- Kinh doanh thua lỗ, đứng trước nguy cơ bắt buộc hủy niêm yết, giá cổ phiếu xuống quá thấp hoặc tính toán nội bộ của nhóm cổ đông lớn là những yếu tố khiến nhiều doanh nghiệp quyết định hủy niêm yết tự nguyện để... bảo vệ thương hiệu trong mắt các nhà đầu tư.

Hủy niêm yết tự nguyện

Ngày 14/9 vừa qua, Công ty cổ phần Xây lắp và Đầu tư Sông Đà (SDS) đã chính thức hủy niêm yết 2,8 triệu cổ phiếu trên sàn chứng khoán Hà Nội (HNX). Quyết định này là kết quả của Nghị quyết Đại hội Cổ đông năm 2012 tổ chức ngày 10/7/2012.

Theo đó, mặc dù SDS kinh doanh có lãi trong những năm gần đây, Đại hội cổ đông SDS với các cổ đông lớn đang nắm giữ trên 80% khối lượng lượng cổ phiếu vẫn thông qua phương án xin hủy niêm yết tại sàn HNX.

Lý do hủy niêm yết được SDS nêu khá chung chung là hủy niêm yết tự nguyện để chuyển sang giao dịch thị trường đăng ký giao dịch tại HNX. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng, SDS hủy niêm yết là vì nhiều yếu tố trong đó có giá cổ phiếu xuống mức quá thấp, quanh mức 4.000 đồng/cổ phiếu.

Mặc dù nói là hủy niêm yết để đăng ký giao dịch tại Upcom nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn e ngại về khả năng này bởi không ít doanh nghiệp sau khi rút khỏi sàn giao dịch tập trung - nơi thu hút sự chú ý của đông đảo giới đầu tư - bỗng dưng rơi hẳn vào trong bóng tối, "quên" cả niêm yết trên Upcom giống như trường hợp FPC.

Nhiều DN chủ động huỷ niêm yết - một sự phòng vệ chính đáng hoặc cách để giữ thể diện (ảnh Dân trí).

Để tránh tình trạng mất mặt, Nghị quyết HĐQT của VSP hồi đầu tháng 4/2012 đã phê duyệt việc trình đại hội đồng cổ đông năm 2012 cho phép Công ty hủy niêm yết tự nguyện tại HNX và chuyển sang giao dịch tại sàn Upcom.

Với số lỗ 3 năm liên tiếp lên tới 1.700 tỷ đồng, việc hủy niêm yết của VSP là điều không thể tránh khỏi. Chưa đầy một tháng rưỡi sau, hơn 38 triệu cổ phiếu VSP đã chính thức rời sàn HNX (ngày 1/6) và ngày 6/7 giao dịch trở lại trên Upcom với giá tham chiếu 2.000 đồng/cổ phiếu.

Khả năng nhìn xa trông rộng của VSP chưa bằng Công ty cổ phần Nước Giải khát Sài Gòn - Tribeco (TRI), doanh nghiệp này với nhiều thay đổi vị trí giữa các cổ đông lớn đã chốt danh sách cổ đông xin hủy niêm yết từ hồi tháng 10/2011 sau khi dự đoán khả năng thoát lỗ năm 2011 là rất thấp và vốn chủ sở hữu khi đó đang bị âm.

Chung cuộc, hơn 27,5 triệu cổ phiếu TRI đã hủy niêm yết từ ngày 10/4 theo đúng như đề nghị của Tribeco. Năm 2012, TRI tiếp tục dự kiến lỗ khá lớn, 139,6 tỷ đồng và đã tổ chức đại hội bất thường (24/8) để xin ý kiến cổ đông thông qua việc giải thể công ty.

Mặc dù, Hội đồng quản trị TRI cho biết, đến cuối tháng 7, lỗ lũy kế của doanh nghiệp này là 412 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 126 tỷ đồng nhưng khi giải thể giá trị chia cho cổ đông là 2.300 đồng/cổ phiếu.

