(VEF.VN) - Theo thông lệ, giá điện sẽ chính thức được định đoạt trong 2 tuần tới. Mức đề xuất tăng 18% là kỷ lục nhất từ trước tới nay và sẽ có tác động cực mạnh với nền kinh tế. Nhưng người ngành điện vẫn không hài lòng.

Tăng giá điện 18% vẫn là ít?


Chuyện tăng giá điện đã rậm rịch từ cuối năm 2010 và đến nay, khi chỉ còn cách 2 tuần nữa là có khả năng phải áp dụng mốc giá điện mới thì thông tin phương án tăng cụ thể mới hé mở.


Theo một tính toán của chuyên gia trong ngành điện, mức tăng 18% là “khiêm tốn” và EVN sẽ vẫn lỗ nặng. Lý do được dẫn ra là bởi, mức tăng này là thấp nhất trong số các phương án mà Bộ Công Thương trình lên Chính phủ. Thay vì là 30 hay 40%, để ghìm được 18%, các chuyên gia của cơ quan này đã phải co kéo từng chút một các thông số đầu vào về giá thành như giảm chi phí đầu vào, giảm lợi nhuận của EVN.

Cụ thể như, giá than bán cho điện sẽ không được phép tăng. Tỷ suất lợi nhuận của EVN có thể sẽ là 0%, thay vì 6% như mong muốn. Các khâu như phát điện, phân phối, truyền tải chỉ được tính lợi nhuận ở mức tối thiểu là 1%. Các khoản phát sinh trong năm 2010 không được đưa vào như khoản đội phí lên tới 2.000 tỷ đồng do phát điện bằng nguồn dầu, chưa thu phí dịch vụ môi trường đối với các nhà máy thủy điện... Rồi, một loạt các chi phí đầu vào khác như các khoản chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn trong năm 2009…sẽ phải giảm đi để “ép” giá điện xuống mức tăng thấp nhất có thể.

Chuyên gia này cho rằng, nếu như tăng dưới 40% mà vẫn đảm bảo hòa vốn thì EVN có thể phải tính tới phương án tiết giảm điện lên tới 2-4 tỷ kWh để… giảm chi phí. Đây là một mức tiết giảm quá lớn, gấp 3 lần so với mức tiết giảm điện năm 2010, khi phải cắt điện trên diện rộng.


Ảnh: Dân Việt


Vẫn luẩn quẩn việc thiếu điện vì thiếu vốn

Công khai tranh luận về giá điện trong lúc này, chỉ có ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội năng lượng là người “sôi nổi nhất”. Chia sẻ với Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, ông Ngãi không giấu khỏi nỗi bức xúc và thất vọng vì… mức tăng được trình lên quá thấp.

“Tăng 18% nghe có vẻ cao là vậy, nhưng số tuyệt đối tính ra, chỉ thêm 127 đồng/kWh, rất ít, không đáng kể. Bộ Công Thương quá rón rén. Còn mức tăng có 11% của Bộ Tài chính thì không thể chấp nhận được, quá thấp. Đến nay, một cốc trà cũng đã 2.000-3.000 đồng rồi”, ông Ngãi bày tỏ.

Nguyên là Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực Việt Nam trước đây, ông Ngãi nói: “ Đứng về góc độ vĩ mô, chúng ta cần có đủ điện, cần có giá điện hợp lý thì các nhà đầu tư mới chịu vào làm điện. Các Tập đoàn năng lượng trong nước mới có lợi nhuận mà tái đầu tư, mà hoạt động tốt”.

Theo vị chuyên gia đầu ngành này, giá điện Việt Nam đang thấp nhất thế giới, nếu cứ duy trì mãi như hiện nay thì rất vô lý. Một bức tranh có thể mường tượng ngay là, khi EVN và các Tập đoàn không có lãi, không tái đầu tư, các dự án điện đều không có vốn thì không khởi công được, lại sẽ chậm tiến độ. Tài chính xấu thì không thể đi vay tiền nước ngòai được. Câu chuyện thiếu điện sẽ còn kéo dài triền miên.

