- Sau bài viết "Du lịch VN: Vẫn nhiều thói hư tật xấu", một số doanh nghiệp lữ hành tiếp tục lên tiếng, chỉ trích về cách làm du lịch kiểu "ăn xổi ở thì", chặt chém tại nhiều địa phương, nhiều điểm đến. Ai, cơ quan nào có trách nhiệm giải bài toán này?
Du lịch VN: Vẫn nhiều 'thói hư tật xấu'
Du lịch dịp 2/9: Dân cạn tiền, DN đói meo
Những điểm đến... hãi hùng
Trong email gửi tới VietNamNet, ông Bùi Minh Tâm, Phó giám đốc Công ty Du lịch Minh Tâm (Bắc Ninh), đã liệt kê hàng loạt địa chỉ nằm trong "danh sách đen" về cung cách làm ăn, cách hành xử của điểm tham quan với du khách, lữ hành.
Đầu tiên phải kể đến điểm đến vườn thú Hà Nội. Ông Tâm cho biết, mỗi một năm học, công ty ông thường đưa khoảng 10.000 học sinh tới đây tham quan, học tập. Tuy nhiên, ông rất bức xúc về cách phân loại trẻ theo chiều cao. Cùng là học sinh tiểu học nhưng 70% số trẻ được quy vào đối tượng phải lấy vé người lớn. Đã vậy, tổ bảo vệ, kiểm soát vé thường có những lời nói khiếm nhã trong việc đón tiếp khách du lịch là đối tượng học sinh.
Khu du lịch Tuần Châu (Quảng Ninh) cũng điển hình cho việc kiểm soát chiều cao của trẻ. Cháu bé 4 tuổi được tính như chàng thanh niên cao 1,8m. Đã vậy, từ khi áp dụng giá vé trọn gói 160.000 đồng thì tại các khu vui chơi, các dụng cụ hỗ trợ hoạt động chơi thi nhau hỏng nhưng chẳng được sửa hay thay thế.
Hay khu du lịch Ba Vì, Hà Nội với điểm đến vườn quốc gia Ba Vì. Giá vé tại một số khu du lịch do Công ty du lịch Ao Vua quản lý liên tục tăng, và hiện tăng quá cao so với chất lượng dịch vụ có trong mỗi khu du lịch (từ 70.000-100.000 đồng/khách). Chính vì vậy, năm 2012, công ty đã tẩy chay toàn bộ tuyến Ba Vì, không tiếp thị, không tổ chức tour lên Ba Vì.
Điển hình cho sự kiêu ngạo của các điểm đến chính là khu du lịch Bà Nà (Đà Nẵng) với những gì VietNamNet đã nêu và hiện nay, khi khách hàng có nhu cầu tư vấn lên Bà Nà, du lịch Minh Tâm không mặn mà tư vấn. Ông Tâm cho rằng, sớm hay muộn Bà Nà sẽ mất khách nêu không thay đổi cách làm.
Dịp 30/4/2012 cũng là thời điểm Đà Nẵng gây nhiều bức xúc cho các công ty du lịch. Các khách sạn phớt lờ quy định về bảng niêm yết giá, "chém" được đến đâu cứ "chém", chỉ nhận khách phải nghỉ ít nhất 2 đêm với giá trên trời. Dịp này, công ty Minh Tâm đặt 10 phòng của Du lịch Đồng hành Việt, giá 1 triệu/phòng/tối (tiêu chuẩn nhà nghỉ) và phải chuyển đủ tiền 100% trước khi khách đến.