Đằng sau những thua lỗ kéo dài, quyết định "chạy" hủy niêm yết và sau đó là quyết định giải thể của Tribeco còn nhiều điều để bàn. Tuy nhiên, điều có thể nhận thấy là doanh nghiệp này (với những ông chủ mới) đã thành công trong việc chạy hủy niêm yết, rút vào hoạt động trong bóng tối. Mục đích của việc này là như thế nào thì người trong cuộc là rõ nhất nhưng có thể thấy bài toán "hủy niêm yết tự nguyện" là nước cờ được tính khá kỹ.

Trở lại trường hợp DCC của Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp - Descon, doanh nghiệp này cũng đã công khai ý định huỷ niêm yết của mình trước khi bị buộc phải hủy niêm yết bắt buộc. Khá nhiều cổ phiếu khác cũng có động thái tương tự như MKP, IFS, SGT, SQC, V11, S27 và gần đây là ORS (trong đó, có mã chưa có động thái rút khỏi sàn cụ thể dù công bố ý định hủy niêm yết đã lâu).

Theo nhiều nhà đầu tư, trong bối cảnh kinh tế vẫn đang khó khăn như hiện nay, số lượng doanh nghiệp phải tự nguyện rút ra khỏi sàn trong thời gian tới có thể còn tăng lên. Nhiều doanh nghiệp nghiệp có kết quả kinh doanh kém như FBT, VSG... hoặc có giá cổ phiếu quá thấp từ 1.000-3.000 đồng có thể sẽ lại bất ngờ thông báo muốn hủy niêm yết tới các cổ đông.

Có thể thấy, lên sàn và rời sàn là hai quá trình trái ngược nhau. Lên sàn là để tăng cường tính minh bạch, trong khi rời sàn là trở về với bóng tối. Tuy nhiên, với mỗi doanh nghiệp, với từng ông chủ thì việc đi hay ở lại nằm trong những tính toán cụ thể của họ.

Lợi hay hại?

Trong tính toán của nhiều ông chủ, việc hủy niêm yết tự nguyện là bước đi có lợi trong hoàn cảnh cụ thể của doanh nghiệp. Có thể, cái lợi đó là bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng cổ phiếu giảm giá quá mạnh, giảm "sốc" cho các cổ đông, hoặc là để thâu tóm trục lợi...

Trường hợp VSP chẳng hạn, nhờ sự chủ động xin hủy niêm yết tự nguyện - một cách thức cảnh báo kịp thời bởi án hủy niêm yết gần như chắc chắn, mà hiện tượng bán tống, bán tháo cổ phiếu đã không xảy ra. Giới đầu tư đã ngấm "đòn" hủy niêm yết của VSP khá từ từ và đó là lý do mà cổ phiếu này có lúc đã quay đầu tăng khá mạnh, trên 20%.

Trên các diễn đàn, khi đó, nhiều nhà đầu tư bảy tỏ quan điểm đồng tình với quyết định của lãnh đạo VSP. Theo đó, đây là bước đi khôn ngoan. Cũng như các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển khác, việc VSP gặp khó khăn là không tránh khỏi. Việc quyết định rút niêm yết sớm đã giúp thị trường hấp thụ dễ dàng hơn đối với một biến cố lớn như vậy. Niềm tin đối với cổ phiếu này, với thương hiệu này có lẽ có lúc còn tăng lên đáng kể.

Bên cạnh đó, việc nhanh chóng chuyển sang Upcom (ngày 6/7) để đảm bảo tính thanh khoản cho cổ phiếu cũng là quyết định đúng đắn của doanh nghiệp này.

Cũng chuẩn bị tâm lý khá kỹ cho các cổ đông là trường hợp của Tribeco. Doanh nghiệp này đã hoàn tất thủ tục với các cổ đông từ trong năm 2011. Một kết quả lỗ trong năm đó (2011) và cũng là năm thứ 3 liên tiếp đã được thông báo tới toàn bộ cổ đông. Và cũng từ dự báo này, TRI xin ý kiến cho cổ phiếu hủy niêm yết tự nguyện.

