khăn. |
Theo các chủ nhà băng và các văn phòng tuyển dụng, để cân bằng, các ngân hàng phải tính đến phương án giảm lương và cắt giảm lao động.
Tuy nhiên, ít người tin rằng, thị trường IPO Hong Kong - từng được thúc đẩy bởi các đợt phát hành cổ phiếu những doanh nghiệp nhà nước khổng lồ từ Trung Quốc sẽ vẫn là một động lực tạo doanh thu đối với các ngân hàng.
Ông Dan Dees, người đứng đầu mảng ngân hàng kinh doanh của tập đoàn Goldman Sachs tại khu vực châu Á Thái Bình Dương cho rằng: "Việc tăng hay giảm trong khối tài sản của các ngân hàng đầu tư sẽ không còn quá phụ thuộc vào thị trường IPO Hong Kong nữa trong một thời gian nhất định".
Sự hồi phục của thị trường chứng khoán toàn cầu trong thời gian gần đây và sự nhộn nhịp trở lại trong hoạt động mua bán cổ phiếu một vài tuần qua tại thị trường Hong Kong đã làm gia tăng hi vọng của các chủ ngân hàng. Trong số các lô cổ phiếu lớn đã được giao dịch có 2 tỷ USD cổ phiếu tại AIA mà tập đoàn AIG vừa bán đi vào đầu tháng 9 vừa qua.
Thế nhưng vẫn không thể khẳng định chắc chắn là liệu sự thèm muốn của các nhà đầu tư có đủ lớn và sự phục hồi có đủ dài để các ngân hàng có thể giành được những phi vụ lớn: đó chính là các IPO. Đợt phát hành IPO trị giá 4 tỷ USD của tập đoàn People's Insurance, Trung Quốc sẽ được thực hiện tại Hong Kong vào mùa thu năm nay là một sự thử nghiệm có ý nghĩa quan trọng.
"Lòng tin của các nhà đầu tư sẽ trở lại nếu như một số đợt IPO được thực hiện và mang lại kết quả tích cực", Farhan Faruqui người đứng đầu ngân hàng đầu tư và hợp tác khu vực châu Á Thái Bình Dương của tập đoàn Citigroup cho biết.
Tìm lối đi mới
Các chủ ngân hàng đã hết sức bận rộn khi hoạt động mua bán sáp nhập cũng như mua bán trái phiếu đang diễn ra khá sôi nổi.
Một trong số những nguyên nhân quan trọng là “sức khỏe” yếu ớt trong thời gian qua của các mã cổ phiếu được niêm yết trong những năm bùng nổ IPO tại Hong Kong. Các doanh nhân Trung Quốc đang tích cực thu mua lại tài sản khi thấy mã cổ phiếu của công ty mình xuống dốc. Trong khi đó, một số nhà đầu tư đã mất mát vì đầu tư vào IPO trước đó đã chuyển sang chứng khoán. Động thái này đã giúp thúc đẩy hoạt động phát hành nợ.
"Hoạt động mua bán và sáp nhập cũng diễn ra khá ấn tượng trong thời gian qua", ông Marin tại J.P. Morgan cho biết. Ngân hàng này hiện đang tư vấn cho các giám đốc độc lập tại hội đồng quản trị của Focus Media, Trung Quốc trước lời chào mua toàn bộ cổ phần trị giá 3,66 tỷ USD từ chủ tịch tập đoàn Jason Jiang. Bên cạnh đó, họ cũng cố vấn cho nhiều công ty tư nhân khác trong đó có Carlyle Group.
Giá trị các thương vụ được thực hiện bởi các công ty châu Á trừ Nhật Bản đạt mức kỷ lục 85,8 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Những thương vụ lớn trong thời gian qua đã khiến cho các ngân hàng vô cùng bận rộn như Cnooc- Nexen, Heineken- Asia Pacific Breweries…
Niềm hi vọng lớn khác đối với nguồn doanh thu của các ngân hàng đầu tư là sự gia tăng nhanh chóng trong hoạt động mua bán nợ. Các công ty tại châu Á ngoại trừ Nhật Bản đã gom được hơn 1000 tỷ USD doanh thu từ trái phiếu hạng nhất phát hành bằng mệnh giá USD, Yên và Euro vào năm 2012. Đây cũng là lần đầu tiên khối ngân hàng này đạt được con số kỷ lục đó. Từ việc phụ thuộc vào hoạt động cho vay, các ngân hàng đã chuyển hướng mạnh mẽ khi nhận thấy mong muốn tìm kiếm lợi nhuận của các nhà đầu tư - những người lo sợ mất tiền khi đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Các chủ ngân hàng đang nhìn nhận sự tăng trưởng của các thị trường nợ tại châu Á như một chiến lược phát triển lâu dài giống như tại của Mỹ và châu Âu nơi mà hoạt động cho vay ngân hàng đã không còn quá quan trọng.
HUNGNINH (Thep WSJ)