"Năm tới, dự báo sẽ thiếu 3 tỷ kWh rồi. Mất điện còn nguy hiểm hơn cả tăng giá điện", ông Ngãi bức xúc. 

Ông Ngãi chia sẻ, chỉ cần 1 thành phố không ánh sáng trong 3 ngày, chỉ cần 2 tiếng không có điện trong mùa nóng bức thì hàng nghìn tỷ đồng cũng đã bay mất. Tình trạng thiếu điện diện rộng mùa khô năm ngoái là một bài học cho Chính phủ cần xem lại cái gốc của việc thị trường hóa giá điện.

Tuy nhiên, giá điện là đầu vào của mọi ngành kinh tế và mọi nhúc nhích giá điện sẽ có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống. Giá điện sẽ kéo giá hàng hóa tăng theo, sức ép lạm phát cho năm 2011 vô cùng lớn. Nhưng, ông Ngãi cho rằng, không thể dựa mãi vào cách lập luận, tư duy này để mà giữ giá điện quá thấp được. Khi tăng giá thì cái gì liên quan cũng sẽ tăng theo cả, không phải chỉ mỗi điện mới có logic đó.

Chốt lại, vị chuyên gia này cho rằng, phải để giá điện tiệm cận lên mức 7 cent, cuối năm là 8 cent/kWh thì mới khả dĩ.

Đòn bẩy cho tiết kiệm điện

Trước ý kiến thẳng thắn của ông Ngãi, TS. Lê Đăng Doanh tỏ ra khá ôn hòa nói: “Ông Ngãi cần có tư duy chia sẻ với xã hội hơn. 18% là mức tăng giá rất cao rồi. Và sẽ không chỉ có điện, còn than, xăng dầu cũng nhấp nhổm tăng. Rồi kế đến là tỷ giá vừa rồi tăng, cũng đã làm cho hàng hóa tăng theo đồng loạt."

Ông Doanh điểm lại: “Chuyện tăng giá điện có từ lâu rồi và ý kiến rất khác nhau. Ông Ngãi nổi tiếng với đề xuất đòi tăng gần 50%, EVN thì muốn hơn 40%, rồi thì Bộ Tài chính là 11%... Tôi nghĩ, rốt cục, bộ Công Thương đề nghị 18% là đã xem xét đến khả năng chịu đựng của nền kinh tế mới đưa ra như thế.”

“Có lẽ, giờ không thể nói rằng, phương án này là tối ưu, hay không tối ưu! Tôi chỉ có thể khẳng định, đây sẽ là một đòn bẩy để cho các doanh nghiệp và người dân phải sử dụng tiết kiệm điện hơn," ông Doanh bình luận.

Theo vị tiến sĩ này, EVN phải tự xem xét lại mình, cắt giảm chi phí, giảm tỷ lệ tổn thất điện năng, làm sao cho hiệu quả hơn. Không nên chỉ nói nếu tăng thấp thế này, tôi sẽ không làm được rồi đặt gánh nặng lên vai xã hội như vậy! Vì điện dù sao vẫn đang là ngành độc quyền, không có sự lựa chọn nào khác trong việc mua điện ở Việt Nam. Sự yếu kém của EVN thì rốt cục, sẽ là một gánh nặng cho xã hội.

Trong bối cảnh khó khăn chung, toàn thể xã hội cần có sự đồng thuận lớn trong câu chuyện của ngành điện, coi việc tăng giá phải như một động lực để phải cắt giảm tỷ lệ tiêu hao điện trên một đơn vị sản phẩm, trên một đơn vị GDP.

"Về lâu dài, phải có kiểm toán chi phí của ngành điện để công khai, chi phí ấy có hợp lý không? Vì, xã hội, doanh nghiệp, người dân vẫn chỉ nhìn thấy, ngành điện đang đầu tư cả những ngành ngoài khác, trong khi điện vẫn thiếu. Hình ảnh đó sẽ khiến cho người dân không lấy làm thoải mái lắm để ủng hộ việc nâng giá điện", ông Doanh nói.

Phạm Huyền