Phương án bảo vệ cổ đông bằng cách cho thành viên HĐQT chào mua công khai cổ phiếu TRI đã được doanh nghiệp này đưa ra. Cho dù chốt lại, những cổ đông nhỏ lẻ chỉ được trả mức giá rất thấp là 2.300 đồng/cổ phiếu nhưng có lẽ còn tốt hơn so với những trường hợp cổ phiếu ngấm ngầm, cù nhầy để rời sàn và rồi biến mất trong bóng tối. Cổ đông nhỏ lẻ muốn bán tháo vớt vát được đồng nào hay đồng đó cũng không xong như với DVD, FPC, VKP, MCV...

Theo thống kê, trên 2 sở giao dịch HNX và HSX, từ đầu năm tới nay có ít nhất 15 mã đã bị hủy niêm yết. Trong đó, lý do chủ yêu bị hủy niêm yết là do thu lỗ 3 năm liên tiếp, bị nghi ngờ khả năng hoạt động, âm vốn chủ sở hữu, không phát sinh giao dịch trong 12 tháng...

Theo quy định tại Nghị định số 58/2012/NĐ-CP, có hiệu lực từ 15/9/2012, một trong những trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc là doanh nghiệp có kết quả sản xuất - kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất.

Rõ ràng, với quy định mở rộng hơn như thế này và trong bối cảnh kinh tế vẫn khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp có khả năng sẽ bị hủy niêm yết. Nhiều trong số đó có thể sẽ có những quyết định hủy niêm yết tự nguyện để tránh sốc cho cổ đông như đã nêu ở trên. Đây là 1 sự đào thải tất yếu trong quá trình phát triển.

Việc hủy niêm yết tự nguyện là quyền của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp đang làm ăn có lãi, và đáp ứng đầy đủ các điều kiện niêm yết vẫn có thể hủy niêm yết tự nguyện. Nghị định 14/2007/NĐ-CP chỉ quy định doanh nghiệp muốn hủy niêm yết phải được sự chấp thuận của đại hội cổ đông với tỷ lệ ít nhất 65% số phiếu biểu quyết của tất cả các cổ đông dự họp (hoặc 75% trong trường hợp lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản).

Trước những thua lỗ hoặc những tâm gương bị thâu tóm, bị thu gom cổ phiếu rồi doanh nghiệp rơi vào tình trạng lao đao, nhiều ông chủ đã tính tới phương án thoái lui, rút niêm yết cổ phiếu.

Trên thực tế, đây là một sự phòng vệ chính đáng hoặc cách để giữ thể diện. Nhưng đó chưa hẳn đã là lựa chọn tốt nhất, nhất là ở phương diện bảo vệ thương hiệu. Những cuộc bỏ chạy - hành trình đi vào bóng tối - để giữ doanh nghiệp, giữ thể diện chưa hẳn đã giúp doanh nghiệp đứng vững trước sóng gió thâu tóm, hay tránh được những ảnh hưởng xấu đến thương hiệu.

Việc xa rời với thị trường chứng khoán tập trung là xa rời với công chúng đầu tư, xa rời với kênh đầu tư vốn dài hạn cho dù hiện đang hoạt động không hiệu quả. Hình ảnh và thương hiệu sẽ mờ nhạt đi trông thấy. Hơn thế, trên thực tế, các vụ thâu tóm vẫn đang xảy ra ngay cả trên thị trường OTC, như một phần của quá trình phát triển kinh tế. Việc bảo vệ mình, bảo vệ doanh nghiệp của mình, bảo vệ thương hiệu và uy tín có lẽ cần tính tới các phương án khác nữa. Hủy niêm yết có lẽ chỉ nên áp dụng trong trường hợp bắt buộc và khi đó quyết định chuyển sang Upcom là cần thiết hơn bao giờ hết.

Mạnh Hà