- Giá đường nội ở mức cao nên các doanh nghiệp chế biến "thích" nhập khẩu hơn là thu mua, mặc dù sản lượng đường trong nước được dự báo sẽ dư thừa cho tiêu thụ.
Giá cao còn khó mua
Niên vụ 2012-2013 dự báo cả nước đạt trên 1,5 triệu tấn đường các loại, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ khoảng 1,35 triệu tấn.
Hiện tại giá đường trong nước đang có xu hướng giảm, nhưng vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực từ 10-15%. Lý giải điều này, ông Trịnh Minh Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho hay, nghịch lý rõ ràng nhất của ngành mía đường Việt Nam là nguyên liệu mía so với khu vực và thế giới có chất lượng kém nhất mà giá lại cao nhất, chi phí tiền mía trong kết cấu giá thành đường lên tới 80%. Chính từ việc giá đường trong nước cao, lại khó mua khiến nhiều doanh nghiệp thực phẩm mong chờ vào việc cấp quota nhập khẩu đường từ Bộ Công Thương.
Cụ thể, các nhà máy ở ĐBSCL sản xuất ra 1kg đường phải tốn tới 12.500 đồng tiền mua mía, trong khi Thái Lan chỉ mất hơn 6.000 đồng mà trữ đường lại cao hơn. Chi phí nhiên liệu, vận hành, lao động... để ra 1kg đường, các nhà máy trong nước phải tốn thêm 3.000 đồng, còn ở Thái Lan, chi phí này thấp do các nhà máy được điều khiển tự động. Như vậy, giá thành sản xuất 1kg đường trong nước khoảng 15.500 đồng, chưa kể lãi ngân hàng, còn ở Thái Lan chưa tới 10.000 đồng. Mức chênh lệch cao như vậy, nên các nhà máy đường trong nước luôn thua thiệt.
Ông Trương Phú Chiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bibica, cho biết: "Giá đường trong nước luôn thiếu tính ổn định nên doanh nghiệp vẫn chưa thực sự an tâm. Giá luôn dao động ở biên độ lớn, thời điểm thấp nhất là 13.000-15.000 đồng/kg, lúc cao điểm lên đến 17.000-20.000 đồng/kg làm doanh nghiệp khó trở tay. Như vậy doanh nghiệp không thể ký đơn hàng lớn mà chỉ có những hợp đồng nhỏ lẻ mang tính chất thời vụ".
Chẳng hạn như Bibica, mỗi tháng chỉ mua 100 tấn đường của một nhà máy, nhưng tháng sau lại mua ở nhà máy khác, không khác gì đi chợ. Trong khi đó, giá đường của các nước trong khu vực luôn ổn định trong vòng 1 năm nên chuyện nhập đường ngoại đang là việc các doanh nghiệp chế biến tính đến".
Không những thế, tình trạng găm hàng để đẩy giá của một số nhà máy đường đang làm các doanh nghiệp mệt mỏi. Đại diện Công ty Tân Hiệp Phát cũng cho rằng, công ty cần khoảng 40.000-50.000 tấn/năm trong khi nhiều nhà máy đường ở Việt Nam không cung cấp được. Cứ đến lúc doanh nghiệp hỏi mua thì một số nhà máy thông báo hết đường, chưa kể giá lúc nào cũng cao hơn thế giới khoảng 15%.
Nhập ngoại cho linh hoạt!?
Phương thức thanh toán khi mua bán đường ở trong nước vẫn chưa linh hoạt và luôn phải đặt cọc tiền cao hơn so với đường nhập khẩu. Khi mà hầu hết các doanh nghiệp đang rơi vào khủng hoảng, hàng tồn kho vẫn ngổn ngang thì việc lựa chọn nhập khẩu để cân đối lại chi phí là điều dễ hiểu.
Ông Vũ Quốc Tuấn, Trưởng phòng Truyền thông đối ngoại Nestle Việt Nam, nói: "Khi mua đường tại các nhà máy trong nước, doanh nghiệp phải trả trước tới 50% giá trị lô hàng. Còn nếu nhập khẩu theo quota, chỉ phải đưa trước 10%, lại được ổn định về giá từ đầu vụ đến cuối vụ. Lụa chọn đường nhập khẩu rõ ràng là vừa an tâm lại vừa tiết kiệm chi phí đầu vào. Vì vậy, lượng nhập khẩu đường của Nestle Việt Nam chiếm đến 60% nhu cầu của công ty".
Trước tình cảnh các doanh nghiệp chế biến hết sức mặn mà với quota nhập khẩu đường, thờ ơ với đường nội, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng họ nên đưa ra yêu cầu với những thông số rõ ràng và số lượng cần thiết để Hiệp hội để có sự điều tiết hợp lý. Theo quy định của WTO, Việt Nam không thể nào duy trì mãi hàng rào thuế quan. Do đó, ngành mía đường cũng phải bắt kịp và vượt tiến độ đó nếu không sẽ không thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực.
Riêng về chốt giá ổn định trong cả năm, một số nhà sản xuất đường cho biết cần xem lại vì nếu doanh nghiệp mua chốt trong một thời gian dài mới lấy hàng rất khó cho bên bán. Thực tế đã xảy ra thời gian qua là hợp đồng tiêu thụ đường đã ký, khi thị trường giá lên việc giao hàng rất dễ, nhưng khi giá rớt thì giao vô cùng khó khăn. Các nhà sản xuất cho rằng, phải tính toán phương án giá hợp lý, phù hợp với giá thị trường, có thể chốt giá theo quý hoặc 6 tháng.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, phân tích, kinh doanh mía đường ở Việt Nam luôn bị phụ thuộc vào thời tiết ảnh hưởng đến chất lượng nên sự phối hợp giữa nhà máy đường và nông dân trồng mía vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Dự báo, đến tháng 12 lượng mía chạy lũ này vẫn còn nên Hiệp hội đang vận động các nhà máy đường thu mua bớt cho nông dân. Song các nhà máy đường đang đắn đo vì giá mía đang xuống thấp, trong khi doanh nghiệp đang lỗ, nếu chia sẻ cho nông dân thì doanh nghiệp sẽ còn lỗ nhiều hơn. Như vậy nhà máy và nông dân chưa tìm được tiếng nói chung thì doanh nghiệp chế biến vẫn là người chịu thiệt nên tìm cách nhập ngoại cho linh hoạt.
Nam Phong