- Trước thảm cảnh làm ăn trì trệ, các doanh nghiệp thi nhau nợ lương, thậm chí còn muốn quỵt tiền, khiến công nhân một phen lao đao, tìm mọi cách đòi. Nhiều vụ đình công, bao vây công ty để đòi lương đã diễn ra.

Quá bức xúc, bao vây công ty

Liên quan đến việc nợ, chậm trả lương, bất động sản là một trong những lĩnh vực dẫn đầu về số vụ công nhân đình công đòi trả lương. Đây là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ suy thoái kinh tế. Thị trường bất động sản đóng băng, hàng tồn kho như... núi, còn các khoản nợ ngân hàng đến hẹn phải trả khiến ngành bất này lao đao.

Ngày 27/3/2012, khoảng 80 công nhân công ty Cavico thi công công trình máng dẫn nước của thủy điện A Lưới đã lãn công, chiếm công trường đang thi công để đòi nhà thầu phải thanh toán khoảng 2 tỷ đồng nợ lương và BHXH trong sáu tháng. Ngay sau khi xảy ra sự việc, cơ quan chức năng đã có mặt và đến tối cùng này, các công nhân mới chịu trả lại mặt bằng công trường sau khi nhà thầu cam kết đến hết ngày 31/3 sẽ trả hết tiền lương.

Tương tự, nhân viên Công ty Cơ khí công trình 2 (TP.HCM) cũng bị nợ lương đã 6 tháng nay. Cuộc sống khó khăn, phải vay nợ khắp nơi. Đã vậy, 3 năm liền công ty không đóng tiền BHXH, BHYT nên mỗi khi khám chữa bệnh, người lao động đều phải bỏ tiền túi.

Mới đây nhất, sáng ngày 29/6, công nhân làm việc tại dự án Khu căn hộ cao cấp The Sammit Đà Nẵng đã kéo đến địa chỉ số 61 Quang Trung (là kho hàng của chi nhánh Công ty Techconvina tại Đà Nẵng) yêu cầu nhà thầu trả tiền nợ lương. Theo một số công nhân, từ tháng 4/2013 đến nay, Techconvina không chịu thanh toán lương cho công nhân trong khi đời sống của họ đang hết sức khó khăn.

Đình công do tăng ca nhiều, lương thưởng ít ở một DN tỉnh Khánh Hoà (ảnh Tiền Phong)

Ông Đinh Tiến Cường, Trưởng phòng Nhân sự - Hành chính (đại diện Công ty Techconvina), có mặt tại hiện trường cũng đành bất lực, đứng nhìn cảnh công nhân khuân vác đồ đạc ra khỏi kho. Theo ông Cường, việc nợ lương công nhân kéo dài là có, nhưng phía công ty lại chưa có tiền trả nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc trên.

Ngoài ngành bất động sản, ở một số ngành khác, việc công nhân tập trung đình công mỗi khi bị nợ lương cũng không còn là hiếm.

Ngày 29/8, một số công nhân Công ty Cổ phần công nghiệp Cimexco (Cầu Giấy, Hà Nội) đã giăng băng rôn, khẩu hiệu tại trụ sở Công ty CP tập đoàn Đầu tư thương mại và công nghiệp Việt Á và tại nhà riêng của chủ tịch HĐQT, bà Phạm Thị Loan, để đòi giải quyết nhanh chóng khoản nợ giữa Cimexco và công ty này.

Một công nhân của Cimexco cho biết, đã gần một năm nay, công nhân chưa nhận được bất kỳ một đồng lương nào. Lý do, Công ty TNHH cơ khí Việt Á, công ty con của Công ty CP tập đoàn Đầu tư thương mại và công nghiên Việt Á - nợ tiền Cimexco từ tháng 9/2011 tới nay.

Theo tìm hiểu, việc cố tình không trả số tiền 10 tỷ đồng đã đẩy Cimexco vào hoàn cảnh vô cũng khó khăn, như nợ lương công nhân kéo dài, đời sống người lao động bị ảnh hưởng... Vì thế, công nhân đã kéo nhau lên công ty mẹ để phản ánh và buộc lãnh đạo công ty phải có trách nhiệm trong việc nhanh chóng thanh toán các khoản nợ để Cimexco có nguồn tài chính trả lương cho công nhân.

Cách đây không lâu, ngày 18/9, hàng chục người cũng vây kín cổng Công ty Thiết bị giáo dục 1 tại số 18/30 phố Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) để đòi số tiền lương mà công ty chưa trả. Anh Phạm Ngũ Hiệp, một nhân viên công ty, nói rằng từ tháng 6/2011, nhiều khoản lương, thưởng, bảo hiểm bị cắt giảm nghiêm trọng và không ít người bị công ty chậm chi trả lương. Đến nay, công ty còn nợ lương anh từ tháng 9/2011. Tại xưởng in và thiết bị cũng có khoảng 20 người bị nợ lương, chưa kể những xưởng khác.

Lãnh đạo công ty này cho biết, công ty đang ôm một khoản nợ rất lớn và chỉ có thể chi trả tiền nương cho công nhân theo khả năng có thể.

Và truy tận nhà riêng giám đốc

Kinh tế khủng hoảng, nhiều công ty, doanh nghiệp rơi vào tình trạng sản xuất đình trệ, làm ăn sa sút dẫn đến việc hàng triệu công nhân, nhân viên đang bị nợ lương. Quá bức xúc trước thảm cảnh này, trong khi cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên tình trạng công nhân bao vây công ty, nhà riêng đòi nợ đã diễn ra liên tục thời gian gần đây.

Điển hình trong việc tập trung tại nhà giám đốc để đòi nợ phải kể vụ nông dân, công nhân Cần Thơ giăng băng rôn, khẩu hiệu trước nhà bà Diệu Hiền, Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco). Đây là năm mà Bianfishco - cái tên được nhắc tới nhiều nhất. Đầu tiên là sự kiện bà Diệu Hiền tổ chức đám cưới xa xỉn cho con trai, liền sau đó là những vụ tố Bianfishco nợ nần. Công ty này hiện còn nợ ngân hàng hàng ngàn tỷ, nợ tiền nông dân nuôi cá hàng trăm tỷ đồng...

Không chỉ vậy, Bianfishco còn nợ lương nhân viên, công nhân. Ngày 12/4/2012, công ty bị tố vẫn chưa trả lương tháng 3 cho công nhân như lời hứa hẹn. Số tiền tiền mà Bianfishco nợ 2.431 công nhân là trên 3 tỷ đồng.

Chưa hết, sáng ngày 30/7, có khoảng 30 nông nhân, công nhân tập trung tìm đến tận nhà riêng của vợ chồng bà Diệu Hiền trên đường 30-4 phường Hưng Lợi (Ninh Kiều, TP Cần Thơ) để đòi nợ vì thất vọng với những lời hứa hẹn trước đó.

Theo ông Nguyễn Hữu Cẩn, Chủ tịch UBND phường Hưng Lợi, thì đây là lần thứ hai các chủ nợ là nông dân và công nhân tập trung tại nhà riêng của vợ chồng bà Diệu Hiền để đòi nợ.

Bảo Hân (tổng hợp)