Mấy tháng nay, người dân của một khu nhà T khu đô thị Trung Hòa, Hà Nội cứ gặp nhau lại có câu đùa thay cho lời chào: “Bao giờ thì đến lượt nhà mình nhỉ?”. Gốc tích của câu đùa này là bởi chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, cả khu đã có tới 5 cặp vợ chồng bỏ nhau, 8 đứa trẻ không còn được sống cùng cha mẹ. Tất cả cũng chỉ bởi vấn nạn khủng hoảng kinh tế.

Những bi kịch gia đình

Chị L. vốn là hoa khôi của một trường đại học, anh V. là thương gia thành đạt, lấy nhau về chị chỉ có việc ở nhà làm đẹp và chăm sóc con cái. Anh vẫn thường tự hào với bạn bè về người vợ đẹp không thua người mẫu của mình. Trong khi đó, được chồng tạo điều kiện, sở thích làm đẹp đã ăn sâu vào "máu" chị L. Mỗi tháng chị chi không dưới một nghìn đô cho các công đoạn ở spa chăm sóc da, salon tóc.

Suy thoái kinh tế diễn ra, thị trường chứng khoán sụt giảm, địa ốc bất động, công việc kinh doanh cũng chậm lại, trong khi vay lãi ngân hàng vẫn lũy tiến hàng ngày, số tiền anh V. mang về nhà sụt giảm hẳn và tất nhiên điều đó ảnh hưởng cả đến nhu cầu làm đẹp của vợ. Bí bách, chị mắng anh là bất tài, đến nuôi vợ cũng kém thì sao đáng mặt đàn ông.

Nước tràn ly, anh giang tay tát vợ và gào lên: “Cô là đồ ăn bám. Cô thử nhìn ra xung quanh xem, vợ chồng người ta chung lưng đấu cật, chia ngọt sẻ bùi với nhau, có đâu như cô cứ nhìn thấy chồng là tiền, tiền, tiền”.

Suốt cả dịp hè, mọi người trong khu nhà không thấy hai đứa con nhà chị M. và anh T. đâu, bà giúp việc sụt sịt: “Cô chú ấy cho con về quê chơi để tiện giải quyết việc li dị, trước khi về quê hai thằng bé còn ôm chân bố mẹ khóc xin bố mẹ đừng chia tay để anh em nó được sống với nhau”. Tuy là giúp việc, nhưng bà này như người mẹ thứ hai vì gắn bó với chúng từ tấm bé, nên giờ gia đình tan đàn xẻ nghé bà đau lòng lắm.

Công việc buôn bán đồ điện tử điện lạnh của anh T. vỡ nợ vì khủng hoảng kinh tế, vì hàng nhập về giá cao, không có khách mua. Chán nản, anh bán tống bán tháo, trả hết tiền thuê nhà, thuê nhân viên rồi giải tán công ty, nằm lì nhà.

Kinh tế khủng hoảng đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh chia đôi


Ngược với chồng chuỗi hàng kem-cà phê phục vụ giới trẻ của chị M. vợ anh lại phát triển vù vù, từ chỗ mở một cửa hàng thăm dò, giờ chị đã có trong tay tới 5 cửa hàng tọa lạc ở những khu phố lớn hoặc trung tâm vui chơi. Lo quản lý 5 cửa hàng từ khâu nhập nguyên liệu cho tới khâu bán hàng, đào tạo nhân viên, không tối nào chị M. về nhà trước 11h đêm.

Nhưng bi kịch gia đình không ở sự vắng nhà của chị mà ở chính thái độ trở mặt khinh chồng của chị. Từ bóng gió bâng quơ cho đến nói thẳng, chị thẳng thừng: “Tôi không thể nuôi báo cô anh mãi được!”

Hết tiền hết hạnh phúc?

Chưa khi nào số án ly hôn lại tăng nhanh như thời gian gần đây, khi cuộc sống vật chất đã đủ đầy, con người ta không còn phải quá lo về cái ăn cái mặc nữa. Những nhân tố nào đẩy cuộc hôn nhân của họ đến hồi không thể cứu vãn được nữa? Đó chính là tranh cãi về tài chính.

Những số liệu từ các toà án cho thấy không dưới 1/3 các cuộc hôn nhân tan vỡ vì lý do tài chính. Tài chính đóng vai trò quan trọng với hầu hết các cuộc hôn nhân. Điều đó ai cũng thừa nhận, nhưng mâu thuẫn tồn tại ở chỗ khi kết hôn, chẳng ai muốn nghĩ đến tiền nong vì nó không ăn nhập chút nào với cái vẻ lãng mạn của tình yêu. Nhưng đến khi lấy nhau, người ta lại thường bị thuyết phục bởi tài năng của người bạn đời trong việc kiếm tiền.

Cuộc sống luôn phát triển và con người luôn muốn vươn tới những điều tốt đẹp nhất, kể cả trong hôn nhân. Thế nên, ước mơ “râu tôm nấu với ruột bầu” đã dần được thay thế bằng những ước mơ khác cao sang hơn, nhưng đáng buồn là vẻ đẹp “chồng chan vợ húp” của nó – một vẻ đẹp tương trưng cho tình nghĩa, sự gắn bó vợ chồng, cũng đang mất dần theo.

Bởi, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng đã vượt lên hoàn cảnh đói nghèo và khó khăn trước đây để có cuộc sống đầy đủ, tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, sau khi có được cuộc sống đầy đủ, họ lại không thỏa mãn và tiếp tục có những mong muốn khác xa vời hơn. Và, khủng hoảng kinh tế chỉ là một cơn sóng nhỏ góp phần đánh “đắm” con thuyền gia đình vốn đã chứa đựng trong mình nhiều “lỗ thủng”.

(Theo PLVN)