Còn ở phía Bắc, các điểm đến như Sầm Sơn (Thanh Hoá), Cát Bà (Hải Phòng)... thì "mài dao 9 tháng, chém 3 tháng". Có lẽ ít ai đi Sầm Sơn về mà không bực mình. "Xích lô, xe điện thì chèo kéo khách đi chợ mua hải sản để lấy hoa hồng, khách không đi thì gây sự. Khách sạn thì chỉ nhận khách khi khách chấp nhận ăn tại đó. Suất ăn 120.000 đồng không bằng 70.000 đồng ở chỗ khác, khách không đồng ý ăn tiếp thì dọa đuổi ra khỏi khách sạn... Các cơ sở dịch vụ tại Sầm Sơn, Cát Bà thì thiếu hẳn lòng hiếu khách", ông Tâm nhận xét.
"Tôi từng có lần dẫn đoàn khách du lịch vào Sầm Sơn. Khi thắc mắc tại sao cái gì cũng đắt thì họ thật thà trả lời rằng du lịch chỉ có mấy tháng, nên họ phải tranh thủ "cá kiếm", chặt chém được bao nhiêu cứ chặt. Các dịch vụ mát mẻ cho quý ông thì vô cũng nhiều, còn hoạt động cờ bạc dường như được dung túng", một hướng dẫn viên kể.
Đặc biệt, vấn nạn nhà vệ sinh thì khỏi phải nói. Theo ông Tâm, trong khi đua nhau tăng giá vé tham quan thì các điểm đến không hề chú trọng đến việc xây dựng các khu vệ sinh cho du khách. Lạ là đã thu phí cổng, đi vệ sinh lại cũng mất phí. Trả tiền đã đành, nhưng ở nhiều nơi, đi vào rồi thì ai cũng rùng mình vì chưa bao giờ gặp nơi nào bẩn hơn. Đã vậy, số lượng khu vệ sinh lại cách xa nhau, thiếu biển chỉ dẫn, khiến du khách không biết đằng nào mà lần.
Trách nhiệm: Ai?
Độc giả ở địa chỉ ngocminhtourist14a@... - lãnh đạo cấp phòng một công ty du lịch tại Đống Đa, Hà Nội - đặt vấn đề, chúng ta cứ thắc mắc tại sao du lịch nội địa của Việt Nam không hấp dẫn? Tại sao đi du lịch trong nước đắt hơn đến một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia, Sing, Malaysia (đi bằng máy bay)... ? Thậm chí, Việt Nam có hẳn một viện nghiên cứu phát triển du lịch, nhưng tình hình vẫn không khả quan hơn là mấy. Khách đi du lịch trong nước phàn nàn nhiều hơn là khen ngợi.
Theo độc giả này, trách nhiệm trước hết thuộc về nhà quản lý, ở đây là Tổng cục Du lịch và phòng du lịch các Sở VH-TT&DL địa phương. Tại sao không có một cơ chế rõ ràng, quy định mức giá như giá vé dành cho trẻ em, người lớn... lấy thước chung là tuổi hay chiều cao để phân biệt? Nhưng ở nước ta, rõ ràng mạnh ai người đấy làm, giá vé của các khu du lịch tư nhân thì tư nhân tự ý quyết định. Những hạn chế này tồn tại hàng chục năm nay, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý du lịch chắc chắn là biết.
"Với các doanh nghiệp lữ hành và đơn vị cung cấp dịch vụ, vẫn làm ăn manh mún, lỏng lẻo. Mạnh ai người đó làm, cờ đến tay ai người đó phất, như thế làm sao có được giá cả tốt và tạo uy tín với khách hàng? Khách hàng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị gặp phải công ty lừa đảo, các doanh nghiệp thì chiếm dụng vốn của nhau rồi dùng khách để ép. Đấy là chưa kể đến vì lợi nhuận mà cắt cả tiền ăn của khách, giảm các dịch vụ...
Thiết nghĩ, bản thân các doanh nghiệp còn không tôn trọng khách hàng
và đạo đức nghề nghiệp thì làm sao tạo niềm tin và giữ được chữ tín với
khách hàng?", độc giả này chất vấn.
Với tình trạng như hiện nay, bao
giờ du lịch Việt Nam mới có thể phát triển được, chưa nói gì đến sánh
ngang tầm với các nước trong khu vực?.