- Trong khi nền kinh tế Việt Nam lao dốc khủng hoảng về tín dụng, bất động sản, chứng khoán… bên cạnh việc phá sản, thì việc mua bán, sáp nhập DN đã khiến nhiều DN biến mất. Trong quá trình đó, không ít thương hiệu Việt nổi danh trong quá khứ đã tan vỡ trước sức ép khó khăn, khủng hoảng.


Mất bao công sức và tiền của mới xây dựng được một thương hiệu, để lại ấn tượng trong lòng khách hàng, vậy nhưng do mắc phải sai lầm trong kinh doanh, dẫn đến nhiều DN lao dốc thê thảm. Không ít thương hiệu Việt một thời tên tuổi đã bị xóa sổ vĩnh viễn.

Những câu chuyện của Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội ( SHB) khiến cho thương hiệu Habubank bị xóa sổ hoàn toàn, hay Công ty Uni-President Việt Nam (100% vốn nước ngoài) đã "nhắm mắt làm ngơ" để Công ty nước giải khát Tribeco Sài Gòn phá sản, sau đó triển khai kế hoạch mua lại Tribeco và Tập đoàn Lotte Hàn Quốc đang nuôi ý đồ "chiếm đoạt" Bibica, trong năm 2012 làm không ít Doanh nhân Việt phải giật mình.

Habubank (Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội ) ra đời vào năm 1989, sau hơn 20 năm phát triển, Habubank đã trở thành ngân hàng tên tuổi với gần một trăm chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước. Ngày mới thành lập, Habubank chỉ có 16 cán bộ với số vốn ban đầu 5 tỷ đồng, sau hơn 20 năm, vốn điều lệ của ngân hàng này đã lên hơn 4.000 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng đã tạo dựng được 1 đội ngũ những cán bộ có chất lượng nhiều ngân hàng khác thèm muốn.


Vậy nhưng đến nay thì chẳng còn gì. Có bề dày lịch sử hơn 20 năm, nhưng Habubank đã phải sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và phải từ bỏ vĩnh viễn thương hiệu một thời của mình.

Theo báo cáo đánh giá lại tài sản và các khoản dự phòng liên quan của Công ty Kiểm toán Ernst&Young thì Habubank chịu khoản lỗ lũy kế là 4.066 tỷ đồng. Cái chết của Habubank được nhận định bằng cụm từ “do tập trung tín dụng vào một số khách hàng lớn”, tập trung ở các lĩnh vực như: đóng tàu, sản xuất giấy, thuỷ sản. Chỉ với 50 khách hàng lớn đã chiếm tới 65% tổng nợ của Habubank.

Khách hàng lớn nhất mà Habubank đã cho vay là Vinashin với số vốn lên tới 2.745 tỉ đồng, thêm 600 tỉ đồng trái phiếu do tập đoàn phát hành mà ngân hàng mua, tổng cộng 3.345 tỉ đồng, bằng 83% vốn điều lệ.

Hậu quả là mỗi năm, chỉ nguyên bù đắp khoản chi phí huy động vốn cho khoản vay của Vinashin, Habubank mất đứt 500 tỉ đồng. Liên tục ở trong tình trạng phải có bằng được vốn huy động sau trả cho vốn huy động, Habubank năm 2011 đã không tránh khỏi trở thành ngân hàng đầu tiên báo lỗ.

Một khách hàng lớn nữa là Công ty Thuỷ sản Bình An (Bianfishco) cũng góp phần làm cho Habubank điêu đứng.

Habubank góp vốn mua 5 triệu cổ phần với giá 16.000 đồng một cổ phiếu, trị giá 80 tỷ đồng (tương đương 10% vốn điều lệ của Bianfishco). Ngoài ra, còn một khoản mua có kỳ hạn 25 triệu cổ phiếu Bianfishco, trị giá 125 tỷ đồng. Một khoản ủy thác đầu tư khác Habubank mua 9 triệu cổ phiếu Bianfishco, trị giá 62 tỷ đồng. Như vậy Habubank đã đầu tư vào Bianfishco trị giá 267 tỷ đồng.

Bianfishco tính đến quý 1/2012 có số nợ hơn 1.500 tỉ đồng, trong đó, hàng trăm tỉ đồng nợ tiền mua cá của nông dân nhưng không còn khả năng để chi trả.

Từ giữa năm 2011, khi các tổ chức tín dụng bắt đầu hạn chế cho vay thì Bianfishco đã có dấu hiệu mất cân đối nghiêm trọng... dẫn đến việc thiếu nguồn vốn để kinh doanh.

Trước đây, có được khách hàng lớn, cho những đại gia trên vay, được coi là thành tích. Còn nay, những hợp đồng tín dụng lớn ấy, thành tội đồ, giết chết một ngân hàng đang phát triển.Khi các con nợ này không cón khả năng trả nợ đã dẫn đến tình trạng thua lỗ, nợ xấu lớn và gần cụt vốn chủ sở hữu.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2011, Habubank đã gây "sốc" cho không ít cổ đông khi lãnh đạo ngân hàng này đưa ra thông tin vốn chủ chỉ còn hơn 195 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng thời điểm 29/2, nếu theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) là 16,06%.

Khoản nợ xấu này đã khiến Habubank không thể gắng gượng nổi. Bù đắp được món nợ xấu này đồng nghĩa với việc các cổ đông phải đổ thêm vốn vào cho Habubank, nhưng trong tình hình trước sức áp lực phải nâng cao năng lực tài chính, với lộ trình tăng vốn pháp định lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2012, thì sức chịu đựng cổ đông đã không chịu nổi. Và Habubank đã phải tiến đến giải pháp sáp nhập vào với SHB.

Với những người Hà Nội, Habubank là một cái tên đọng lại nhiều ký ức bởi đây chính là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên ra đời trong quá trình đổi mới. Trong tiềm thức của người dân Hà Nội, Habubank là ngân hàng đã sát cánh với nhiều người trong vấn đề tài chính cá nhân và gia đình.

Một thương hiệu ngân hàng đã được dày công xây dựng, là công lao của bao nhiêu thế hệ, cổ đông giờ bị xóa bỏ. Trong tâm tư của nhiều nhân viên ngân hàng này, không còn gì buồn hơn khi ông chủ mới chi phí 2,1 tỷ đồng để thay thế tên Habubank thành SHB trên toàn bộ các biển hiệu ở tất cả các chi nhánh và phòng giao dịch trên phạm vi toàn quốc.

Trụ sở chính của Habubank tại Ngọc Khánh (Hà Nội) là một trong những nơi SHB tiến hành thay biển hiệu đầu tiên. Chứng kiến cảnh dỡ biển của Habubank và treo biển SHB lên thay thế, không riêng gì nhân viên cũ của Habubank, người dân đi ngang qua đường cũng không khỏi tiếc nuối cho một thương hiệu gắn bó với quá trình đổi mới của Hà Nội đã tan vỡ.

Trong khi đó, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB cho biết, SHB được lợi lớn. "Với SHB, đây là thương vụ thành công hơn cả mong đợi. Bình thường SHB phải mất 5 năm mới có thể đạt được những gì có được sau sáp nhập, nhưng ở đây chúng tôi chỉ mất 7 tháng đã hoàn tất".

Nhưng dù nuối tiếc nhưng đó là một thực tế phải chấp nhận trong quá trình phát triển.

Trần Thủy